11/12/2018 03:03
|
Một số bất cập trong công tác chứng thực
Một số bất cập trong công tác chứng thực
Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch có hiệu lực từ ngày 10/4/2015 (sau đây gọi là Nghị định số 23/2015/NĐ-CP). Có thể nói, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP đã tạo điều kiện hơn cho người dân trong việc lựa chọn thủ tục (công chứng/chứng thực), đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời giảm tải công việc chứng thực cho Phòng Tư pháp và UBND cấp xã... Tuy nhiên, sau 03 năm triển khai, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP đã bộc lộ một số bất cập, cụ thể:
- Về chứng thực hợp đồng, giao dịch Điều 35 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Thành phần hồ sơ chứng thực hợp đồng, giao dịch cũng được quy định rất đơn giản (chỉ cần 03 loại giấy tờ: Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng của các bên; dự thảo hợp đồng, giao dịch; giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng). Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) tại Công văn số 842/HTQTCT-CT ngày 26/5/2016, “Quy định như vậy không có nghĩa là người thực hiện chứng thực không phải chịu trách nhiệm gì đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội…”, “…cơ quan thực hiện chứng thực, khi chứng thực hợp đồng, giao dịch phải thực hiện đầy đủ quy định tại Điều 35 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, theo đó, cùng với việc xác nhận về năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện các bên; thời gian, địa điểm ký kết hợp đồng, giao dịch..., thì phải xem xét đến nội dung của hợp đồng, giao dịch, đặc biệt đối với hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý đất đai ở địa phương UBND cấp xã cần kiểm tra, xác minh để bảo đảm tính hợp pháp của thửa đất là đối tượng của hợp đồng, giao dịch, nhằm phát huy trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý đất đai tại địa phương theo quy định của Luật đất đai, cũng như bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người dân khi tham gia hợp đồng, giao dịch”. Do đó, để xác định nội dung hợp đồng, giao dịch có đúng quy định hay không thì công chức thực hiện chứng thực phải yêu cầu các bên bổ sung thêm giấy tờ có liên quan như: Giấy chứng tử, Giấy khai sinh, giấy tờ chứng minh mối quan hệ của những người được hưởng di sản…Nhưng yêu cầu này là không đúng với thành phần hồ sơ quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP và thủ tục hành chính đã công bố. Điều này dẫn đến các cơ quan chứng thực rất lúng túng khi tiếp nhận giải quyết, bởi nếu tiếp nhận theo đúng thành phần hồ sơ thì khi giải quyết sẽ không chặt chẽ, có khả năng tranh chấp hoặc hợp đồng giao dịch vô hiệu khi người yêu cầu chứng thực có hành vi gian dối…; nếu không tiếp nhận hoặc yêu cầu xuất trình bổ sung các giấy tờ hỗ trợ chứng minh tính hợp pháp của giao dịch thì không đảm bảo quy định về chứng thực. - Khoản 1 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định người yêu cầu chứng thực phải nộp bản dự thảo hợp đồng, giao dịch, nhưng không quy định hợp đồng, giao dịch đó phải được thực hiện theo mẫu cụ thể nào. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp người yêu cầu chứng thực nộp dự thảo hợp đồng giao dịch do mình tự soạn có nội dung không chặt chẽ, thiếu các thông tin cần thiết, hoặc có trường hợp viết tay, chữ viết không rõ ràng…, dẫn đến tình trạng người yêu cầu chứng thực và người thực hiện chứng thực gặp rất nhiều khó khăn khi soạn thảo, xem xét nội dung của hợp đồng.
- Về tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch Khoản 2 Điều 27 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định người dịch phải “Có bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch”. Theo quy định tại Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BGDĐT ngày 08/01/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định ban hành quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, thủ tục công nhận văn bằng được áp dụng đối với “bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục các cấp học phổ thông; bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp; bằng tốt nghiệp cao đẳng; bằng tốt nghiệp đại học; bằng thạc sĩ; bằng tiến sĩ do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay quy định trên đang áp dụng theo hướng công nhận văn bằng cho cá nhân “có nhu cầu”, không quy định cụ thể trong trường hợp nào thì “bắt buộc” phải đăng ký công nhận văn bằng mới có giá trị sử dụng tại Việt Nam. Như vậy, vấn đề đặt ra là đối với người dịch là công dân Việt Nam có bằng cấp do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp nhưng chưa thực hiện thủ tục công nhận văn bằng thì có được coi là hợp lệ không? Bởi vì, trong xu hướng hiện nay, các loại hình đào tạo, các cơ sở giáo dục rất đa dạng, Phòng Tư pháp cũng như Sở Tư pháp không thể nắm rõ được tính hợp pháp của các loại bằng cấp để kiểm tra tiêu chuẩn, điều kiện của cộng tác viên dịch thuật theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP một cách chính xác. Với các bất cập nêu trên, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP cần được nghiên cứu, sửa đổi bổ sung nhằm đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn./.
An Khánh
|
|
|
|
|
|