07/10/2015 15:40
|
Đôi điều về bán đấu giá và xử lý kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án quy định tại Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự
Đôi điều về bán đấu giá và xử lý kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án quy định tại Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự
Ngày 1/9/2015 vừa qua, Nghị định 62/2015 của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực thi hành. Vì vậy, mặc dù chưa có thông tư hướng dẫn nhưng những vấn đề phát sinh từ khi Nghị định có hiệu lực vẫn phải được thực hiện. Tuy nhiên, các quy định dường như vẫn còn chưa cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Đứng ở góc độ của tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, tôi xin góp một số ý kiến có liên quan đến việc bán đấu giá tài sản, như sau:
Khoản 1 Điều 27 quy định việc xử lý tài sản thuộc sở hữu chung trước khi bán lần đầu, sẽ được Chấp hành viên thực hiện bằng cách cho các chủ sở hữu chung tự thỏa thuận người được quyền mua tài sản. Trong trường hợp không thỏa thuận được, “thì Chấp hành viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người được mua tài sản bán đấu giá.” Như vậy, Chấp hành viên chọn ra người mua tài sản bán đấu giá là như thế nào? Vì việc Chấp hành viên xử lý tài sản là trước khi chuyển hồ sơ cho tổ chức bán đấu giá và việc chọn ra trong số các sở hữu chung người mua được tài sản là chưa qua quy trình đấu giá.
Khoản 3 Điều 27 quy định: “Người mua được tài sản bán đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày đấu giá thành”. Nhiều tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thỏa thuận trong Hợp đồng bán đấu giá tài sản với cơ quan thi hành án về việc ngay sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc thì ngoài khoản tiền đặt trước đã nộp, người mua được tài sản còn phải nộp thêm một khoản tiền đặt cọc để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán. Số tiền còn lại (sau khi trừ đi tiền đặt trước và tiền đặt cọc), người mua được tài sản phải nộp cho tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trong vòng 30 ngày, kể từ ngày đấu giá thành. Quy định này cũng được các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp quy định trong Quy chế bán đấu giá tài sản dựa trên quy định của Bộ luật dân sự về việc dùng biện pháp đặt cọc để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự. Như vậy, với quy định tại Khoản 3 Điều 27 của Nghị định 62/2015/NĐ-CP sẽ được hiểu là người mua được tài sản phải nộp số tiền trúng đấu giá (nộp 100%) vào tài khoản của cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản, khi đăng ký tham gia đấu giá, người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước và khoản tiền này sẽ được trừ vào tiền mua tài sản trong trường hợp trúng đấu giá. Như vậy, để phù hợp với các quy định pháp luật thì nên quy định người mua được tài sản nộp số tiền còn lại vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự. Và số tiền còn lại sẽ được hiểu là số tiền sau khi đã trừ khoản tiền đặt trước và tiền đặt cọc (nếu có).
Khoản 4 Điều 27 quy định: “Trường hợp đến hạn theo hợp đồng bán đấu giá tài sản mà không giao được tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá thì người này có quyền yêu cầu hủy bỏ hợp đồng”. Dường như có sự nhầm lần giữa các chủ thể trong quy định trên. Vì Hợp đồng bán đấu giá tài sản là thỏa thuận giữa người có tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản. Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá mới là sự thỏa thuận giữa tổ chức bán đấu giá tài sản và người mua được tài sản. Ngoài ra, việc hủy bỏ hợp đồng được thực hiện theo trình tự, thủ tục như thế nào? Các chi phí phát sinh và thiệt hại, ai chịu? Cũng cần phải nói thêm rằng, từ ngữ sử dụng tại văn bản pháp luật nên được sử dụng đúng tên do pháp luật quy định, tránh trường hợp sử dụng tùy tiện dễ gây nhầm lẫn và không rõ ràng (từ “người này” ở quy định trên là một ví dụ cụ thể).
Trên đây là một số ý kiến cá nhân đối với Nghị định 62/2015/NĐ-CP. Hy vọng, trong thời gian sắp tới, Bộ Tư pháp sớm ban hành Thông tư hướng dẫn để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện công tác bán đấu giá có liên quan đến công tác thi hành án dân sự.
Nguyễn Bích Phượng – Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản Khánh Hòa
|
|
|
|
|
|