Một số tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 đã góp phần thể chế hoá các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được từ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc áp dụng Luật vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần được nghiên cứu, xem xét để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, cụ thể như sau:
Về xác định hình thức văn bản quy phạm pháp luật: Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, khái niệm văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được quy định tương đối đầy đủ, rõ ràng, có sự tách biệt giữa thuật ngữ “văn bản quy phạm pháp luật” và thuật ngữ “quy phạm pháp luật”. Tuy nhiên, việc liệt kê các loại văn bản do HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành không phải là văn bản QPPL trong Nghị định số 34/2016/NĐ-CP chưa đầy đủ, rõ ràng gây khó khăn, lúng túng khi xác định hình thức văn bản QPPL, từ đó dẫn đến sự nhận thức không thống nhất trong cán bộ, công chức làm công tác văn bản khi nhận diện hình thức văn bản.
Về ban hành văn bản QPPL theo thủ tục rút gọn: Hiện nay, các trường hợp HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành văn bản QPPL theo trình tự thủ tục rút gọn và quy trình ban hành văn bản loại này được quy định tại Khoản 3 Điều 146, Khoản 4 Điều 147, Điều 148, Điều 149 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Khoản 3 Điều 37 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên, các quy định nói trên chưa đầy đủ, rõ ràng nên phần nào gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Chẳng hạn như: không có tiêu chí đề xác định văn bản QPPP được xem là văn bản mới được ban hành (trong vòng 3 tháng, 6 tháng, hay 1 năm, … mới được xem là văn bản mới được ban hành?), nếu áp dụng theo quy định rút gọn theo Điều 148 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không thực hiện việc lập hồ sơ xây dựng chính sách (trong đó có báo cáo đánh giá tác động chính sách) và thẩm định chính sách đối với các nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định chính sách đặc thù dẫn đến không thể xác định được nguồn lực để đảm bảo thực hiện nghị quyết cũng như đánh giá được tính khả thi của nghị quyết sau khi được ban hành.
Về quy định thủ tục hành chính trong văn bản QPPL của cấp tỉnh: Theo quy định tại Khoản 4, Điều 14, Luật Ban hành văn bản thì HĐND, UBND các cấp không được phép ban hành văn bản QPPL trừ trường hợp được giao trong luật. Trên thực tế, khi ban hành Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định các chính sách, biện pháp đặc thù của địa phương (ví dụ chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo bền vững của tỉnh, chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài, ….) nhằm thực hiện quy định tại Khoản 4, Điều 27, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong nội dung Nghị quyết, HĐND cấp tỉnh sẽ giao cho UBND cùng cấp tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, trong nhiều trường hợp, UBND cấp tỉnh cần phải ban hành một số thủ tục hành chính để triển khai thi hành Nghị quyết (như quy định điều kiện, thủ tục để được xem xét hỗ trợ). Tuy nhiên, việc ban hành văn bản có quy định thủ tục hành chính không thể thực hiện được do không được giao trong Luật. Điều này đã ảnh hưởng đến tính khả thi của các Nghị quyết có quy định về chính sách đặc thù.
Về quy định hiệu lực trở về trước: Khoản 3, Điều 152, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không được quy định hiệu lực trở về trước”. Điều này chưa hoàn toàn phù hợp với thực tế ban hành văn bản QPPL, cụ thể là: Trong một số văn bản của HĐND, UBND cấp tỉnh quy định về mức hỗ trợ, chế độ cho các đối tượng được thụ hưởng trong năm. Nếu không quy định hiệu lực áp dụng từ ngày 01 tháng 01 đầu năm (không quy định hiệu lực trở về trước) thì sẽ không đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng được thụ hưởng.
Về Hội đồng tư vấn thẩm định: Điều 50, Điều 51, Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của Giám đốc Sở Tư pháp trong việc thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định, thành phần của Hội đồng và cuộc họp của Hội đồng. Tuy nhiên, Luật chưa quy định trực tiếp hoặc giao Bộ Tư pháp quy định cụ thể về quy chế làm việc của Hội đồng. Trong đó, quy định về nguyên tắc thông qua kết luận thẩm định (theo biểu quyết hay theo quyền quyết định của Chủ tịch Hội đồng?) để có căn cứ xác định trách nhiệm của các thành viên Hội đồng khi văn bản được ban hành có nội dung trái luật.
Trên cơ sở các tồn tại vướng mắc đã nêu, thiết nghĩ việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần tập trung vào những nội dung sau:
Thứ nhất, cần liệt kê một cách đầy đủ, cụ thể và có hệ thống các văn bản không phải là văn bản QPPL; quy định một cách hệ thống, đầy đủ hơn các trường hợp ban hành và trình tự ban hành văn bản QPPL theo thủ tục rút gọn; nội dung của luật cần làm rõ thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trong việc ban hành hành các thủ tục hành chính nhằm thực hiện Nghị quyết của HĐND cùng cấp quy định các chính sách, biện pháp hỗ trợ đặc thù.
Thứ hai, đề nghị bổ sung quy định cho phép văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định hiệu lực trở về trước trong trường hợp quy định mức hỗ trợ, chế độ cho các đối tượng được thụ hưởng trong năm nhằm đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng này.
Thứ ba, bổ sung quy định về quy chế làm việc của Hội đồng tư vấn thẩm định hoặc giao Bộ Tư pháp quy định cụ thể vấn đề này. Trong đó, cần làm rõ nguyên tắc thông qua kết luận thẩm định của Hội đồng để các địa phương có căn cứ thực hiện thống nhất; đồng thời, sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng bỏ quy định về việc tổ chức cuộc họp thẩm định, Hội đồng tư vấn thẩm định đối với các văn bản do Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo.
Nguyễn Thị Như Ngọc