Một số khó khăn, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành về hành chính công
Vừa qua, tỉnh Khánh Hòa đã tổng hợp một số khó khăn, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trên một số lĩnh vực, chúng tôi xin trích dẫn một số điều, khoản của văn bản còn vướng mắc, khó thực hiện, cụ thể như sau:
Trong lĩnh vực đất đai
Khoản 4 Điều 60 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định “Ban Quản lý khu công nghệ cao, khu kinh tế; Cảng vụ hàng không là đầu mối nhận hồ sơ và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai tại khu công nghệ cao, khu kinh tế; cảng hàng không, sân bay” và điểm d Khoản 1 Điều 53 nghị định này cũng quy định trách nhiệm của Ban Quản lý khu kinh tế là “Quy định trình tự, thủ tục hành chính về đất đai tại khu kinh tế”. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các thủ tục đất đai tại Ban Quản lý khu kinh tế, đặc biệt là các thủ tục về giao lại đất, cho thuê đất. Ngoài ra, hiện nay theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì thủ tục hành chính chỉ được quy định ở văn bản từ cấp nghị định trở lên. Do vậy, việc giao Ban Quản lý khu kinh tế quy định thủ tục hành chính về đất đai tại khu kinh tế là trái với quy định pháp luật.
Trong lĩnh vực lao động
Điều 24 Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc quy định mức hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động được tính trên cơ sở các đối tượng tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và mức hỗ trợ tối đa bằng 30% mức giá dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa ban hành thông tư quy định cụ thể về mức giá huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
Trong lĩnh vực môi trường - khoáng sản
- Khoản 6 Điều 12 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường (sau đây viết tắt là Nghị định số 18/2015/NĐ-CP) quy định đối với việc tham vấn cộng đồng dân cư nhưng chưa làm rõ đối với đối tượng nào thì chủ dự án và UBND cấp xã phải tổ chức họp cộng đồng và đối với các dự án sau khi có Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng trong quá trình xây dựng có các hạng mục công trình thay đổi phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường thì có phải thực hiện tham vấn cộng đồng hay không?
- Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện về: cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt (Khoản 1 Điều 27 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu); yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý trong việc phân loại, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn công nghiệp thông thường (Khoản 1 Điều 34 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP); quy định yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý về: tái sử dụng nước thải, quản lý nước làm mát,…(Khoản 1 Điều 43 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP).
Trong lĩnh vực xây dựng
- Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở (sau đây viết tắt là Nghị định số 121/2013/NĐ-CP) chỉ quy định phạt tiền đối với các trường hợp không đủ điều kiện khởi công mà không có biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, đối với các trường hợp có đủ điều kiện khởi công nhưng không có giấy phép hoặc xây dựng sai phép quy định tại Khoản 5, Khoản 6 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP thì ngoài hình thức phạt tiền, chủ đầu tư phải nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được bằng 40% (hoặc 50%) giá trị phần xây dựng sai phép, không phép. Điều này làm mất tính công bằng trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp liên quan.
- Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị (sau đây viết tắt là Nghị định số 180/2007/NĐ-CP) và Nghị định số 121/2013/NĐ-CP được ban hành trên cơ sở pháp lý là Luật Xây dựng năm 2003 và Luật Nhà ở năm 2005. Hiện nay Luật Xây dựng năm 2003 và Luật Nhà ở năm 2005 đã được thay thế bởi Luật Xây dựng năm 2014 và Luật Nhà ở năm 2014. Tuy nhiên, vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật thay thế Nghị định số 180/2007/NĐ-CP và Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, gây khó khăn trong công tác quản lý, xử lý đối với các trường hợp xây dựng công trình sau ngày 01/01/2015. Như trường hợp xây dựng đúng giấy phép được cấp (mặc dù giấy phép cấp sai) nhưng trái quy hoạch thì cả hai nghị định trên đều không có quy định xử lý trường hợp này.
Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ
- Điểm c Khoản 4 Điều 4 Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 về việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước (sau đây viết tắt là Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg) quy định: “Trường hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 được soát xét, thay đổi và được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố thì áp dụng theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ”. Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 4109/QĐ-BKHCN ngày 31/12/2015 về việc công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chuyển đổi sang TCVN ISO 9001:2015, trong khi đó TCVN ISO 9001: 2008 đã hết hiệu lực.
- Việc xác định các hành vi vi phạm hành chính tại Khoản 1 Điều 18, Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây viết tắt là Nghị định số 80/2013/NĐ-CP) chưa đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật về hướng dẫn công bố hợp chuẩn, hợp quy.
- Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập quy định Bộ Tài chính hướng dẫn các tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ theo thẩm quyền. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện.
Trong lĩnh vực đầu tư
- Khoản 7 Điều 27 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (sau đây viết tắt là Nghị định số 118/2015/NĐ-CP) quy định: “Nhà đầu tư đã tạm ứng tiền giải phóng mặt bằng, tái định cư được hoãn thực hiện nghĩa vụ ký quỹ tương ứng số tiền giải phóng mặt bằng, tái định cư đã tạm ứng”. Việc “được hoãn” theo quy định trên không rõ ràng, không quy định thời điểm ký quỹ cụ thể khác, gây lúng túng cho cơ quan đăng ký đầu tư khi áp dụng.
- Khoản 8 Điều 27 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định về hoàn trả tiền ký quỹ, trong đó quy định hoàn trả 50% tiền ký quỹ khi đã được cấp các giấy phép theo quy định pháp luật để thực hiện hoạt động xây dựng, phần còn lại (kể cả tiền lãi phát sinh từ hoạt động ký quỹ) sẽ được hoàn trả tại thời điểm nghiệm thu công trình xây dựng và lắp đặt máy móc, thiết bị để đi vào hoạt động. Việc hoàn trả được thực hiện khi tiến độ thực tế không chậm hơn tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, Nghị định trên chưa quy định cụ thể đối với trường hợp chậm tiến độ đối với mỗi giai đoạn hoàn trả thì sẽ xử lý tiền ký quỹ như thế nào.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, tỉnh Khánh Hòa đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cần chú trọng thực hiện ngày càng có chất lượng, hiệu quả hơn công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật nhằm góp phần đắc lực hiện thực hóa các quy định và tinh thần của Hiến pháp năm 2013; xây dựng, hoàn thiện pháp luật; bảo đảm tính thượng tôn và hiệu quả của pháp luật trong đời sống xã hội, tạo môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch trong quản lý nhà nước cũng như trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường khả năng dự báo, phân tích chính sách; bên cạnh việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật thì cần chú trọng hơn nữa đến tính khả thi, tính hợp lý, tăng cường năng lực phản ứng chính sách của hệ thống pháp luật.
Lệ Phượng