Một số kết quả sau 03 năm thực hiện Luật Tiếp công dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Ngay sau khi Luật Tiếp công dân ban hành, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh đã triển khai ngay công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn đối với cán bộ, công chức và Nhân dân trên địa bàn, gắn với việc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Từ ngày 01/7/2014 đến nay, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 260 lớp tập huấn, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân với hơn 22.000 lượt người tham dự. Nhìn chung, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm quy định pháp luật khiếu nại, tố cáo.
Để triển khai cụ thể Luật Tiếp công dân, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 7672/KH-UBND, ngày 02/12/2014 phân công nội dung thực hiện cụ thể cho các đơn vị, địa phương; chỉ đạo chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố hoàn thiện cơ cấu, tổ chức bộ máy của ban tiếp công dân các cấp; bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác, có kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân; ưu tiên chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ tại Ban tiếp công dân và tăng cường phối hợp thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo đúng quy định; chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tăng cường hơn nữa sự quan tâm, lãnh đạo đối với công tác tiếp công dân; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân, thực hiện tốt chế độ tiếp công dân theo quy định.
Ban tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh được thành lập và hoạt động ổn định; đa số công chức đều có trình độ đại học. Ban Tiếp công dân tỉnh hiện có Trưởng ban là Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh; 02 Phó Trưởng ban và 04 công chức; Ban Tiếp công dân cấp huyện do Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND làm Trưởng Ban và bố trí 01 cán bộ tiếp công dân thường xuyên. Trụ sở tiếp công dân tỉnh bố trí chung trụ sở cơ quan Thanh tra tỉnh; các đơn vị cấp huyện bố trí phòng riêng trong khu liên cơ quan cấp huyện; các trang, thiết bị được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đối với công tác tiếp công dân của cấp xã, do không có cán bộ chuyên trách nên đa số các địa phương bố trí cán bộ tư pháp hoặc cán bộ văn phòng thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân. Tổng số cán bộ tiếp công dân hiện nay là 279 người, trong đó có 110 cán bộ nữ, 233 đảng viên, 09 người là dân tộc thiểu số, 16 thạc sĩ; có 230 người đã qua các lớp bồi dưỡng chính trị; 178 người đã được bổ nhiệm vào ngạch từ chuyên viên trở lên. Việc bố trí công chức làm công tác tiếp công dân tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tại UBND cấp xã nhìn chung phù hợp quy định; cán bộ tiếp công dân đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đã bố trí địa điểm tiếp công dân, bố trí cán bộ thanh tra hoặc cán bộ văn phòng tiếp công dân thường xuyên, tiếp nhận xử lý đơn; đồng thời, bố trí lịch lãnh đạo tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất theo quy định. Việc tiếp công dân định kỳ, đột xuất của chủ tịch UBND các cấp và người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong việc tiếp công dân; việc trả lời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh khi tiếp công dân được thực hiện đúng quy định, nghiêm túc. Đây là cơ sở để ổn định tình hình an ninh, trật tự địa phương và hạn chế tình trạng đơn khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
Từ 01/7/2014 đến 01/7/2017, các cơ quan, tổ chức đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tiếp thường xuyên 7.603 lượt với 8.566 người/6.977 vụ việc; tiếp định kỳ 781 lượt với 1.449 người/1.299 vụ việc; tiếp đột xuất 89 lượt với 319 người/76 vụ việc. Trong đó có 115 lượt đoàn đông người với 1.470 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó có 27 vụ việc đông người, nổi cộm. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo xử lý, giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, phức tạp.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Luật Tiếp công dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn một số mặt hạn chế nhất định. Trong đó, một số cơ quan, đơn vị chưa thể cử cán bộ tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh theo quy định mà chủ yếu phối hợp tiếp công dân theo vụ việc. Ở cấp xã, do không có cán bộ chuyên trách mà chỉ bố trí công chức Tư pháp - hộ tịch, địa chính, văn phòng kiêm nhiệm nên mức độ quan tâm đầu tư, nghiên cứu nghiệp vụ và thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện chưa tốt, còn gặp khó khăn trong việc theo dõi, tham mưu xử lý đơn, thư của công dân. Nhiều trường hợp người khiếu kiện thiếu tôn trọng, cá biệt có trường hợp xúc phạm, đe dọa hoặc hành hung cán bộ tiếp công dân, lôi kéo, gây rối tại trụ sở tiếp công dân nhưng quy định của Luật không có các chế tài xử lý cụ thể. Việc thực hiện quy định về quyền từ chối tiếp công dân của cán bộ tiếp công dân, việc lập biên bản người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân để yêu cầu người có thẩm quyền xử lý còn vướng mắc.
Vừa qua, tại Hội nghị tổng kết, đánh giá 3 năm thực hiện Luật Tiếp công dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật tại địa phương, trong đó tập trung vào một số nội dung đó là:
Thứ nhất, cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ của người tiếp công dân; bổ sung cơ chế cho phép Thủ trưởng cơ quan, đơn vị ủy quyền hoặc phân công nhiệm vụ cho cấp phó (tùy theo lĩnh vực phụ trách) tiếp công dân; quy định rõ cơ cấu tổ chức, biên chế tối thiểu và tiêu chuẩn cán bộ tiếp công dân ở cấp xã để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ hai, sửa đổi quy định việc các cơ quan như Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra phải bố trí cán bộ để tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân vì quy định này không phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Cần nghiên cứu, sửa đổi theo hướng Ban tiếp công dân thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân chung; trường hợp cần thiết thì bố trí lịch và phối hợp tiếp công dân theo vụ việc cụ thể.
Thứ ba, quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân để có cơ sở xử lý các trường hợp người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để cố tình gây khó khăn cho bộ phận tiếp dân. Bên cạnh đó, một số trường hợp đã có thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết khiếu nại nhưng đương sự vẫn liên tục đến khiếu nại gay gắt mà cán bộ tiếp dân không thể từ chối việc tiếp, do đó cần có hướng dẫn cụ thể hơn nữa để tạo thuận lợi cho cán bộ tiếp công dân thực hiện nhiệm vụ.
XUÂN THỎA – VP TỈNH ỦY