01/09/2015 15:24
|
Góp ý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi): Một số vấn đề về trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
Góp ý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi):Một số vấn đề về trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) đã dành một Chương (Chương XI, gồm 14 Điều) quy định đối với pháp nhân phạm tội. Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến Nhân dân theo Nghị quyết của UBTV Quốc hội và đã nhận được nhiều sự đồng tình. Sự nhất trí cao là ở quan điểm cần phải xem xét trách nhiệm hình sự của pháp nhân mặc dù trong lịch sử pháp luật hình sự nước ta vấn đề này chưa được đặt ra. Pháp luật hình sự hiện hành chỉ xem xét trách nhiệm hình sự của cá nhân, là người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định tại Bộ luật hình sự. Trên thực tế, trong sự cạnh tranh bởi cơ chế kinh tế thị trường, không ít các tổ chức kinh tế vì lợi ích của riêng mình đã gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng cho xã hội, gây nguy hại lớn cho xã hội. Những hành vi đó, là cá nhân con người thực hiện phải chịu trách nhiệm hình sự, tổ chức kinh tế thực hiện hành vi tương tự mà không phải chịu trách nhiệm hình sự là thể hiện sự không thấu đáo, thiếu minh bạch của pháp luật hình sự. Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cho phép xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước. Tuy nhiên các chế tài hành chính, và cả dân sự, để xử lý pháp nhân vi phạm là chưa đủ sức răn đe, trừng trị, càng không mấy giá trị phòng ngừa. Hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật pháp nhân gây ra, trên một số lĩnh vực, là hết sức nghiêm trọng, gây nguy hại rất lớn, đặc biệt lớn cho xã hội như về ô nhiễm môi trường, nạn hàng giả, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ, an toàn lao động, chây ì không đóng bảo hiểm cho người lao động, đưa hối lộ … Mặc dù đã có chế tài xử phạt hành chính nhưng việc thực thi pháp luật trên lĩnh vực này chưa đem lại hiệu quả mong muốn, không đủ sức ngăn chặn vi phạm do tính nghiêm khắc của nó không cao, chưa nói đến những hạn chế trong tổ chức bộ máy của cơ quan thực thi công vụ, quy trình thủ tục đặt ra nhiều khó khăn cho cơ quan xử lý dẫn đến nhiều vụ việc không được xử lý dứt điểm, thậm chí có những vi phạm không xử lý được. Vì vậy yêu cầu đặt ra là phải có chế tài hình sự để xử lý pháp nhân vi phạm. Tôi cho rằng đây cũng là vấn đề cấp thiết phải có. Dự thảo đặt vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân khi có đủ các điều kiện: Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân, có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân và chỉ giới hạn trong một số tội phạm nhất định. Tôi đồng tình với tất cả các tội danh mà dự thảo đã tính đến tại Điều 76. Có thể nói nhiều năm qua các loại vi phạm này đã thường xuyên xuất hiện, ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế, gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống, lợi ích của người dân, cần phải được hình sự hóa để truy cứu trách nhiệm một cách minh bạch. Tuy nhiên, trong việc xử lý hình sự đối với pháp nhân vi phạm pháp luật cũng cần tính đến một số yếu tố có liên quan để đảm bảo tính khả thi, mục đích, hiệu quả của đấu tranh ngăn chặn và phòng ngừa vi phạm, đồng thời đảm bảo công bằng, minh bạch và không bỏ lọt tội phạm. Việc xác định đúng trách nhiệm hình sự của pháp nhân cũng là vấn đề đang được quan tâm. Như dự thảo tại Điều 75 về nguyên tắc xử lý đối với pháp nhân phạm tội, phải hội đủ các yếu tố đó là nhân danh pháp nhân, vì lợi ích và có sự chỉ đạo, điều hành hoặc sự chấp thuận của pháp nhân. Trong điều hành hoạt động kinh doanh của pháp nhân, có những quyết định do người lãnh đạo đưa ra, có khi chỉ là cá nhân trong ban lãnh đạo, nó vẫn nhân danh pháp nhân và vì lợi ích của pháp nhân, khi hành vi đó cấu thành tội phạm thì ranh giới giữa trách nhiệm pháp nhân với trách nhiệm cá nhân người ra quyết định là khó phân định (ví dụ trong tội đưa hối lộ). Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) đưa ra một nguyên tắc xử lý hình sự là việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Điều này cũng cần được làm rõ thêm. Chỉ trong những trường hợp có dấu hiệu rõ ràng cá nhân làm trái chủ trương của pháp nhân hay không xuất phát từ lợi ích của pháp nhân mới có thể xem xét trách nhiệm của cá nhân. Trong trường hợp này pháp nhân không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Ngược lại, khi đã truy cứu trách nhiệm của pháp nhân thì trách nhiệm cá nhân được loại trừ. Có không, một hành vi phạm tội do một người (nhân danh pháp nhân) thực hiện, pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự cà cá nhân người đó cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Hình phạt áp dụng đối với pháp nhân là phạt tiền. Khi bị phạt tiền, đương nhiên nguồn tiền này phải do pháp nhân bỏ ra, là tài sản của pháp nhân. Có nhiều loại pháp nhân tài sản là vốn góp của các thành viên, là tài sản của các cổ đông, họ phải gánh chịu thiệt hại trong lúc họ hoàn toàn không có lỗi. Vậy những người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm nào khác không. Đây cũng là vấn đề cần được nghiên cứu thêm để có cơ chế xử lý hài hòa, thích hợp. Pháp nhân phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Đây cũng là hình phạt cần thiết được áp dụng trong trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên với thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, bị đình chỉ hoạt động đến 03 năm là quá dài. Tôi cho rằng việc đình chỉ hoạt động của pháp nhân là để họ có thời gian đủ để khắc phục hậu quả đã gây ra, cần cho họ nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh, làm lợi cho nền kinh tế và ổn định đời sống của người lao động. Tính nghiêm khắc của hình phạt là ở mức tiền phạt, không phải ở chỗ kéo dài việc đình chỉ hoạt động kinh doanh. Pháp luật nghiêm minh nhưng cần quan tâm bảo hộ sản xuất kinh doanh, hạn chế để lại rủi ro cho người lao động. Cũng với tinh thần này, tôi đề nghị xem lại một số quy định về cấm huy động vốn đối với pháp nhân. Theo dự thảo Bộ luật, pháp nhân không được vay vốn ngân hàng, vay vốn của tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư suốt 3 năm khi họ đã chấp hành xong hình phạt, không còn bị đình chỉ hoạt động, hoặc trong trường hợp họ không bị đình chỉ hoạt động mà hình phạt đối với họ chỉ là phạt tiền. Thiết nghĩ, nếu pháp nhân đã chấp hành xong hình phạt thì không nên cấm họ huy động vốn để tạo điều kiện cho họ kinh doanh. Mặt khác, đối với pháp nhân chỉ phải chấp hành hình phạt tiền thì càng không nên cấm họ huy động vốn, liên doanh liên kết trong sản xuất kinh doanh. Nguyễn Thiện Hùng Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa
|
|
|
|
|
|