26/07/2018 04:45
|
Thực trạng công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh
Thực trạng công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh
Triển khai Quyết định số 3890/QĐ-UBND, ngày 22/12/2017 của UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2018 trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 26/02/2018 về việc đảm bảo thời hạn và hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhằm đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính đúng quy định pháp luật, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước. Kết quả 06 tháng đầu năm 2018, công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về XLVPHC được các sở, ban, ngành trong tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chú trọng tăng cường bằng nhiều hình thức đa dạng như tuyên truyền trực tiếp, trên đài truyền thanh, tại các buổi giao ban, buổi sinh hoạt “Ngày pháp luật”, phát hành các tờ rơi, tờ gấp, sổ tay pháp luật có các quy định liên quan đến XLVPHC. Cụ thể: Các sở, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật và văn bản hướng dẫn thi hành trong lĩnh vực, phạm vi quản lý (Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Y tế; Sở Giao thông vận tải; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tư pháp; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh…) thu hút hàng ngàn người tham dự. UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người có thẩm quyền xử lý, quần chúng nhân dân trên địa bàn, đối tượng có nguy cơ vi phạm. Hình thức tuyên truyền thực hiện đa dạng, phong phú, lồng ghép phổ biến, quán triệt các nội dung của Luật, Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật tại địa phương… Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế về vi phạm hành chính trên địa bàn cấp tỉnh chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực: văn hóa, thể thao và quảng cáo, kinh doanh, an toàn thực phẩm (vi phạm quy định về Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm), trật tự an toàn giao thông, khai thác khoáng sản, xây dựng, đất đai, … Nguyên nhân chính của tình hình vi phạm hành chính nói trên là do bộ phận người dân ý thức còn hạn chế, chưa chấp hành nghiêm pháp luật. Do gần đây số lượng khách du lịch quốc tế đến Nha Trang tăng đột biến, để phục vụ kịp thời khách du lịch quốc tế, các tổ chức, cá nhân đã chủ động quảng cáo, quảng bá các hoạt động kinh doanh của mình bằng tiếng nước ngoài, nên dẫn đến việc sai quy định của Luật Quảng cáo trong việc ghi tên tổ chức, cá nhân, sản phẩm dịch vụ trên biển, bảng quảng cáo. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, người kinh doanh chưa nắm rõ những quy định về kiến thức an toàn thực phẩm, hoặc đã được tuyên truyền rõ các quy định của pháp luật nhưng vẫn cố tình vi phạm vì lợi ích của bản thân. Trong kỳ báo cáo, tổng số vụ vi phạm hành chính bị phát hiện và xử lý trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là: 7.694 vụ việc vi phạm với 7.531 đối tượng vi phạm; đã xử phạt 7.635 vụ; còn tồn 02 vụ chưa bị xử phạt; 57 vụ được chuyển sang xử lý bằng hình thức khác; số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành là 7.531 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có 6.799 quyết định đã được thi hành, 732 quyết định chưa thi hành xong. Nguyên nhân của tình trạng chưa thi hành xong chủ yếu do thời hạn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vẫn còn; một số đối tượng không tự giác chấp hành quyết định xử phạt, không có việc làm ổn định, bỏ địa phương đi làm ăn xa, không có tài sản để thực hiện cưỡng chế; một số đối tượng kinh tế khó khăn không có khả năng nộp phạt; một số đối tượng không bị tạm giữ phương tiện, giấy tờ…nên không chấp hành quyết định xử phạt; tổng số tiền phạt thu được: 19.402.853.000 đồng; tổng số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu: 2.580.087.000; số quyết định bị khiếu nại, khởi kiện: 04. Nhìn chung, qua theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về XLVPHC trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa của các cơ quan, đơn vị trong 06 tháng đầu năm 2018 cho thấy việc triển khai tích cực và đồng bộ Luật XLVPHC bước đầu đã được thi hành một cách có hiệu quả, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, đấu tranh kịp thời có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính tại địa phương, Sở Tư pháp đã có đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ trình Quốc hội bổ sung đối tượng vi phạm “hộ gia đình” vào Luật XLVPHC; xem xét xây dựng phần mềm báo cáo thống kê công tác xử lý vi phạm hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu sử dụng chung trong toàn quốc, và đề nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét rà soát lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác XLVPHC, kịp thời bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và bảo đảm tính khả thi.
|
|
|
|
|
|