Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật B1
Ngày 01/01/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Trong đó, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp xây dựng tài liệu hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương để có cách hiểu đúng, thống nhất về chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1), các mục tiêu, biểu mẫu báo cáo.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ nêu trên, ngày 29/3/2019, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 1083/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL về việc hướng dẫn xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1).
Tuy nhiên, nhiều cơ quan, đơn vị cũng như doanh nghiệp còn chưa hiểu rõ chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật là gì? Bài viết dưới đây xin nêu một số nội dung cơ bản đối với vấn đề này:
Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật là gì?
Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (gọi tắt là chỉ số B1) là một trong những chỉ số nằm trong mục Quản trị theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum - WEF) được thể hiện thông qua chỉ số: “Burden of government regulation”.
Chỉ số B1 có thể được hiểu là chỉ số tổng hợp ý kiến cảm nhận (thông qua trả lời câu hỏi khảo sát) về mức độ tạo thuận lợi hay gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tuân thủ những quy định của pháp luật (làm phát sinh chi phí tuân thủ pháp luật: chi phí hành chính; chi phí đầu tư để tuân thủ quy định; phí, lệ phí; chi phí rủi ro pháp lý; chi phí không chính thức), được xếp theo thang bậc đánh giá tính từ mức 01 (kém nhất) đến mức 07 (tốt nhất).
Hiểu một cách đơn giản, chi phí tuân thủ pháp luật B1 là các chi phí mà doanh nghiệp, người dân phải gánh chịu trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật.
(1) Chi phí hành chính: chi phí về nhân công và thời gian mà doanh nghiệp, người dân phải gánh chịu để thực hiện các yêu cầu của pháp luật, bao gồm thực hiện thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước và các nghĩa vụ khác (ví dụ, lưu giữ thông tin hoặc cung cấp thông tin cho khách hàng, người tiêu dùng…).
(2) Chi phí đầu tư để tuân thủ quy định: chi phí mà doanh nghiệp, người dân phải đầu tư về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, nhân công, đào tạo,… để đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật.
(3) Phí, lệ phí: các khoản phí, lệ phí chính thức mà doanh nghiệp, người dân phải nộp trong quá trình thực hiện các thủ tục có liên quan.
(4) Chi phí rủi ro pháp lý (nếu có): chi phí tăng thêm, thiệt hại hoặc mất cơ hội kinh doanh mà doanh nghiệp, người dân phải gánh chịu do chất lượng kém của quy định pháp luật dẫn đến bị xử phạt hoặc chậm chễ trong giải quyết thủ tục.
(5) Chi phí không chính thức: Các khoản trả thêm hoặc “lót tay” liên quan đến việc xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng dịch vụ công cộng (ví dụ: điện thoại, điện năng), trả thuế,… hoặc để được nhận các hợp đồng, giấy phép trong lĩnh vực ocông hoặc để có được các quyết định thuận lợi.
Đối tượng nào được tiến hành khảo sát?
Đối tượng và số lượng doanh nghiệp tiến hành khảo sát để xếp hạng chỉ số B1 là các doanh nghiệp được phân bổ theo tỉ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 03 ngành Nông nghiệp, Công nghiệp và Dịch vụ của năm trước đó.
Các doanh nghiệp được khảo sát phải phù hợp tiêu chí rõ ràng được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đặt ra (ví dụ: doanh nghiệp phải có từ 20 lao động trở lên, phải theo cơ cấu vùng miền phù hợp, trong số doanh nghiệp được phân bổ theo tỉ trọng đóng góp vào GDP).
Thời gian Diễn đàn kinh tế thế giới khảo sát thường bắt đầu từ tháng 11 của năm trước đến tháng 5 của năm sau. Việc khảo sát được tiến hành theo phương thức gửi bảng hỏi tới các doanh nghiệp được lựa chọn thuộc đối tượng phù hợp nêu trên, các doanh nghiệp trả lời trực tiếp bảng hỏi khảo sát qua mạng internet (khảo sát online).
Chỉ số B1 là một trong những chỉ số quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh vì nếu gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật mà các doanh nghiệp phải gánh chịu lớn do quy định pháp luật phức tạp, đặt ra nhiều yêu cầu, điều kiện, do mức phí và lệ phí không hợp lý thì sẽ tạo ra chi phí hành chính, chi phí đầu tư, phí và lệ phí cao; quy định pháp luật không rõ ràng, không khả thi sẽ tạo thêm chi phí cơ hội và chi phí không chính thức cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nếu việc tổ chức thi hành pháp luật không tốt sẽ làm gia tăng chi phí hành chính, chi phí không chính thức hoặc chi phí rủi ro pháp lý, làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này gây tốn kém cho doanh nghiệp, cản trở các doanh nghiệp đầu tư, hạn chế năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cản trở phát triển kinh tế - xã hội.
Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho các doanh nghiệp, góp phần nâng xếp hạng chỉ số B1, Bộ Tư pháp đề nghị các Bộ, cơ quan, địa phương kịp thời, chủ động phản ánh các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp mới nâng xếp hạng chỉ số B1 về Bộ Tư pháp (Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật) để kịp thời tổng hợp, đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật, góp phần nâng xếp hạng chỉ số B1 trong thời gian tới.
(Nguồn: Công văn số 1083/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 29/3/2019 và tài liệu kèm theo của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật)
Nguyễn Bích Thủy- Phòng Tư pháp