Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý hình sự tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Hiện tình trạng trốn đóng bảo hiểm là một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo 03 hình thức: kỷ luật, xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy quá trình xử lý còn gặp nhiều khó khăn, nhất là xử lý hình sự.
Ảnh minh họa
Theo Điều 216, Bộ Luật hình sự 2015 quy định tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, mặt khách quan của tội danh phải hội tụ đủ 04 yếu tố sau: Người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định; thời gian trốn đóng, không đóng BHXH, BHYT, BHTN phải từ 6 tháng trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người trở lên. Tuy đã quy định nhưng thực tiễn lại rất khó áp dụng vì chưa có những hướng dẫn cụ thể về những vấn đề như: thế nào là gian dối? thế nào là là thủ đoạn khác? thế nào là không đóng? thế nào là không đóng đầy đủ? thế nào là trốn đóng? 06 tháng trở lên là phải liên tục hay cộng dồn hay cả hai? và vấn đề chỉ bị xử lý hình sự khi đã xử phạt vi phạm hành chính.
Ngày 15/8/2019 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 05/2019 giải các vấn đề này. Theo đó, trốn đóng bảo hiểm là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN; không đóng đầy đủ là việc người sử dụng lao động đã xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp nhưng chỉ đóng một phần BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định; gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH, BHYT, BHTN là trường hợp cố ý không kê khai hoặc kê khai không đúng thực tế việc đóng BHXH, BHYT, BHTN với cơ quan có thẩm quyền; 06 tháng trở lên được xác định là 06 tháng liên tục hoặc 06 tháng cộng dồn trở lên…
Với những hướng dẫn tại Nghị Quyết 05/2019 sẽ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc mà cơ quan nhà nước đang gặp phải. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu xử quả xử lý tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tăng cường việc thanh tra, kiểm tra để sớm phát hiện các hành vi vi phạm, kịp thời tiến hành xử phạt VPHC đối với các sai phạm. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý các hành vi vi phạm, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm cần chuyển hồ sơ sang cơ quan tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự./.
Lê Quý Tân