Mức phạt vượt đèn vàng ngang đèn đỏ không trái với Luật Giao thông đường bộ và có cơ sở thực tiễn
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây) thì người điều khiển phương tiện vượt đèn vàng hay đèn đỏ sẽ bị phạt tiền với mức phạt tiền quy định như nhau và mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vượt đèn vàng cao gần gấp đôi so với hiện hành... Trước thông tin được bạn đọc rất quan tâm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn để có cách nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.
Có ý nghĩa lớn trong việc góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Phóng viên: Thưa ông, liên quan đến Nghị định 46/2016/NĐ-CP, bạn đọc có nhiều ý kiến khác nhau. Một số thì cho rằng quy định phạt theo Nghị định 46 là không đúng với tính chất của đèn đỏ và đèn vàng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Nghị định 46 quy định như vậy là phù hợp vì quy định phạt người đi xe vượt đèn vàng sẽ giúp người khác và bản thân họ an toàn hơn khi lưu thông trên đường. Vậy ông đánh giá như thế nào về hai luồng ý kiến trái ngược nhau này?
Cục trưởng Đặng Thanh Sơn: Tôi cho rằng, đây là một trong nhiều hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có sự thay đổi đáng chú ý về hình thức, mức độ xử phạt so với quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Nghị định 107/2014/NĐ-CP hiện hành. Sở dĩ có sự thay đổi như vậy là xuất phát từ yêu cầu đấu tranh, phòng ngừa vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ hiện nay, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm thực tiễn về xử phạt vi phạm hành chính thời gian qua. Việc nhận định, nêu ý kiến về một vấn đề như vấn đề nêu trên, theo tôi, trước hết cần phân tích, đánh giá thấu đáo quy định của pháp luật về vấn đề này, trên cơ sở xem xét, cân nhắc thỏa đáng đến các yếu tố thực tế liên quan.
Đối với luồng ý kiến thứ nhất, tại điểm c khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định rõ “tín hiệu đỏ là cấm đi, khi đèn tín hiệu chuyển sang vàng là phải dừng lại trước vạch dừng”. Điểm a khoản 5 Điều 5; điểm c khoản 4 Điều 6; điểm g khoản 4 Điều 7; điểm h khoản 2 Điều 8 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP có quy định quy định xử phạt đối với hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”. Thực tế, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP hiện hành đang quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vượt đèn vàng tại điểm l khoản 3 Điều 5; điểm o khoản 3 Điều 6; điểm i khoản 3 Điều 7 và điểm c khoản 1 Điều 8 (hành vi “không chấp hành tín hiệu đèn giao thông”). Do vậy không thể coi là quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP không đúng tính chất của đèn đỏ và đèn vàng.