Một số nhầm lẫn thường gặp trong Luật Xử lý vi phạm hành chính
Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) có hiệu lực từ ngày 01/7/2013 đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế về XLVPHC nói riêng và về pháp luật nói chung. Luật XLVPHC có ảnh hướng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, tính đến hết năm 2018 tổng số văn bản được Chính phủ ban hành để quy định chi tiết Luật XLVPHC là 101 nghị định, điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực đời sống, xã hội (1). Luật XLVPHC đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý hành chính nhà nước, bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề tồn tại. Nội dung bài này tập trung làm rõ những nhầm lẫn thường gặp:
1. Vi phạm hành chính và tội phạm.
Khái niệm vi phạm hành chính và tội phạm được quy định tại Luật XLVPHC và Bộ Luật hình sự. Theo đó: Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính (2); Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự (3). Từ khái niệm trên, xét về dấu hiệu cấu thành thì có thể phân biệt theo một số tiêu chí như sau:
Thứ nhất, chủ thể vi phạm hành chính là cá nhân và pháp nhân; chủ thể của tội phạm là cá nhân và pháp nhân thương mại.
Thứ hai, mặt chủ quan, do tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi là khác nhau nên việc quy định “lỗi” trong các quy định pháp luật XLVPHC và hình sự cũng có sự khác biệt. “Lỗi” của tội phạm được phân chia cụ thể hơn gồm có: Cố ý trực tiếp, Cố ý gián tiếp; Vô ý vì quá tự tin, Vô ý do cẩu thả; “lỗi” trong vi phạm hành chính chỉ quy định hai hình thức là cố ý và vô ý, không có sự phân biệt cố ý trực tiếp hay gián tiếp, vô ý vì quá tự tin hay do cẩu thả (4).
Thứ ba, khách thể của vi phạm hành chính và tội phạm được mô tả như hai vòng tròn giao nhau, dù phạm vi giao nhau là khá lớn nhưng vẫn tồn tại những quan hệ xã hội chỉ có thể là vi phạm hành chính, dù có vi phạm nhiều lần cũng không chuyển hóa thành tội phạm (ví dụ, hành vi tiểu tiện nơi công cộng, điều khiển mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm…), có những hành vi vi phạm pháp luật chỉ có thể là tội phạm chứ không bao giờ là vi phạm hành chính, dù có gây hậu quả hay chưa (ví dụ, hành vi giết người, hiếp dâm…) (5). Có những hành vi tùy theo mức độ có thể là hành vi vi phạm hành chính hoặc tội phạm (ví dụ, hành vi buôn bán hàng cấm thuốc lá điếu nhập lậu nếu số lượng dưới 500 bao thì xử phạt VPHC, từ 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự ).
<