Trách nhiệm pháp lý khi để chó cắn chết người
Việc nuôi và thả rông chó vẫn còn xảy ra phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên hành vi đó tiềm ẩn mối nguy hiểm cho xã hội mà những người nuôi chó cần nhận thức rõ. Ngày 03/4/2019, Báo chí đưa tin 01 bé trai (khoảng 7 tuổi, trú tại thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) khi đi ngang qua khu vực sân vận động Kim Động cũ đã bị một đàn chó tấn công, hậu quả cháu bé đã tử vong. Nếu không nuôi chó đúng cách, để chó trở thành mối nguy hại cho người khác, thì người chủ sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính, dân sự thậm chí là trách nhiệm hình sự nếu để chó cắn chết người. Qua vụ việc đau lòng xảy ra tại Hưng Yên, người nuôi chó cần nắm rõ những quy định sau đây:
Hình: Hai trong số 10 con chó tấn công bé trai ở Hưng Yên. Ảnh: ST.
Về việc xử lý hành vi thả rông chó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình. Tại điểm c khoản 1 Điều 5 của Nghị định này có quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng.
Khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y như sau:
Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng;
b) Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Chủ tịch UBND cấp xã, Chiến sĩ công an đang thi hành công vụ, Trưởng công an cấp xã,… đều có quyền xử phạt đối với những hành vi trên.
Về trách nhiệm dân sự, Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.” Trường hợp tính mạng bị xâm phạm thì người nuôi chó phải bồi thường những thiệt hại sau: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;…Ngoài ra, người nuôi chó còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người thân của cháu bé. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần nếu các bên không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (hiện nay, mức lương cơ sở do Nghị định 72/2018/NĐ-CP quy định là 1.390.000 đồng/tháng).