Cần có quy định về truyền thông đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý.
Hơn 10 năm qua, chức danh Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) đã xuất hiện trong bộ máy cơ quan nhà nước, tuy nhiên có không nhiều người dân (và cũng không ít cán bộ, công chức, viên chức) biết đến vai trò của họ.
Ảnh: Kiểm tra việc niêm yết bảng thông tin về TGPL tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Cam Lâm năm 2014.
Theo quy định tại Điều 21 Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2006 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2007), TGVPL là viên chức nhà nước, làm việc tại Trung tâm TGPL nhà nước, được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp thẻ TGVPL theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp. Luật TGPL cũng quy định, TGVPL thực hiện TGPL bằng các hình thức: tư vấn pháp luật; tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để thực hiện việc bào chữa; người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự; người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, đại diện ngoài tố tụng cho người được TGPL để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật và thực hiện các hình thức TGPL khác.
Dù đã chính thức đi vào hoạt động được hơn 10 năm nhưng vai trò của TGVPL thuộc Trung tâm TGPL nhà nước ít được người dân biết đến. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là công tác truyền thông, quảng bá về hoạt động của TGVPL còn hạn chế, bất cập. Cụ thể có một số hạn chế sau:
Thứ nhất, mặc dù từ năm 2007, theo quy định của pháp luật thì TGVPL được tham gia tố tụng, tuy nhiên số lượng vụ án có bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn và người có quyền, nghĩa vụ liên quan thuộc đối tượng được TGPL biết và có nhu cầu được TGVPL bảo vệ cho họ theo quy định của pháp luật chưa được nhiều. Nguyên do của vấn đề này xuất phát từ nhiều phía. Về phía người dân, công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo in, báo hình, báo nói, báo mạng) để thông tin về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm TGPL nói chung, của TGVPL nói riêng thời gian qua chưa được nhiều, chủ yếu đưa tin về các đợt TGPL lưu động ở cơ sở, về hội nghị tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ TGPL…nên ít có người dân biết về hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước và TGVPL. Vì thế, trên thực tế đã có việc các đối tượng của TGPL khi có nhu cầu cần sự giúp đỡ của TGVPL trong các hoạt động tiền tố tụng hoặc tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật nhưng họ không biết phải đi đến đâu, gặp ai để được hướng dẫn.
Đối với cơ quan tiến hành tố tụng nói chung cũng như người tiến hành tố tụng nói riêng ở nhiều địa phương gần như chưa quen mấy đến chức danh TGVPL trong vai trò là người tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho một bên của vụ án như vai trò của Luật sư. Bởi, TGVPL là chức danh mới, số lượng vụ án có sự tham