09/06/2015 15:10
|
Giảm hình phạt tử hình nên chăng?
Giảm hình phạt tử hình nên chăng? Mấy ngày qua, Quốc hội đang thảo luận tổ về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) trong đó có vấn đề đang được dư luận quan tâm là việc giảm hình phạt tử hình ở một số tội danh của Bộ luật Hình sự. Bài viết sau đây góp phần làm rõ thêm những tranh luận đang “nóng” trên diễn đàn Quốc hội. Tử hình là hình phạt cao nhất và nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt được quy định tại Bộ luật hình sự của nước ta bởi hình phạt này sẽ tước đi sinh mạng của một con người mà cụ thể là sinh mạng của kẻ phạm tội. Hiện nay trên thế giới vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về việc có nên áp dụng hình phạt tử hình hay không, và thực tế có nước đã bỏ hình phạt tử hình nhưng một số nước lại khôi phục lại án tử hình đã bị bãi bỏ trước đây. Với thực tiễn và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm ở Việt Nam thì Hình phạt tử hình vẫn cần thiết và là công cụ cưỡng chế mạnh mẽ, có hiệu quả của Nhà nước trong việc trấn áp tội phạm, nhất là các loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Thực tế đã chứng minh sự cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự của nước ta và chính sách đó đã nhận được sự đồng tình của đại đa số nhân dân. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, nhận thức pháp lý và yêu cầu bảo đảm quyền con người ngày càng cao và xu thế chung trên thế giới thì hiện tại, ở nước ta không cần thiết áp dụng nhiều hình phạt tử hình đối với các hành vi phạm tội nói chung mà chỉ nên áp dụng đối với một số tội phạm đặc biệt nguy hiểm, gây tác hại rất lớn cho xã hội. Xuất phát từ thực tiễn khách quan đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự đã có sự điều chỉnh theo hướng hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình. Theo đó từ 29 tội danh có khung hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự 1999 đã được giảm xuống còn 22 tội danh trong Bộ luật Hình sự hiện hành. Vấn đề đặt ra ở đây là tại thời điểm này cần thiết giữ nguyên số tội danh có khung hình phạt tử hình nói trên hay tiếp tục nghiên cứu theo hướng giảm thêm một số hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự hiện hành? Để trả lời câu hỏi đó thì chúng ta phải xác định nhiều vấn đề như diễn biến tình hình tội phạm trong giai đoạn hiện nay, tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, đặc điểm nhân thân của người phạm tội, về hiệu quả của việc áp dụng hình phạt, sự đồng tình của dư luận vv. Ngoài ra cũng tính tới các yếu tố quan trọng khác là sự trừng phạt và tính răn đe, ngăn ngừa trong việc áp dụng hình phạt tử hình có đạt hiệu quả mong muốn không, có tạo được sự đồng thuận trong xã hội hay không. Bởi trong pháp luật của Nước ta thì việc áp dụng hình phạt nói chung và hình phạt tử hình nói riêng thì ngoài việc trừng phạt cá nhân kẻ phạm tội còn mang tính giáo dục chung và đây là thuộc tính cơ bản của việc áp dụng hình phạt của pháp luật xã hội chủ nghĩa. Như vậy tính trừng phạt và tính giáo dục của hình phạt tử hình trong chính sách hình sự của Nhà nước ta luôn song hành, gắn kết và bổ sung lẫn nhau và không thể tách rời.
|
|
|
|
|
|