15/08/2016 10:22        

Điểm mới của Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP ngày 26/11/2010 hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính


Điểm mới của Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP ngày 26/11/2010 hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính

Sau khi Thông tư liên tịch số 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP ngày 26/11/2010 của liên Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính (TTLT số 19) được ban hành, việc thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực bởi nhiều nội dung của Luật TNBTCNN và Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TNBTCNN (Nghị định số 16) đã được TTLT số 19 hướng dẫn chi tiết. Tuy nhiên, qua 05 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được thì thực tiễn triển khai cũng đã bộc lộ một số vướng mắc, khó khăn xuất phát từ chính những quy định của TTLT số 19. Cụ thể là về các quy định về xác định phạm vi TNBTCNN tại khoản 12 Điều 13 Luật TNBTCNN, quyền yêu cầu bồi thường,căn cứ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, thủ tục giải quyết bồi thường, thiệt hại được bồi thường.
Trên cơ sở này, ngày 14/12/2015, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư liên tịch số 18/2015/TTLT-BTP-BTC-TTCP của liên Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính (TTLT số 18) thay thế TTLT số 19 và Thông tư liên tịch số 08/2013/TTLT-BTP-BTC-TTCP ngày 27/02/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP ngày 26/11/2010 hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính (TTLT số 08) quy định một số điểm mới nhằm tạo thuận lợi hơn cho công dân trong thực hiện quyền yêu cầu bồi thường cũng như cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu những điểm mới của TTLT số 18 so với TTLT số 19, cụ thể như sau:
1. Về thời điểm xác định quyền yêu cầu bồi thường
Khoản 1 Điều 4 Luật TNBTCNN quy định “Người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường giải quyết việc bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật….”. Tuy nhiên, cụm từ “khi có” được hiểu như thế nào trong thực tiễn thi hành thì vẫn còn vướng mắc, cụ thể là “Khi có” được hiểu là (1) thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản (thời điểm ký đóng dấu ban hành) hay (2) thời điểm văn bản đó có hiệu lực pháp luật hay (3) thời điểm người bị thiệt hại nhận được văn bản đó...Đồng thời, cũng không loại trừ trường hợp là trên thực tế người bị thiệt hại đã nhận được văn bản nhưng lại phản ánh là chưa nhận được thì TTLT số 19 chưa có hướng dẫn về trường hợp này.
Để giải quyết vướng mắc này, Điều 1 của TTLT số 18 đã quy định cụ thể hơn về thời điểm xác định khi nào người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường. Theo đó, mốc thời gian, ngày mà người bị thiệt hại có quyền yêu cầu giải quyết bồi thường được xác định là từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật.
2. Về thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường
Khoản 1 Điều 5 Luật TNBTCNN quy định “Thời hiệu yêu cầu bồi thường quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này là 02 năm, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật….”. Quyền yêu cầu bồi thường là một quyền dân sự nhưng Luật TNBTCNN chưa quy định về quyền này một cách thật sự chặt chẽ. So sánh với Bộ luật Dân sự năm 2005 thì Bộ luật Dân sự năm 2005 có những quy định về thời hiệu và những khoảng thời gian không tính vào thời hiệu rất cụ thể nhưng Luật TNBTCNN lại không có.
Cụ thể là Luật TNBTCNN chưa đưa ra những trường hợp mà vì lý do khách quan hoặc lý do khác mà người bị thiệt hại không thể nhận được văn bản. Nếu thiếu hướng dẫn cụ thể thì có thể phát sinh trường hợp là khi hết thời hạn 2 năm, người bị thiệt hại không thể thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình. Do đó, nếu nội dung trên không được hướng dẫn làm rõ thì có thể là một trở ngại lớn đối với người dân trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình.
Theo đó, Điều 2 TTLT số 18 đã quy định cụ thể những khoảng thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường là những khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây: (1) Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự làm cho người bị thiệt hại không thể yêu cầu bồi thường trong phạm vi thời hiệu; (2) Người bị thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà chưa có người đại diện theo quy định của pháp luật; (3) Người bị thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự đã có người đại diện nhưng người đại diện đã chết hoặc theo quy định của pháp luật họ không thể tiếp tục là người đại diện cho người bị thiệt hại.
3. Về văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ
Khoản 3 Điều 3 của Luật TNBTCNN quy định văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ bao gồm “quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng”. TTLT số 19 đã cụ thể hóa các văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ tại Điều 2 bao gồm: (1) Quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật (2) Kết luận nội dung tố cáo của cơ quan hoặc người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (3) Bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật (4) Bản án, quyết định của Tòa án về việc giải quyết vụ án dân sự đã có hiệu lực pháp luật tuyên hủy quyết định hành chính (5) Bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật xác định người thi hành công vụ có hành vi phạm tội trong khi thi hành công vụ mà tại Bản án, quyết định đó chưa xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội của người thi hành công vụ gây ra trong khi thi hành công vụ.
Tuy nhiên, việc quy định cụ thể 05 loại văn bản nêu trên chưa bao quát hết được các trường hợp “xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ” để làm căn cứ cho người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình. Trên thực tế, trong nhiều vụ việc người bị thiệt hại gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình do không có được đúng loại văn bản xác định hành vi trái pháp luật như TTLT số 08 đã quy định. Phổ biến nhất là các trường hợp: (1) thay vì phải ra Quyết định giải quyết khiếu nại đối với các khiếu nại của người dân theo quy định của pháp luật về khiếu nại hoặc pháp luật chuyên ngành thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền lại ra quyết định hủy bỏ hoặc thu hồi quyết định bị khiếu nại (2) trường hợp có kết luận thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra đối với một trường hợp khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài nhưng không được cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại và pháp luật tố cáo.
Để khắc phục vướng mắc này, Điều 3 TTLT số 18 đã bổ sung thêm hai loại văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ là: (1) Quyết định thu hồi, hủy bỏ, thay thế, sửa đổi quyết định hành chính do quyết định đó được ban hành trái pháp luật; (2) Kết luận thanh tra giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thanh tra.
4. Về căn xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
TTLT số 18 đã quy định cụ thể hơn TTLT số 19 và TTLT số 08 trong việc quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi trong việc để xảy ra thiệt hại (Điều 4). Theo đó, trong trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì Nhà nước không bồi thường đối với những thiệt hại này. Trường hợp người bị thiệt hại cũng có một phần lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì Nhà nước chỉ bồi thường phần thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại gây ra. Pháp luật áp dụng khi xác định thiệt hại được bồi thường sau khi trừ đi phần thiệt hại do lỗi của người bị thiệt hại gây ra được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.
5. Xác định phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Điều 13 Luật TNBTCNN có quy định về 11 trường hợp thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành hính. Riêng khoản 12 Điều 13 quy định: “Các trường hợp được bồi thường khác do pháp luật quy định”. Quy định chưa rõ ràng như vậy đã dẫn tới việc một số cơ quan gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xác định một số trường hợp mà Luật TNBTCNN không quy định là có thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính hay không? Bên cạnh đó, cụm từ “pháp luật” được hiểu bao gồm những loại văn bản quy phạm pháp luật nào? Hiện nay có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất cho rằng pháp luật ở đây chỉ là những văn bản tầm luật, trong khi đó, quan điểm thứ hai cho rằng pháp luật được hiểu là tất cả các văn bản được coi là văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, khoản 12 Điều 13 không đề cập đến thời điểm ban hành pháp luật là thời điểm nào? Thời điểm trước hay thời điểm sau khi Luật TNBTCNN có hiệu lực. Việc quy định như vậy đã dẫn đến hai cách hiểu khác nhau là (1) bất cứ “pháp luật” đang còn hiệu lực pháp luật mà quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì đều thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Luật TNBTCNN (2) chỉ những “pháp luật” có hiệu lực thi hành sau khi Luật TNBTCNN có hiệu lực (ngày 01/01/2010) có quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì mới thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật TNBTCNN.
Để tháo gỡ những vướng mắc này, Điều 5 TTLT số 18 đã bổ sung thêm 02 nội dung mới, về việc Nhà nước có trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại gây ra cho người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại là công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng hoặc tương đương trở xuống bị xử lý kỷ luật với hình thức buộc thôi việc và quy định cụ thể các trường hợp được bồi thường khác là các trường hợp được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật và văn bản đó có hiệu lực sau ngày 01 tháng 01 năm 2010.
6. Về cơ quan có trách nhiệm bồi thường
Nghị định số 16 mới chỉ quy định về cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người thi hành công vụ là thành viên của UBND tỉnh, cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh (khoản 3, khoản 4 Nghị định số 16). Tuy nhiên, ở một số sở, ngành của UBND cấp tỉnh lại có một số đơn vị có tư cách pháp nhân trực thuộc và các đơn vị này lại có tính độc lập cao trong hoạt động của mình ví dụ như Chi cục Bảo vệ thực vật trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay Chi cục Quản lý thị trường trực thuộc Sở Công thương. Nhưng Nghị định số 16 và TTLT số 19 lại chưa quy định về trường hợp pháp nhân trực thuộc các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh gây thiệt hại thì pháp nhân trực thuộc hay cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh sẽ là cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Ví dụ trong trường hợp Chi cục Bảo vệ thực vật trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gây ra thiệt hại thì Chi cục Bảo vệ thực vật hay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
TTLT số 18 bổ sung thêm Điều 6 quy định cụ thể đối với trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là người do các cơ quan có tư cách pháp nhân trực thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ là cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Đồng thời, để phù hợp với các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì Điều 6 TTLT số 18 cũng có quy định hướng dẫn xác định cơ quan có trách bồi thường đối với các trường hợp áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào trường giáo dưỡng, đưa người vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa người vào cơ sở chữa bệnh không đúng quy định của pháp luật, theo đó để xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp nêu trên thì căn cứ vào các quy định tại Điều 3, Điều 14 của Luật TNBTCN và các quy định liên quan của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
7. Về thiệt hại được bồi thường
So với TTLT số 19, TTLT số 18 đã bổ sung thêm một số loại thiệt hại được bồi thường xuất phát từ những vướng mắc trong việc xác định thiệt hại trong hoạt động giải quyết bồi thường như sau:
Thứ nhất, về thiệt hại thực tế, Điều 7 TTLT số 18 đã bổ sung thêm thiệt hại thực tế là chi phí thực tế người bị thiệt hại đã bỏ ra trong quá trình khiếu nại, tố cáo, tham gia tố tụng để có được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ như: chi phí tàu xe, đi lại, ăn ở, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo, tham gia tố tụng. Theo đó, chi phí tàu xe, đi lại, ăn ở, in ấn tài liệu được áp dụng theo quy định của của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Quy định này đã góp phần bảo đảm hơn quyền lợi của người bị thiệt hại và bảo đảm công bằng cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự. Theo đó, TTLT số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 02 tháng 11 năm 2012 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự, đã quy định các chi phí thực tế người bị thiệt hại đã bỏ ra trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử bao gồm cả “chi phí thuê người bào chữa, chi phí tàu xe, đi lại” (khoản 1 Điều 5).
Bên cạnh đó, để có căn cứ xác định mốc thời gian tính giá trị của tài sản đã bị phát mãi, bị mất theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật TNBTCNN, Điều 7 TTLT số 18 đã quy định cụ thể thời điểm giải quyết bồi thường là thời điểm người bị thiệt hại ký vào biên bản thương lượng lần cuối cùng khi thương lượng việc giải quyết bồi thường. Trường hợp người bị thiệt hại không ký vào biên bản thương lượng thì thời điểm giải quyết bồi thường được tính từ khi những người tham gia thương lượng khác ký vào biên bản thương lượng.
Thứ hai, về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, Điều 8 TTLT số 18 đã có quy định cụ thể rõ mốc thời điểm để xác định hiện trạng tài sản làm căn cứ tính toán mức bồi thường là thời điểm thiệt hại xảy ra. Đồng thời, TTLT cũng quy định rõ về các khoản tiền phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm các khoản tiền mà người bị thiệt hại đã nộp vào ngân sách nhà nước hoặc các khoản tiền sẽ phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Thứ ba, về thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, Điều 9 TTLT số 18 đã quy định thêm trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt hại đang nghỉ không hưởng lương và các chế độ khác theo quy định của pháp luật thì người bị thiệt hại không được bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút liên quan đến lương và các chế độ đó.
Thứ tư, về thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết, Điều 11 TTLT số 18 đã quy định thêm thiệt hại được bồi thường là chi phí thuê xe để chở thi hài mai táng trong trường hợp người bị thiệt hại chết mà người thân thích của họ phải thuê xe để chở thi hài.
Ngoài ra để phù hợp với quy định mới của Nghị định số 66/2013/NĐ-CP ngày 27/06/2013 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, TTLT số 18 đã thay cụm từ mức lương tối thiểu với mức tiền là 730.000 đồng bằng mức lương cơ sở với mức tiền là 1.150.000 đồng để làm căn cứ tính thiệt hại được bồi thường.
8. Về hồ sơ yêu cầu bồi thường và gửi đơn yêu cầu bồi thường
So TTLT số 19 thì TTLT số 18 đã cơ quy định cụ thể hơn về hồ sơ yêu cầu bồi thường trong trường hợp người yêu cầu bồi thường là người đại diện theo ủy quyền của người bị thiệt hại và người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết. Trường hợp người yêu cầu bồi thường là người đại diện theo ủy quyền của người bị thiệt hại thì hồ sơ yêu cầu bồi thường còn phải có giấy ủy quyền yêu cầu bồi thường hợp pháp. Đối với trường hợp người bị thiệt hại chết mà người thừa kế của người bị thiệt hại gửi đơn yêu cầu bồi thường cần có tài liệu chứng minh quyền thừa kế của người yêu cầu bồi thường, văn bản cử người thừa kế, giấy tờ chứng minh thân nhân của người yêu cầu bồi thường.
Nhằm tạo thuận lợi cho người bị thiệt hại, tránh trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường né tránh việc thụ lý giải quyết bồi thường do người bị thiệt hại chưa cung cấp đủ các tài liệu, chứng cư chứng minh cho yêu cầu bồi thường của mình, TTLT số 18 đã quy định linh hoạt hơn trong giai đoạn nộp đơn yêu cầu bồi thường, trường hợp người bị thiệt hại có tài liệu, chứng cứ kèm theo thì nộp, chưa bắt buộc nộp ngay, chỉ bắt buộc nộp sau khi đơn yêu cầu bồi thường được thụ lý thì người bị thiệt hại phải cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu bồi thường của mình kể từ ngày đơn yêu cầu bồi thường được thụ lý cho đến khi kết thúc việc xác minh thiệt hại. Đồng thời, TTLT số 18 cũng đã quy định cụ thể về phương thức gửi đơn yêu cầu bồi thường như trường hợp người bị thiệt hại gửi đơn trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện nhằm tạo thuận lợi cho công dân.
9. Về xác minh thiệt hại
Vấn đề xác minh thiệt hại được quy định tại Điều 18 Luật TNBTCNN, Nghị định số 16 và TTLT số 19. Theo đó các văn bản này đã quy định cụ thể về thời điểm bắt đầu xác minh thiệt hại và thời hạn xác minh thiệt hại. Việc xác minh thiệt hại được thực hiện trên cơ sở tài liệu, chứng cứ do người yêu cầu bồi thường cung cấp…Tuy nhiên, việc xác minh thiệt hại trên thực tiễn đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc đối với việc xác định căn cứ xác minh đối với một số loại thiệt hại.
Trên cơ sở này, TTLT số 18 đã quy định cụ thể về cách thức xác minh thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể: (1) Trong trường hợp người bị thiệt hại có hưởng lương, thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường có trách nhiệm xác minh thiệt hại dựa trên bảng lương; (2) Trường hợp tổ chức có thu nhập thì việc xác định thu nhập của tổ chức được dựa trên báo cáo tài chính hợp pháp của tổ chức đó; (3) Đối với thiệt hại là tiền thuê nhà thì việc minh thiệt hại phải dựa trên cơ sở là giấy tờ đăng ký tạm trú hoặc xác nhận của công an xã, phường, thị trấn về việc tạm trú tại địa điểm thuê nhà và hợp đồng thuê nhà được thành lập dưới hình thức phù hợp với quy định của pháp luật về thuê tài sản hoặc có xác nhận của chủ sở hữu nhà ở về việc thuê nhà; (4) Đối với thiệt hại là chi phí in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo, tham gia tố tụng để có được văn bản xác định hành vi trái pháp luật thì việc xác minh thiệt hại phải trên cơ sở các hóa đơn, chứng từ về việc in ấn tài liệu hoặc biên lai gửi qua đường bưu điện (Điều 15).
Đồng thời để phù hợp với quy định mới trong TTLT số 18 về việc người bị thiệt hại có thể nộp tài liệu, chứng cứ sau thời điểm thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, TTLT số 18 đã quy định trong trường hợp sau khi thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, người bị thiệt hại mới cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu bồi thường của mình, thì người bị thiệt hại không có quyền yêu cầu bồi thường khoản tiền lãi phát sinh tính trên số tiền bồi thường thiệt hại thực tế và các khoản thiệt hại khác phát sinh trong thời gian cung cấp các tài liệu, chứng cứ đó.
10. Về thương lượng bồi thường
Thực tiễn cho thấy, nhiều trường hợp khi tiến hành việc thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường với người bị thiệt hại mà người bị thiệt hại không đồng ý và không ký vào biên bản thương lượng gây khó khăn cho cơ quan giải quyết bồi thường để có cơ sở ban hành quyết định giải quyết bồi thường. Để giải quyết vướng mắc này, TTLT số 18 đã bổ sung quy định về trường hợp người bị thiệt hại cố ý không ký vào biên bản thương lượng và hậu quả pháp lý của trường hợp này. Cụ thể là trong trường hợp hết thời hạn thương lượng mà người bị thiệt hại không ký vào biên bản thương lượng thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải lập biên bản có chữ ký của những người tham gia thương lượng khác về việc người bị thiệt hại cố ý không ký văn bản. Biên bản này là cơ sở để cơ quan có trách nhiệm bồi thường ra quyết định giải quyết bồi thường.
11. Về ban hành quyết định giải quyết bồi thường
TTLT số 18 đã quy định cụ thể hơn về thời hạn ban hành quyết định giải quyết bồi thường là 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc thương lượng, người đại diện phải hoàn thành dự thảo quyết định giải quyết bồi thường để báo cáo Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường để Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường ban hành quyết định giải quyết bồi thường. Liên quan đến mốc thời gian để người bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường trong trường hợp hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường mà cơ quan có trách nhiệm bồi thường không ra quyết định, TTLT số 18 cũng đã quy định cụ thể ngày hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường là ngày thứ 11, kể từ ngày người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường và người bị thiệt hại ký biên bản thương lượng, hoặc, kể từ ngày lập biên bản về việc người bị thiệt hại cố ý không ký biên bản thương lượng.
Như vậy, TTLT số 18 đã tạo hành lang pháp lý, bảo đảm hơn quyền của người bị thiệt hại cũng như quy định tạo thuận lợi cho quan có trách nhiệm bồi thường trong việc áp dụng pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính./.

Theo www.moj.gov.vn


 
Không đưa Phòng công chứng vào danh mục chuyển thành Cty cổ phần
Hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho 5 nghìn người bán dâm
Tình hình triển khai thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Sở Tư pháp Khánh Hòa: năm 2016 - Chỉ số hài lòng đạt 80.3%
KHÁNH HÒA: NHỮNG KẾT QUẢ TÍCH CỰC CỦA VIỆC TRIỂN KHAI ĐỀ TÀI KHOA HỌC GÓP PHẦN ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH CHẾ ĐỘ CÔNG VỤ, CÔNG CHỨC.
Quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản trong trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá
Chuyện ghi ở Tòa: Đoạn kết không có hậu của một tình bạn
Một số giải pháp nâng cao chất lượng tuyên truyền pháp luật cho đồng dân tộc thiểu số.
Cần cơ chế để nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật.
Mức phạt vượt đèn vàng ngang đèn đỏ không trái với Luật Giao thông đường bộ và có cơ sở thực tiễn
Quy định mới về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Tìm hiểu về quyền bầu cử của người bị tạm giữ, tạm giam
Quy định mới về tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Một số kỹ năng và kinh nghiệm thẩm định văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh qua thực tiễn hoạt động xây dựng pháp luật của Sở Tư pháp Khánh Hòa
Đôi điều về bán đấu giá và xử lý kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án quy định tại Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự
Góp ý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi): Một số vấn đề về trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
Nâng cao năng lực đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính giai đoạn 2013-2015.
MỘT SỐ Ý KIẾN TRAO ĐỔI ĐỐI VỚI DỰ THẢO THÔNG TƯ LIÊN TỊCH QUY ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG LỆ PHÍ CHỨNG THỰC BẢN SAO TỪ BẢN CHÍNH, CHỨNG THỰC CHỮ KÝ, CHỨNG THỰC HỢP ĐỒNG, GIAO DỊCH.
Giảm hình phạt tử hình nên chăng?

  • Bao lâu?
    04/05/2024
    Một bà học lái ô tô nhưng rất khó tiếp thu. Một hôm bà hỏi giáo viên: - Tôi phải học bao lâu nữa thì lái được xe?
  • Hay
    04/05/2024
    Bà vợ vừa ra sân chung tập thể dục xong, quay vô bảo với chồng: - Từ nay khỏe rồi ông ơi, ra vô thoải mái mà không sợ giẫm phải “mìn”!
  • Sợ
    04/05/2024
    Hai ông bạn ngồi uống trà đọc báo, bỗng một ông lật đật đứng dậy định rời đi. Ông còn lại ngạc nhiên hỏi: - Đi đâu mà gấp gáp vậy ông?
Số lượt truy cập: 530888