Kết quả khảo sát tình hình thi hành pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2019
Thực hiện Quyết định số 277/QĐ-UBND ngày 25/01/2019 của UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch bổ sung công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2019 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trong đó xác định lĩnh vực trọng tâm, liên ngành theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2019 là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Sở Tư pháp đã tổ chức khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (sau đây gọi là lĩnh vực trọng tâm) tại hơn 100 doanh nghiệp và 250 người lao động trên địa bàn tỉnh.
Kết quả khảo sát
Tỷ lệ tham gia BHYT, BHXH, BHTN
- Các doanh nghiệp được khảo sát có tỷ lệ đóng bảo hiểm y tế khá cao chiếm 95% (115 phiếu/121 phiếu); Cơ sở khám chữa bệnh ban đầu doanh nghiệp đăng ký cho người lao động chủ yếu là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến huyện và tương đương chiếm 90% (109 phiếu/121 phiếu), phần còn lại là đăng ký khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh và tương đương chiếm 10% (12 phiếu/121 phiếu); tỷ lệ đóng bảo hiểm y tế khá cao chiếm khoảng 93% (112 phiếu/121 phiếu); tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp cao chiếm khoảng 92% (111phiếu/121 phiếu).
Mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về BHYT, BHXH, BHTN
Người lao động trong doanh nghiệp là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tham gia đầy đủ các chế chế độ BHXH như ốm đau và thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, khi được hỏi thì các doanh nghiệp đa phần chỉ quan tâm đến số tiền mình bỏ ra chứ không rõ về các chế độ BHXH mình đã tham gia.
- Theo khảo sát có đến khoảng 70% (85 phiếu/121 phiếu) doanh nghiệp cho rằng mức đóng BHXH hiện nay khá cao làm ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận của doanh nghiệp; có tới 65% (78 phiếu/121 phiếu) doanh nghiệp cho rằng việc đóng BHXH là không cần thiết. Lý do doanh nghiệp đóng BHXH là do quy định bắt buộc của pháp luật chiếm 82% (99 phiếu/121 phiếu). Một lý do nữa mà doanh nghiệp không muốn đóng BHXH là do trình tự, thủ tục còn phức tạp, yêu cầu nhiều hồ sơ, giấy tờ.
- Theo khảo sát 95% (115 phiếu/121 phiếu) doanh nghiệp cho rằng mức đóng BHTN hiện nay không làm ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận của doanh nghiệp; có đến 40% (48 phiếu/121 phiếu) doanh nghiệp cho rằng việc đóng BHTN là không cần thiết, lý do doanh nghiệp đóng BHTN là do quy định bắt buộc của pháp luật, chỉ có 42% (50 phiếu/121 phiếu) doanh nghiệp cho rằng đóng BHTN là để bảo đảm quyền lợi của người lao động.
- Hiện nay, có khoảng 75% doanh nghiệp giữ sổ BHXH của người lao động, đồng thời phần lớn người lao động ít được thông tin về việc tham gia bảo hiểm xã hội của mình, điều này dẫn đến tình trạng mập mờ, không minh bạch trong việc tham gia BHXH. Nhiều doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng lao động đều đảm bảo có tham gia BHXH, khi người lao động hỏi về việc tham gia BHXH thì doanh nghiệp đều trả lời là tham gia đầy đủ nhưng thực chất doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động.
- Mức đóng BHYT hàng tháng cho người lao động trong doanh nghiệp bằng 4.5% mức tiền lương, tiền công hàng tháng của người lao động; phương thức đóng BHYT của doanh nghiệp chủ yếu là đóng hàng tháng. Với chi phí đóng BHYT cho người lao động bằng 4.5% mức tiền lương, tiền công hàng tháng của người lao động thì 87% (105 phiếu/121 phiếu) doanh nghiệp cho rằng nó ít ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy nhiên, lý do chính khiến doanh nghiệp mua BHYT cho người lao động được đưa ra là do quy định của pháp luật bắt buộc chiếm 80% (97 phiếu/121 phiếu); lý do mua BHYT để chăm sóc sức khỏe cho người lao động chỉ chiếm một phần nhỏ khoảng 30% (36 phiếu/121 phiếu).
Nhìn chung, việc đóng BHYT, BHXH, BHTN cho người lao động của người sử dụng lao động hiện nay là do quy định của pháp luật bắt buộc, chứ không xuất phát từ việc bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người lao động trong doanh nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng đóng thiếu, nợ đọng BHXH, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Hiệu quả của hoạt động tuyên truyền pháp luật về BHYT, BHXH, BHTN
Theo khảo sát, việc tuyên tuyền các quy định của pháp luật về BHYT, BHXH, BHTN chưa phát huy được hiệu quả; có đến 73% (88 phiếu/121 phiếu) doanh nghiệp cho rằng họ ít được tuyên truyền về BHYT, BHXH, BHTN. Các hình thức tuyên truyền hiện nay còn sáo rỗng, đơn điệu, chưa phù hợp với nhiều nhóm đối tượng. Nội dung tuyên truyền chưa thực sự đi sâu vào giải quyết khó khăn, vướng mắc cho người sử dụng lao động. Khi gặp khó khăn, vướng mắc trong việc tham gia BHYT, BHXH, BHTN cho người lao động thì nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết phải liên hệ cơ quan nào để được hướng dẫn giải đáp: có 35% (42 phiếu/121 phiếu) doanh nghiệp cho rằng họ sẽ liên hệ cơ quan bảo hiểm xã hội, 40% (48 phiếu/121 phiếu) doanh nghiệp cho rằng họ sẽ liên hệ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và 25% (31 phiếu/121 phiếu) doanh nghiệp sẽ liên hệ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chỉ một phần nhỏ doanh nghiệp có đề xuất, kiến nghị giải pháp để nâng cao hiệu quả việc tham gia BHYT, BHXH, BHTN.
Những khó khăn, vướng mắc; đề xuất, kiến nghị và những vấn đề khác trong quá trình doanh nghiệp tham gia BHYT, BHXH, BHTN
Khi thực hiện các thủ tục tham gia BHYT, BHXH, BHTN cho người lao động trong doanh nghiệp thì có đến 67% (81 phiếu/121 phiếu) doanh nghiệp cho rằng thủ tục hiện nay phải thực hiện nhiều bước, yêu cầu nhiều giấy tờ, bên cạnh đó, thái độ của một số cán bộ, công chức gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tham gia BHYT, BHXH, BHTN. Hiện nay, lý do doanh nghiệp tham gia BHYT, BHXH, BHTN được đưa ra chủ yếu là do quy định của pháp luật bắt buộc. Tuy nhiên, đối với hành vi trốn đóng BHYT, BHXH, BHTN thì đa số doanh nghiệp chưa biết sẽ bị xử lý như thế nào. Đa phần doanh nghiệp cho rằng hành vi trốn đóng BHXH sẽ chỉ bị xử lý vi phạm hành chính, rất ít doanh nghiệp biết rằng hiện nay hành vi trốn đóng BHXH có thể bị xử lý hình sự.
Những kết quả đạt được
Kết quả khảo sát cho thấy hiện nay trong các doanh nghiệp, việc tham gia BHYT, BHXH, BHTN đã được chú trọng hơn. Tỷ lệ tham gia BHYT, BHXH, BHTN có chiều hướng tăng lên so với các năm trước. Thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được đáp ứng được yêu cầu của người lao động và doanh nghiệp. Thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHYT, BHXH, BHTN đã có nhiều cải cách, những thủ tục chồng chéo, rườm rà, phức tạp đã được xóa bỏ. Hệ thống máy móc, trang thiết bị công nghệ thông tin được trang bị tại các cơ quan nhà nước cũng góp phần nâng cao hiệu quả quá trình tham gia BHYT, BHXH, BHTN của người lao động và doanh nghiệp.
Tồn tại và đề xuất, kiến nghị
Bên cạnh những kết quả đạt được, kết quả tổng hợp Phiếu khảo sát cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục tích cực hơn trong thời gian tới như: hiện nay, doanh nghiệp và người lao động vẫn còn khá dè dặt trong việc đề xuất ý kiến, nguyện vọng tới các cơ quan có thẩm quyền về các khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình tham gia BHYT, BHXH, BHTN; công tác tuyên truyền chưa đạt được hiệu quả cao, việc tuyên truyền còn mang nặng tính hình thức, chưa giải quyết được những khó khăn, vướng mắc mà người lao động và doanh nghiệp gặp phải; hệ thống pháp luật hiện nay có quá nhiều văn bản quy định trong lĩnh vực BHYT, BHXH, BHTN do đó việc người lao động và doanh nghiệp tiếp cận còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp; hiểu biết của người lao động và doanh nghiệp về BHYT, BHXH, BHTN còn hạn chế, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp.
Từ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực BHYT, BHXH, BHTN, Sở Tư pháp có những đề xuất, kiến nghị như sau: tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về các chính sách, quy định của pháp luật về BHYT, BHXH, BHTN; đề nghị Bộ Y tế, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành kịp thời hướng dẫn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật về BHYT, BHXH, BHTN; đề nghị Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát lại những quy trình, thủ tục chồng chéo, rườm rà, phức tạp để kịp thời xóa bỏ; tăng cường tổ chức các hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước nhằm có cơ hội trao đổi và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cũng như xem xét những nguyện vọng của doanh nghiệp và người lao động; nâng cao chất lượng phục vụ, thái độ công vụ cũng như trình độ chuyên môn của công chức thực hiện thủ tục hành chính cho người lao động và doanh nghiệp.