Khánh Hòa:
Theo dõi tình hình thi hành pháp luật về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất năm 2017
Thực hiện Quyết định số 587/QĐ-BTP ngày 27/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất năm 2017, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1431/QĐ-UBND ngày 23/5/2017 ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất năm 2017 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (sau đây gọi là Quyết định số 1431/QĐ-UBND), trong đó xác định thêm việc theo dõi lĩnh vực đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Trong năm 2017, tỉnh Khánh Hòa đã đạt được một số kết quả trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất như sau:
Tính khả thi của văn bản quy định chi tiết thi hành, hướng dẫn thi hành trong lĩnh vực đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
Nhìn chung, các văn bản pháp luật về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đảm bảo tính khả thi trong triển khai trong thực tế.
Bên cạnh đó, có quy định cần được xem xét lại để đảm bảo tính khả thi theo tình hình thực tế của địa phương như sau:
Khoản 1 Điều 13 Thông tư số liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT ngày 23/6/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất quy định: “Trường hợp cá nhân, hộ gia đình là đối tượng không phải nộp lệ phí đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn mà trong hợp đồng thế chấp không có điều khoản về việc vay vốn sử dụng vào mục đích phát triển nông nghiệp, nông thôn thì người yêu cầu đăng ký nộp một trong các loại giấy tờ sau đây:
a) Hợp đồng tín dụng có điều khoản về việc cá nhân, hộ gia đình vay vốn sử dụng vào một trong các lĩnh vực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
b) Văn bản xác nhận (có chữ ký và con dấu) của tổ chức tín dụng về việc cá nhân, hộ gia đình vay vốn sử dụng vào một trong các lĩnh vực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đây là quy định khó áp dụng đối với khu vực nông thôn, vì khả năng tiếp cận pháp luật của người dân còn hạn chế. Theo đó, đối với khu vực nông thôn, chỉ cần trong hồ sơ đăng ký thế chấp có ghi địa chỉ của người thế chấp thì người đăng ký thế chấp không cần phải nộp các giấy tờ chứng minh như trên.
Tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
- Ngày 13/4/2015, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 902/QĐ-UBND về việc công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường (sau đây gọi tắt là Quyết định số 902/QĐ-UBND), trong đó liên quan đến lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm gồm 10 thủ tục thế chấp và 01 thủ tục cung cấp thông tin.
Văn phòng Đăng ký đất đai Khánh Hòa và chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố luôn thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, trả kết quả đăng ký theo đúng thời hạn quy định tại Quyết định số 902/QĐ-UBND. Đồng thời, thực hiện việc thu lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm theo quy định tại Thông tư liên tịch số 69/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 18/5/2011 của Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp về hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm và phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên. Từ ngày 01/01/2017, các Văn phòng Đăng ký đất đai trên địa bàn tỉnh thực hiện việc thu lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm theo quy định tại Thông tư số 202/2016/TTLT-BTC ngày 09/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm và Nghị quyết số 16/2016/NQ-HĐND ngày 13/12/2016 của HĐND tỉnh Khánh Hòa về việc quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Việc quản lý, cập nhật hồ sơ, sổ sách về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được thực hiện đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT.
Công tác thống kê giao dịch bảo đảm tại các Văn phòng Đăng ký đất đai được thực hiện đúng thời hạn theo định kỳ, đầy đủ theo hàng quý, hàng năm theo biểu mẫu quy định.
Các quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của tổ chức kinh tế, cụ thể: đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân…; thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; đăng ký thay đổi, sửa chữa sai sót, xóa đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp đã đăng ký thế chấp, đã được thực hiện đúng theo thẩm quyền của các Văn phòng Đăng ký đất đai và thực hiện đúng thời gian quy định.
Khó khăn, hạn chế và đề xuất, kiến nghị
Bên cạnh những mặt đạt được, công tác thi hành pháp luật về về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại tỉnh Khánh Hòa cũng có những tồn tại, hạn chế, vướng mắc về thể chế; trong tổ chức thực hiện như: chưa có quy định điều chỉnh đối với các trường hợp tài sản (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch) hình thành trong tương lai; tổ chức, bộ máy, biên chế làm công tác theo dõi thi hành pháp luật chưa đáp ứng so với khối lượng công việc do chủ trương tinh giản biên chế, đội ngũ công chức được giao thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật nhìn chung vẫn còn thiếu về số lượng.
Trong thời gian tới, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thi hành pháp luật về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đề nghị cần tập trung thực hiện đồng bộ những đề xuất, kiến nghị như: kiến nghị Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, điều chỉnh các thủ tục hành chính liên thông về đăng ký thế chấp (công chứng, ngân hàng và Văn phòng Đăng ký đất đai) để bảo đảm an toàn, thuận tiện cho công dân và công chức phụ trách thực hiện thủ tục; kiến nghị các cấp có thẩm quyền xây dựng hệ thống quản lý thông tin về đăng ký giao dịch bảo đảm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm; để thực hiện tốt công tác miễn lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm cho cá nhân, hộ gia đình khu vực nông thôn theo quy định của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét bỏ quy định tại Khoản 1 Điều 13 và các quy định có liên quan của Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT ngày 23/6/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, đối với khu vực nông thôn, chỉ cần trong hồ sơ đăng ký thế chấp có ghi địa chỉ của người thế chấp là đủ cơ sở miễn lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm.
Lệ Phượng