Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp năm 2019 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Thực hiện Quyết định số 277/QĐ-UBND ngày 25/01/2019 của UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch bổ sung công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2019 trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định lĩnh vực trọng tâm, liên ngành theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2019 là bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trong năm 2019, Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa đã đạt được một số kết quả trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN như sau:
Tính kịp thời, đầy đủ, phù hợp và hiệu quả của hoạt động tập huấn, phổ biến pháp luật
- BHXH tỉnh đã phổ biến, quán triệt trong toàn đơn vị về việc triển khai công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật cho công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị cũng như của các tổ chức, cá nhân ngoài ngành trong việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; kịp thời đăng tải thông tin chế độ, chính sách về BHXH, BHYT, BHTN, quy trình thủ tục hành chính giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai thủ tục hành chính tại trụ sở cơ quan, công khai trên Trang thông tin điện tử BHXH tỉnh, kết nối thông tin với các trang thông tin điện tử của tỉnh; tổ chức đối thoại với hơn 600 lượt đơn vị sử dụng lao động; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị đối thoại, phổ biến chính sách BHXH, BHYT với hơn 100 doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp; phối hợp với Văn phòng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Khánh Hòa tổ chức Hội nghị đối thoại với hơn 300 chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. BHXH các huyện, thị xã, thành phố cũng tổ chức 02 hội nghị đối thoại/năm với gần 3.000 lượt đơn vị sử dụng lao động.
Khó khăn, hạn chế và đề xuất, kiến nghị
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật trong lĩnh vực BHYT, BHXH, BHTN còn chồng chéo, chưa thực sự rõ ràng và còn nhiều bất cập như: Khoản 1 Điều 33 Luật BHXH năm 2014 quy định thời gian nghỉ việc tối đa hưởng chế độ thai sản của lao động nữ theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý là:
“a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
b) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.”
Tuy nhiên, theo phản ánh của các cơ sở khám chữa bệnh, việc xác định tuần tuổi của thai đối với trường hợp chửa ngoài tử cung (phá thai bệnh lý) là khó có thể thực hiện được. Do đó, một số cơ sở khám chữa bệnh không ghi tuần tuổi thai đối với trường hợp này dẫn đến vướng mắc khi giải quyết chế độ thai sản đối với lao động nữ.