14/01/2019 20:04
|
Thực trạng công tác TDTHPL XLVPHC trên địa bàn thành phố Cam Ranh
Thực trạng công tác TDTHPL XLVPHC trên địa bàn thành phố Cam Ranh
Công tác TDTHPL XLVPHC luôn được UBND thành phố chú trọng, quan tâm chỉ đạo thực hiện. Năm 2018, hầu hết các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được UBND thành phố triển khai thực hiện đồng bộ, gồm: Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017; Nghị định số 139/2017/NĐ-CP; Thông tư số 09/2017/TT-BTP ngày 18/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Thông tư số 05/TT-BCA ngày 07/02/2018 của Bộ Công an; Thông tư số 03/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng… Phòng Tư pháp thành phố thường xuyên hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong công tác xác lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính cho các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, phường như: hướng dẫn xử lý tình trạng gia súc gia cầm thả rông trên địa bàn thành phố; xử lý các trường hợp lấn chiếm đất chợ Mỹ Ca, phường Cam Nghĩa; hình thức, thủ tục thu, nộp tiền phạt xử lý vi phạm hành chính... Các hoạt động kiểm tra được chú trọng: Đoàn kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, hàng cấm; sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đã tổ chức kiểm tra 62 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh; xử lý 22 trường hợp (hàng cấm, hàng nhập lậu: 03 trường hợp; hàng giả và ATTP: 04 trường hợp; kinh doanh thương mại dịch vụ: 15 trường hợp); xử phạt vi phạm hành chính, thu ngân sách: 128.250.000 đồng; Đoàn kiểm tra liên ngành Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP đã kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố xử phạt vi phạm 18 cơ sở với tổng số tiền phạt 28.300.000 đồng. Phòng Kinh tế chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành về công tác an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu, qua kiểm tra 19 cơ sở, đã nhắc nhở 02/19 đơn vị chấp hành không nghiêm túc quy định pháp luật. Ngoài ra, thông qua hoạt động kiểm tra công tác quản lý về XLVPHC hoạt động xây dựng, UBND thành phố đã chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường thường xuyên, kịp thời, cương quyết trong việc chỉ đạo kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng đô thị; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng; phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời ngay từ khi mới phát sinh. Bên cạnh đó, UBND các xã, phường đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực thuộc địa bàn quản lý. Năm 2018, UBND thành phố đã ban hành 270 quyết định xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực với tổng số tiền phạt: 3.786.200.000 đồng (giảm 156 quyết định so với năm 2017); đã chấp hành 156 quyết định, thu 1.896.450.000 triệu đồng; chưa chấp hành 114 quyết định với số tiền 1.889.750.000 đồng. Trong đó: tập trung chủ yếu là lĩnh vực đất đai và xây dựng (223 quyết định), gồm: xây dựng không có giấy phép xây dựng: 113 quyết định; xây dựng sai nội dung giấy phép: 31 quyết định; buộc phá dỡ công trình, bộ phận công trình xây dựng vi phạm: 86 quyết định; đình chỉ thi công, cho thời hạn 60 ngày để chủ đầu tư hoàn thành thủ tục cấp Giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh Giấy phép xây dựng: 58 quyết định; giao thông đường bộ (16 quyết định); an ninh trật tự (11 quyết định); công nghệ thông tin (07 quyết định)... Chủ tịch UBND 15 xã phường ban hành 270 quyết định xử phạt trên các lĩnh vực với tổng số tiền xử phạt thu được 331.715.000 đồng; Về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, toàn thành phố có 70 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (tăng 43 đối tượng so với năm 2017). Trong đó có 13 đối tượng bị lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại cấp xã; 57 đối tượng bị lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Kết quả đạt được do UBND thành phố đã chỉ đạo lực lượng Công an thành phố phối hợp cùng các ngành tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện các đối tượng nghiện ma túy; kiên quyết đấu tranh, áp dụng các biện pháp giáo dục để tạo điều kiện các đối tượng được điều trị bệnh, cắt cơn nghiện, học tập, có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường, ổn định, hòa nhập với cộng đồng. Công tác TDTHPL XLVPHC trên địa bàn thành phố năm 2018 vẫn còn nhiều hạn chế, xuất phát từ thực tiễn công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật về quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai, quy hoạch…chưa phát huy tốt vai trò của cả hệ thống chính trị ở cơ sở; Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương chưa được đồng bộ; Chế tài xử lý trong các lĩnh vực chưa triệt để, còn nhiều kẽ hở, khó xem xét áp dụng xử lý hình sự dẫn đến tình trạng xem thường pháp luật, cố tình vi phạm. Khó khăn, vướng mắc trong công tác TDTHPL XLVPHC vẫn xuất phát từ các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính: Một là, Nghị định 166/2013/NĐ-CP của Chính phủ chỉ quy định những nội dung chính của cưỡng chế, không quy định biểu mẫu cụ thể, dẫn đến việc áp dụng gặp khó khăn và không thống nhất. Hai là, tại Khoản 12 Điều 15, Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở: Đối với hành vi xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp trong trường hợp sửa chữa, cải tạo; hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới; hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng mà đang thi công xây dựng thì xử lý như sau: Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình; Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng; Hết thời hạn 60 ngày, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Và tại Điều 5 của Thông tư 03/2018/TT-BXD quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ cũng quy định: Trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm có trách nhiệm thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng và xuất trình người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh. Quy định này không thật sự phù hợp với thực tế, vì nhiều trường hợp vi phạm khi lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt đã biết trường hợp này không thể và không được cấp giấy phép xây dựng nên việc quy định thời hạn 60 ngày để xin phép xây dựng là không cần thiết và gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm, vì để thời gian càng dài thì sẽ phát sinh thêm vi phạm; nếu cưỡng chế sẽ gây thiệt hại cho cả người vi phạm và nhà nước. Trước thực trạng trên, để công tác TDTHPL XLVPHC ngày càng được hoàn thiện, việc thực thi Luật Xử lý vi phạm hành chính phát huy hết hiệu quả trên thực tế, địa phương đã kiến nghị: Thứ nhất, biểu mẫu kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP vẫn còn nhiều điểm bất cập như: Hầu hết các biểu mẫu dài, nhiều điểm không cần thiết (Mẫu Biên bản vi phạm hành chính, Mẫu Quyết định Xử phạt vi phạt hành chính, các Mẫu cưỡng chế…); trình tự thủ tục tạm giữ không thống nhất: lập biên bản tạm giữ trước hay ban hành Quyết định tạm giữ trước vì Biên bản tạm giữ căn cứ Quyết định tạm giữ, trong khi đó Mẫu Quyết định tạm giữ lại căn cứ vào Biên bản tạm giữ… kiến nghị Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu để đề xuất sửa đổi các điểm bất cập trên. Thứ hai, ngày 07/02/2018, Bộ Công an ban hành Thông tư số 05/TT-BCA hướng dẫn lực lượng Công an viên thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã ban hành Biểu mẫu số 07 quy định văn bản đề nghị kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc thẩm quyền của cơ quan Công an. Tuy nhiên, Điều 103 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã. Do đó, thực tế áp dụng Thông tư số 05/TT-BCA của Bộ Công an gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, gây tranh cãi giữa các cơ quan hành chính và cơ quan tố tụng hành chính.
Mai Thanh Ngọc
|
|
|
|
|
|