Quyền giải trình của người vi phạm theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
Giải trình là một quyền của người có hành vi vi phạm, theo đó người có vi phạm tự mình hoặc thông qua đại diện hợp pháp đưa ra ý kiến, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Quy định về quyền giải trình của người vi phạm theo Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật năm 2012) là một biện pháp nhằm cụ thể hóa nguyên tắc “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính” (1). Quy định về giải trình giúp bảo đảm quyền của công dân đồng thời giúp người có thẩm quyền khách quan khi đánh giá vi phạm và đưa ra hình thức xử lý đúng quy định pháp luật, hợp tình, hợp lý.
Các trường hợp và hình thức giải trình: Giải trình là một quyền của người vi phạm, tuy nhiên không phải trong mọi trường hợp người vi phạm đều được giải trình. Việc giải trình chỉ được áp dụng trong 02 trường hợp sau: Đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật quy định áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức. Việc giải trình thực hiện theo 02 hình thức là giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (2).
Ảnh minh họa.
Khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện việc giải trình:
Thứ nhất, nội dung giải trình trong biên bản vi phạm hành chính còn nhiều sai sót như: người có thẩm khi lập biên bản bỏ qua nội dung giải trình trong trường hợp người vi phạm được quyền giải trình (ví dụ: Khi lập biên bản hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai giấy phép, có tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt sẽ dưới 15.000.000 đồng (3) nên người lập biên bản cho rằng người vi phạm không có quyền giải trình và không ghi nội dung giải trình trong biên bản là không đúng, vì khung tối đa tiền phạt là 20.000.000 đồng nên người vi phạm vẫn có quyền giải trình). Ghi nội dung giải trình không đúng như: giải trình tới người không có thẩm quyền, sai thời hạn giải trình…làm ảnh hướng đến quyền giải trình của người vi phạm. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp người vi phạm cũng không biết là mình có quyền, cách thực hiện giải trình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Thứ hai, Luật năm 2012 không quy định giải trình trong trường hợp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính là chưa hợp lý bởi tịch thu phương tiện tang vật là biện pháp xử lý nghiêm khắc và trong nhiều trường hợp phương tiện, tang vật bị tịch thu có giá trị lớn hơn gấp nhiều lần so với mức phạt là 15.000.000 đồng hay 30.000.000 đồng.
Thứ ba, quy định về thời hạn thực hiện quyền giải trình chưa có sự thống nhất. Đối với trường hợp giải trình bằng văn bản, thời hạn cá