Cần sớm ban hành quy định mới về giao dịch bảo đảm.
Ảnh: Đăng ký giao dịch bảo đảm ở Văn phòng đăng ký đất đai Khánh Hòa
Ngày 29/12/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm (Nghị định số 163) nhằm quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự năm 2005 về việc xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và xử lý tài sản bảo đảm. Nhìn chung, các tổ chức tín dụng, Văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn đều chấp hành đúng các quy định của Nghị định số 163, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy các giao dịch bảo đảm phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trong tỉnh Khánh Hòa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế của địa phương ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã được thay thế bằng Bộ luật Dân sự năm 2015 (được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2015, có hiệu lực từ 01/01/2017). Thời gian qua, việc thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và Nghị định số 163 về giao dịch bảo đảm trên thực tế đã bộc lộ nhiều bất cập đòi hỏi cần phải ban hành hướng dẫn mới, cụ thể:
Về chủ thể tham gia giao kết hợp đồng bảo đảm là Hộ gia đình: khoản 2 Điều 101 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai”. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định rõ cơ quan có thẩm quyền xác nhận các thành viên thuộc hộ gia đình. Việc này gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng và khách hàng trong việc xin giấy xác nhận thành viên hộ gia đình tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất tại các cơ quan chức năng, do đó việc xác định những thành viên tham gia ký kết hợp đồng bảo đảm là không chính xác. Trên thực tế, đây là nguyên nhân dẫn đến việc hợp đồng bảo đảm bị vô hiệu một phần hoặc toàn phần.
Về việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm: theo quy định tại Điều 300 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trước khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác. Tuy nhiên, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể thời hạn như thế nào được coi là “thời hạn hợp lý” như đã quy định tại Điều 300 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Bên cạnh đó, Nghị định số 11/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163 không còn phù hợp với các điều khoản về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của Bộ luật Dân sự năm 2015. Đơn cử như tại khoản 15 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP quy định: “...người xử lý tài sản căn cứ nội dung đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm để tiến hành xử lý tài sản bảo đảm mà không cần phải có văn bản ủy quyền xử lý tài sản của bên bảo đảm”. Trong thực tế, việc thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý, nhất là bất động sản là nhà ở gắn liền quyền sử dụng đất ở không thể thực hiện nếu như không có sự hợp tác của bên bảo đảm trong việc bàn giao tài sản. Vì bên nhận bảo đảm không có quyền cưỡng chế, tịch thu hay kê biên tài sản.