Một số giải pháp kiểm soát tình hình tội phạm liên quan đến bạo lực trong thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số loại tội phạm trên địa bàn tỉnh có chiều hướng diễn biến phức tạp, trong đó nổi cộm nhất là tội phạm liên quan đến bạo lực trong lứa tuổi thanh, thiếu niên.
Theo báo cáo của Công an tỉnh, tính từ ngày 16/11/2016 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 10 vụ giết người (tăng 05 vụ so với cùng kỳ). Hầu hết các vụ án đều không có động cơ rõ ràng mà chủ yếu phát sinh từ những mâu thuẫn nhỏ lẻ trong sinh hoạt giữa thủ phạm và nạn nhân, các đối tượng phạm tội tuy tuổi đời còn trẻ nhưng hành vi phạm tội lại dã man, có vụ liên quan đến sử dụng ma túy.
Về án cố ý gây thương tích trong kỳ cũng có sự gia tăng đáng kể với 22 vụ (tăng 06 vụ), trong đó nổi lên nhiều vụ gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích do các băng nhóm thanh, thiếu niên sử dụng hung khí, súng tự chế, roi điện giải quyết mâu thuẫn, gây hậu quả nghiêm trọng. Một số vụ điển hình như vụ anh Hồ Khang (sinh 1991, tạm trú tại 04 Mai An Tiêm, phường Vĩnh Phước, Nha Trang) cùng 04 người bạn đang ngủ tại phòng trọ vào đêm 14/5 thì một nhóm thanh niên cầm mã tấu xông vào đâm chém làm 03 người bị thương phải đi cấp cứu. Trước đó, vào ngày 30/4, nhóm của Nguyễn Ngọc Khánh (sinh 1993, trú thôn Ngã 2, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh) gồm 11 đối tượng chuẩn bị hung khí tìm đánh nhóm của Cao Xiết (sinh 1996) và Cao Nguyễn (sinh 2001) gồm 10 đối tượng tại thôn Sơn Thành, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh. Trong lúc đánh nhau nhóm của Nguyễn Ngọc Khánh gặp anh Cao Thái Hùng đi ngang qua thì dùng dao, mác chém anh Hùng tử vong, ngoài ra còn gây thương tích cho 05 người khác. Một vụ tổ chức đánh nhau khác xảy ra vào đêm 15/3/2017 khi có khoảng 30 đến 40 đối tượng mang theo hung khí chuẩn bị quyết chiến tại thôn Xuân Ngọc, xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang. Nhờ vào tin báo của quần chúng Nhân dân, Công an thành phố Nha Trang đã kịp thời phối hợp với Cảnh sát 113 và Tiểu đoàn 2 - Trung Đoàn Cảnh sát Cơ động Nam Trung Bộ triển khai lực lượng trấn áp, ngăn chặn cuộc hỗn chiến nên không xảy ra đổ máu. Tổ công tác đã truy bắt được 07 đối tượng trong đó đối tượng lớn nhất sinh năm 1991, trẻ nhất sinh năm 2000. Tang vật thu giữ gồm 48 cây mã tấu, mác, rựa, 03 súng bắn cá, 01 súng điện, 01 súng bắn đạn chì tự chế.
Nhìn chung, các đối tượng phạm tội cố ý gây thương tích, tham gia các băng nhóm sử dụng hung khí giải quyết mâu thuẫn gồm nhiều thành phần, lứa tuổi trong đó phần lớn là các thanh, thiếu niên tuổi đời còn trẻ nhưng thiếu sự quản lý của gia đình, bỏ học, tụ tập ăn chơi lêu lổng, nhậu nhẹt, dùng chất kích thích; có xu hướng thích sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, thậm chí gọi đồng bọn sử dụng mã tấu, dao, rựa để đâm chém, xâm phạm nghiêm trọng tới tính mạng và sức khỏe người bị hại.
Một số giải pháp
Trước tình hình phức tạp của tội phạm hệ bạo lực trong thanh, thiếu niên thời gian gần đây, các cấp, các ngành của tỉnh cần nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trong đó phải tập trung kiềm chế và kéo giảm tội phạm giết người, cố ý gây thương tích; triệt phá các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen, kiên quyết không để loại hình tội phạm này hình thành và hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, trước hết cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tội phạm đã đề ra tại Chỉ thị số 46-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới, Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, đồng thời thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy; tiếp tục chỉ đạo lực lượng công an các cấp đẩy mạnh tấn công, trấn áp các loại tội phạm nhất là ở một số địa bàn trọng điểm như Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và thủ trưởng cơ quan công an các cấp cần phải nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm tại đơn vị, địa phương mình. Nơi nào, địa phương nào để xảy ra điểm nóng về an ninh, trật tự mà không kịp thời xử lý, giải quyết thì phải bị xem xét xử lý trách nhiệm.
Các cơ quan tố tụng của tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Trong đó, phải tập trung giải quyết nhanh các vụ án giết người, cố ý gây thương tích, tội phạm có tổ chức; tăng cường tổ chức xét xử lưu động tại địa bàn xảy ra các vụ án nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục, răn đe, phòng ngừa vi phạm trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt, trong quá trình giải quyết các vụ án về xâm phạm tính mạng, sức khỏe, Tòa án các cấp cần tuân thủ đúng quy định Bộ luật Hình sự và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về phân biệt tội cố ý gây thương tích và tội giết người để tránh bỏ lọt tội phạm; áp dụng các hình phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với các đối tượng phạm tội mang tính chất côn đồ, manh động, tội phạm có tổ chức.
Mặt trận, đoàn thể các cấp của tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên tham gia phòng, chống tội phạm gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; giải quyết tốt các mâu thuẫn, bức xúc ngay từ cơ sở, giảm thiểu nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm.
Bên cạnh những giải pháp nêu trên, về lâu dài để công tác phòng, chống tội phạm về bạo lực trong lứa tuổi thanh, thiếu niên đạt được hiệu quả thì vấn đề phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên cần phải được quan tâm đúng mức; trong đó, nhà trường cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật trong học sinh, sinh viên bởi giáo dục được coi là nhân tố quan trọng trong việc hình thành nhân cách của mỗi con người, nếu không làm tốt được công tác này tất yếu sẽ dẫn đến hình thành một thế hệ thanh thiếu niên có quan điểm, lối sống lệch lạc, đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức xã hội và xa hơn nữa là những hành vi vi phạm pháp luật. Đi đôi với công tác giáo dục thì việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên cũng cần phải được các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tính giáo dục và răn đe. Hiện nay, tình trạng học sinh phổ thông vi phạm luật giao thông như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi... diễn ra khá phổ biến nhưng chưa được xử lý tốt. Từ những hành vi vi phạm nhỏ, ít nguy hiểm cho xã hội như vi phạm giao thông không được chấn chỉnh kịp thời thì lâu dài sẽ tạo ra thái độ coi thường pháp luật, từ đó dễ dẫn đến những hậu quả xấu về sau.
Một vấn đề khác mà cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm nữa đó là phải làm tốt công tác hỗ trợ, đào tạo, giới thiệu việc làm cho các đối tượng thanh, thiếu niên ở địa phương. Thực tế cho thấy các đối tượng phạm tội ở độ tuổi thanh, thiếu niên thường không có việc làm ổn định, ăn chơi lêu lỏng, tụ tập nhậu nhẹt từ đó dẫn đến phát sinh hành vi phạm tội, gây rối trật tự. Vì vậy, nếu vấn đề việc làm cho các đối tượng này được giải quyết tốt thì sẽ góp phần làm giảm tình trạng vi phạm pháp luật trong cộng đồng.
Xuân Thỏa-Văn phòng Tỉnh ủy