23/05/2017 12:45        

Bàn về những bất cập khi triển khai Luật Bình đẳng giới

Bàn về những bất cập khi triển khai Luật Bình đẳng giới

Luật Bình đẳng giới có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007, trải qua 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, vấn đề bình đẳng giới đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật Bình đẳng giới vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Bài viết tập trung nghiên cứu, phân tích về những hạn chế, bất cập liên quan đến khía cạnh pháp lý và thực tiễn khi triển khai Luật Bình đẳng giới tại tỉnh Khánh Hòa.

Thứ nhất về độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ
Điều 7, Luật Bình đẳng giới quy định phải “Bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển”. Tuy nhiên, theo Bộ luật Lao động, hiện nay đang có sự khác biệt rõ rệt về độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, theo đó nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi, trong khi độ tuổi bắt đầu tham gia lao động không có sự phân biệt về giới (người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên) . Độ tuổi nghỉ hưu liên quan chặt chẽ đến độ tuổi quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, từ đó dẫn đến bất bình đẳng về chính trị giữa nam và nữ, nữ giới sẽ thiệt thòi về cơ hội phát triển nghề nghiệp. Đồng thời, cũng dẫn đến sự bất bình đẳng về kinh tế: nữ khi đủ 55 tuổi phải nghỉ hưu sẽ mất phần thu nhập chênh lệch giữa tiền lương (nếu đi làm) và lương hưu trong 5 năm so với nam giới đang đi làm. Mức hưởng lương hưu cũng có thể thấp hơn nam giới do mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội của nữ thấp hơn nam 05 năm. Không chỉ vậy, xuất phát từ độ tuổi nghỉ hưu, khi tuyển dụng, bồi dưỡng chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức một số địa phương đề ra tiêu chuẩn về độ tuổi khác nhau đối với nam và nữ, thông thường tuổi đời của nữ sớm hơn nam 05 tuổi, nhằm đảm bảo cho nữ có cơ hội phát triển, thăng tiến khi còn trẻ. Tuy nhiên, quy định về độ tuổi đào tạo vô tình đã vi phạm nguyên tắc “Nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng” của Luật Bình đẳng giới . Như vậy, sự sự phân biệt về tuổi nghỉ hưu đã trở thành rào cản đối với nữ giới, hạn chế các cơ hội thăng tiến, đề bạt, tiếp cận với đào tạo và phát triển đối với nữ giới và buộc họ phải dừng sự nghiệp trong khi các đồng nghiệp nam vẫn tiếp tục tiến tới đỉnh cao công việc.

Thứ hai, quy định về độ tuổi người cao tuổi
Khoản 3 Điều 37 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Điều 2 Luật Người cao tuổi quy định “Người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”.
Như vậy, lao động nữ đến tuổi nghỉ hưu vẫn chưa được xem là Người cao tuổi và không được hưởng các chính sách, quyền của Người cao tuổi theo quy định của pháp luật, trong khi lao động nam đủ 60 tuổi nghỉ hưu đã có thể tham gia Hội Người cao tuổi Việt Nam theo quy định của Điều lệ Hội và được hưởng đầy đủ quyền lợi, chính sách của Nhà nước đối với Người cao tuổi. Qua đó, cho thấy sự bất bình đẳng về quyền lợi giữa nam và nữ khi đến tuổi nghỉ hưu.

Thứ ba, quy định xử phạt lựa chọn giới tính thai nhi 
Khoản 7, Điều 40 Luật Bình đẳng giới quy định “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi” là hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, Nghị định 55/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới lại không quy định chế tài đối với hành vi “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức” mà chỉ quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi “Xúi giục người khác phá thai vì giới tính của thai nhi” . Đây chính là kẻ hở của pháp luật để cá nhân, tổ chức thực hiện giải pháp lựa chọn giới tính của thai nhi nhằm “sinh con theo ý muốn”, dẫn đến sự chênh lệch giới tính nam và nữ đang báo động của Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Theo thống kê, tại tỉnh Khánh Hòa trong 03 năm trở lại (từ 2014 đến 2016), tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tăng dần, nam chiếm 52% và nữ chiếm 48%.

Thứ tư, chính sách hỗ trợ cho Nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi
Luật Bình đẳng giới quy định “Nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ”. Theo đó, Điều 18 Nghị định 48/2009/NĐ-CP giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành khác có liên quan xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định hỗ trợ nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, cụ thể:
“1. Quy định các hình thức đào tạo linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nữ cán bộ, công chức, viên chức đang nuôi con nhỏ.
2. Quy định hỗ trợ bằng tiền; tạo điều kiện về nơi ở, nơi gửi trẻ, trường mầm non khi nữ cán bộ, công chức, viên chức mang theo con đến cơ sở đào tạo, bồi dưỡng”.
Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa đi vào cuộc sống do đến nay chưa có hướng dẫn của Bộ Nội vụ về tổ chức thực hiện quy định hỗ trợ nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi. Do vậy, hầu hết các địa phương khi xây dựng quy định chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức không đề cập đến nội dung trên, đã hạn chế cơ hội học tập và thăng tiến của nữ cán bộ, công chức, viên chức. Trong khi, đây là biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, là chính sách được đông đảo chị em phụ nữ quan tâm và mong đợi. Điều 26, Hiến pháp 2013 quy định “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội” nhưng thực tế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho nữ vẫn còn khiêm tốn.
Từ những phân tích về hạn chế, bất cập của Luật Bình đẳng giới nêu trên, tôi đề xuất một số giải pháp như sau:
- Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, cần nghiên cứu sửa đổi quy định về độ tuổi nghỉ hưu, bảo đảm không phân biệt đối xử về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (Cedaw). Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, trong đó về độ tuổi nghỉ hưu dự thảo Luật hiện đang thể hiện 2 phương án để xin ý kiến: 
+ Phương án 1: giữ như hiện hành nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi. 
+ Phương án 2: tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60, tăng theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng để đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu được vận hành "mượt mà", không gây xáo trộn mạnh đến việc bố trí và sử dụng lao động. 
Tôi ủng hộ phương án 2 vì phương án này phần nào góp phần đảm bảo sự bình đẳng giữa nam và nữ đồng thời giải quyết được mâu thuẫn với Luật Người cao tuổi, theo đó khi nam và nữ nghỉ hưu đều có thể tham gia Hội Người cao tuổi.
- Kiến nghị Bộ Nội vụ sớm chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành khác có liên quan xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định hỗ trợ nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi.
- Kiến nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới, trong đó phải quy định chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”.
- Kiến nghị Bộ Tư pháp tiếp tục tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức tập huấn kỹ năng thực hiện lồng ghép quan điểm giới trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ pháp chế Bộ, ngành và địa phương, cán bộ tư pháp từ cấp xã đến cấp tỉnh. Tại tỉnh Khánh Hòa, bên cạnh việc tổ chức bồi dưỡng kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, Sở Tư pháp cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, khi phát hiện dự thảo văn bản có liên quan đến giới nhưng chưa được cơ quan soạn thảo thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới phải yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trước khi thẩm định.

Tâm An


 
Một số kết quả sau 03 năm thực hiện Luật Tiếp công dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Kết quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2017, khó khăn và hạn chế
Công tác hỗ trợ Doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2017, những kết quả đạt được; khó khăn và đề xuất
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ
Cần sớm ban hành Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật”
Một số giải pháp kiểm soát tình hình tội phạm liên quan đến bạo lực trong thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Một số khó khăn, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành về hành chính công
Vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Uỷ Ban thường vụ Quốc hội ban hành về hành chính công
Vướng mắc trong triển khai thực hiện Thông tư số 19/2015/TT-BTP ngày 28/12/2015 của Bộ Tư pháp
Một số vướng mắc về quy định phân cấp cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện cửa hàng bán LPG chai theo Nghị định số 19/2016/NĐ-CP của Chính phủ
Vài ý kiến góp ý vào dự thảo Bộ luật hình sự
Một số suy nghĩ về dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý
Cần có quy định về truyền thông đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý.
Không đưa Phòng công chứng vào danh mục chuyển thành Cty cổ phần
Hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho 5 nghìn người bán dâm
Tình hình triển khai thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Sở Tư pháp Khánh Hòa: năm 2016 - Chỉ số hài lòng đạt 80.3%
KHÁNH HÒA: NHỮNG KẾT QUẢ TÍCH CỰC CỦA VIỆC TRIỂN KHAI ĐỀ TÀI KHOA HỌC GÓP PHẦN ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH CHẾ ĐỘ CÔNG VỤ, CÔNG CHỨC.
Quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản trong trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá
Chuyện ghi ở Tòa: Đoạn kết không có hậu của một tình bạn

  • Tiếc
    16/04/2024
    Một ông nổi tiếng keo kiệt phải cấp cứu vì ăn nhầm nấm độc. Sau khi được bác sỹ rửa ruột, tiêm thuốc, ông ta hồi tỉnh lại. Trước khi cho xuất viện, báo sỹ hỏi:
  • Giải đáp
    16/04/2024
    Bà vợ hỏi ông chồng: - Tại sao người ta chọn Giờ Trái đất vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hằng năm ông nhỉ?
  • Món ngon
    16/04/2024
    Hai bợp nhậu ngồi tám chuyện: - Đố ông, trong các món mồi nhậu, con gì ngon nhất?
Số lượt truy cập: 508476