19/02/2019 23:26
|
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh
Khánh Vĩnh là huyện miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, toàn huyện có 9.551 hộ dân nhưng có đến 5.181 hộ nghèo, hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ hơn 54%) với 24.115 nhân khẩu. Dân cư chủ yếu là các dân tộc thiểu số (chiếm hơn 73%), trên địa bàn huyện có 15 dân tộc đang cùng sinh sống, gồm Raglai, Ê đê, Xtiêng, Tày, Nùng, Mường…. Mặt bằng dân trí còn thấp, không đồng đều giữa các vùng, việc người dân tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước còn nhiều hạn chế. Dân cư phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở các xã, thị trấn phía đông và thưa thớt ở các xã phía tây. Địa hình khá phức tạp, chủ yếu là đồi núi… đó là những nhân tố thuận lợi để tội phạm mua bán người hoạt động. Huyện Khánh Vĩnh xem công tác phòng, chống mua bán người là nội dung của chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và được kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện các chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Để phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này; đồng thời, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người và chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 10210/UBND-NC ngày 23/11/2018, ngày 18/12/2018, UBND huyện Khánh Vĩnh ban hành văn bản số 3300/UBND-NC chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Luật Phòng, chống mua bán người. - Trên lĩnh vực kinh tế: Triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đầu tư phát triển kinh tế, chú trọng việc đào tạo nghề nhằm tạo công ăn, việc làm ổn định nâng cao thu nhập, đời sống người dân. - Trên lĩnh vực an ninh trật tự: Củng cố xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Chú trọng phát động các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự như: Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào thi đua yêu nước… nhằm huy động tối đa sức mạnh của quần chúng trong công tác phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm. Tăng cường theo dõi nhân khẩu, hộ khẩu thông qua công tác quản lý cư trú, tăng cường kiểm tra nhân khẩu thường trú, tạm trú, lưu trú, tạm vắng trên địa bàn huyện. - Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội: Tăng cường công tác quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ, nhất là những dịch vụ nhạy cảm dễ bị lợi dụng. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật về phòng, chống mua bán người nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng trong phòng, chống mua bán người; đề cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng, chống mua bán người. Nội dung tư vấn, tuyên truyền gồm: Chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người; thủ đoạn và tác hại của các hành vi quy định tại Điều 3 của Luật Phòng, chống mua bán người; kỹ năng ứng xử trong trường hợp có nghi ngờ về việc mua bán người; biện pháp, kinh nghiệm phòng, chống mua bán người; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người; chống kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân và các nội dung khác có liên quan đến phòng, chống mua bán người.
|
|
|
|
|
|