Kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Triển khai Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 25/01/2018 của Thủ tướng chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thống nhất trong cả nước kỳ 2014-2018, ngày 28/02/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 589/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa kỳ 2014-2018.
Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, việc triển khai nhiệm vụ hệ thống hóa VBQPPL định kỳ theo Khoản 2 Điều 170 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đảm bảo tiến độ và chất lượng, đảm bảo yêu cầu, mục đích Kế hoạch đề ra.
Qua rà soát văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018 trên địa bàn. Đối với cấp tỉnh, tổng số VBQPPL được rà soát là 561, số văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa là 296, số VBQPPL còn hiệu lực là 296, số VBQPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ là 187, số VBQPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần là 28, tổng số VBQPPL cần đình chỉ thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới là 11. Đối với cấp huyện, tổng số VBQPPL được rà soát là 114, tổng số văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa là 34, số VBQPPL còn hiệu lực là 34, số VBQPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ là 80, số VBQPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần, số văn bản QPPL cần đình chỉ thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới là 0.
Thông qua hoạt động hệ thống hóa, các văn bản, quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp của địa phương đã được các cơ quan rà soát, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời. Kết quả rà soát, hệ thống hóa VBQPPL đã góp phần tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, tra cứu, áp dụng và thực hiện pháp luật, đồng thời góp phần vào công tác xây dựng hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện hệ thống hóa vẫn còn một số khó khăn, hạn chế sau đây:
Thứ nhất, kinh phí thực hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai, hiện các căn cứ ban hành Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực. Không còn phù hợp để áp dụng, ảnh hưởng đến việc triển khai tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, cũng như thực hiện hệ thống hóa.
Thứ hai, mặc dù Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế đã có hiệu lực từ ngày 25/8/2011 nhưng Nghị định này lại không quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ Nội vụ trong việc bố trí, sắp xếp biên chế làm công tác pháp chế, dẫn đến khó khăn cho địa phương khi thành lập các tổ chức pháp chế. Hiện nay các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh chưa có Phòng Pháp chế mà chỉ phân công cán bộ, công chức chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. Phần lớn lực lượng này còn trẻ, thời gian làm công tác pháp luật chưa nhiều nên kinh nghiệm còn hạn chế, đồng thời phải kiêm nhiệm nhiều vị trí. Vì vậy, việc triển khai, tham mưu công tác hệ thống hóa tại một số đơn vị chưa đạt hiệu quả cao.
Với những khó khăn, vướng mắc trên, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP, đảm bảo sự phù hợp với thực tiễn áp dụng; kiến nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2011/NĐ-CP cho phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn của các địa phương theo hướng quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ chuyên ngành (Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính) trong việc tổ chức bộ máy, sắp xếp biên chế để đảm bảo cho việc thành lập tổ chức pháp chế tại địa phương; quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề cho đội ngũ những nguời làm công tác pháp chế đặc biệt là cán bộ làm công tác pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh và người quản lý công tác pháp chế tại Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp.
Nguyễn Thị Như Ngọc