Thực trạng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện Diên Khánh
1. Đánh giá chung: Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biên giáo dục pháp luật (PBGDPL), trong thời gian qua, UBND huyện Diên Khánh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, nhằm đưa pháp luật đi vào đời sống xã hội, nâng cao nhận thức và hành động phù hợp với pháp luật của Nhân dân trên địa bàn.
Bám sát vào chỉ đạo, lãnh đạo của UBND tỉnh, UBND huyện đã xây dựng và ban hành các văn bản tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng phong phú, đa dạng và thiết thực với người dân hơn như: Tuyên truyền miệng; biên soạn tài liệu phổ thông dưới dạng hỏi đáp pháp luật, tình huống pháp luật; đưa pháp luật vào giảng dạy trong trường học; tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng câu lạc bộ pháp luật; tủ sách pháp luật ở xã, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học; thi tìm hiểu pháp luật; hướng dẫn nghiệp vụ công tác hòa giải cơ sở; hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam; tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở, thông qua tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, thông qua các phiên toà xét xử công khai, lưu động, thực hiện việc niêm yết danh mục các thủ tục hành chính, các quy chế dân chủ... đã và đang được triển khai mạnh mẽ.
Trên tinh thần nâng cao nhận thức pháp luật và trách nhiệm của chính quyền địa phương, công tác PBGDPL từng bước đã đi vào nề nếp, triển khai thực hiện một cách kịp thời, thường xuyên, liên tục và rộng khắp. Qua công tác tuyên truyền, PBGDPL tại cơ quan, đơn vị với nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ Nhân dân; chủ động phòng và chống mọi hành vi vi phạm pháp luật, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội.
Đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từng bước được xây dựng, củng cố. Tổng số báo cáo viên pháp luật cấp huyện là 25 người. Tổng số tuyên truyền viên cơ sở là 84 người.
Bên cạnh đó công tác hòa giải tại cơ sở được chú trọng tổ chức thực hiện. Tổ chức đăng ký, kiện toàn tổ hòa giải; hòa giải viên, trong đó, có 110 Tổ hòa giải cơ sở ở địa phương với 590 hòa giải viên; Từ đầu năm 2018 đến nay, huyện Diên Khánh đã tiếp nhận 74 vụ việc hòa giải, trong đó có 60 vụ việc hòa giải thành. Tỷ lệ hòa giải thành là 81.08% (giảm 0,36% so với cùng kỳ năm 2017).
2. Ưu điểm: Cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện được củng cố, kiện toàn kịp thời, định kỳ họp 02 lần /năm, quyết định các vấn đề trọng tâm của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn toàn huyện. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật được củng cố, bảo đảm chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng được quan tâm, giúp cho hiệu quả tuyên truyền pháp luật được nâng cao.
Nội dung pháp luật tuyên truyền phù hợp với nhu cầu tiếp cận pháp luật của người dân, luôn cập nhật kịp thời các văn bản luật mới để tuyên truyền. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật không ngừng được đổi mới, phong phú và đa dạng bám sát vào thực tế cuộc sống, phục vụ kịp thời việc triển khai các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, phù hợp với yêu cầu của mỗi cơ quan, ban ngành địa phương, tính hình thức trong công tác tuyên truyền đã được đẩy lùi.
3. Hạn chế, khó khăn và nguyên nhân: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong công tác PBGDPL và công tác hòa giải ở cơ sở thời gian qua, song một trong những nguyên nhân chủ yếu là công tác PBGDPL và công tác hòa giải ở cơ sở mặc dù đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền nhưng chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao như về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực thực hiện…; lực lượng làm công tác PBGDPL còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều công việc...
Tủ sách pháp luật đặt tại UBND các xã, thị trấn hoặc nhà văn hóa thôn hiện khai thác không còn hiệu quả do bùng nổ thông tin, mạng internet đã được phủ khắp. Đối tượng phục vụ của Tủ sách pháp luật là Nhân dân, nhưng người dân lại ngại đến tìm đọc, nghiên cứu.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện còn hạn chế.
Kinh phí phân bổ cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải cơ sở hạn chế do ngân sách địa phương còn khó khăn; Trình độ đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở chưa đồng đều nên ảnh hưởng đến chất lượng công tác hòa giải.
Đối với các xã chỉ có một công chức tư pháp – hộ tịch: Do yêu cầu về cải cách hành chính và trực tại bộ phận một cửa kiêm công tác tiếp công dân nên công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa được đầu tư nhiều và không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ mà UBND huyện giao, như xã Diên Lạc, Diên Thạnh, Diên Tân, Diên Đồng, Diên Bình,...
4. Kiến nghị: Để công tác tuyên truyền PBGDPL ngày càng có hiệu quả hơn, đề nghị cấp có thẩm quyền biên soạn đề cương phổ biến, giáo dục pháp luật theo từng chuyên đề; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Tổ chức toạ đàm, học tập chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm phục vụ công tác tuyên truyền; ngoài ra có phương án tăng thêm kinh phí và nguồn nhân lực cho hoạt động truyên truyền, PBGDPL và hòa giải cơ sở./.
Phòng Tư pháp huyện Diên Khánh