Vài ý kiến góp ý vào dự thảo Bộ luật hình sự
Nguyễn Thiện Hùng
Phó Chủ tịch Hội Luật gia Khánh Hòa
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và theo chương trình dự kiến, sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 tới. Trong phạm vi nhận thức của cá nhân, tôi nhất trí cao với nội dung của dự thảo Luật, đồng thời có một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, xem xét thêm như sau:
1. Một số vấn đề về pháp nhân thương mại:
a) Việc phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại tại khoản 2 Điều 9 được dự thảo ghi nhận: “Phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng tại Điều 188 (tội buôn lậu); Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới) …”. Tôi cho rằng việc phân loại này là chưa được rõ ràng. Nếu phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 của Điều 9 thì thực tế đã khó có cơ sở để so sánh. Tại khoản 1, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội đối với cá nhân được tính bằng hình phạt tù, được đo bằng mức phạt tù, số năm tù, căn cứ vào khung hình phạt tù để phân loại là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi đó đối với pháp nhân thương mại phạm tội lại chỉ có hình phạt tiền. Điều luật có nói “quy định tương ứng …” (tại các tội pháp nhân phải chịu hình phạt tiền) nhưng rõ ràng giữa hình phạt tiền và hình phạt tù có sự tách bạch nhau, khó có thể so sánh với nhau và việc nhìn nhận sự “tương ứng” ở đây cũng không dễ.
Do tính đặc thù của đối tượng phạm tội là pháp nhân, tôi đề nghị nghiên cứu phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại tách riêng ra, trên nguyên tắc căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được ấn định mức phạt tiền để phân loại tội phạm.
b) Cần được nghiên cứu kỹ về trách nhiệm hình sự của pháp nhân với trách nhiệm hình sự của cá nhân người điều hành pháp nhân đó. Tuy tại Điều 75 của Bộ luật hình sự về điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, tại khoản 2 đã ghi nhận “Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”, tuy nhiên việc này cũng chưa được phân định trên một quy định nào của Luật cho rõ ràng, minh bạch và khả thi. Pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về một hành vi phạm tội do mình gây ra, mà hành vi đó do một người, một số người có trách nhiệm điều hành pháp nhân đó chỉ huy, thực hiện thì có phải những người này đồng thời phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò cá nhân của mình? Như vậy có phải một hành vi phạm tội bị hai lần xem xét trách nhiệm hình sự, hay về mặt lý luận, những người này là đồng phạm của pháp nhân? Ngoài ra, ngoài những người chỉ huy, điều hành pháp nhân còn có thể có nhiều người