29/12/2016 15:19        

Người cao tuổi có bị hạn chế làm việc?



(Câu hỏi của bạn Vũ Thái Lan)
Bố tôi đã nghỉ hưu, tuy tiền lương hưu không nhiều nhưng cũng có chi tiêu, rồi con cháu phụng dưỡng thêm cũng không khó khăn gì, tuy nhiên ông vẫn đi làm thêm. Con cháu không ai đồng ý nhưng ông nhất quyết không nghe. Ông bảo, đi làm kiếm tháng vài triệu nữa tại sao lại không? Tôi muốn biết về phía luật pháp có quy định để hạn chế người lớn tuổi làm việc không. Tôi muốn trang pháp luật có ý kiến thuyết phục để chúng tôi có thể làm thay đổi được ý chí của bố mình?

Tư vấn của luật sư:
Quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp ghi nhận.
Luật Người cao tuổi khuyến khích, tạo điều kiện cho người cao tuổi rèn luyện sức khoẻ; tham gia học tập, hoạt động văn hoá, tinh thần; sống trong môi trường an toàn và được tôn trọng về nhân phẩm; phát huy vai trò người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Luật đã ghi nhận các quyền của người cao tuổi, đó là:
a) Được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ;
b) Quyết định sống chung với con, cháu hoặc sống riêng theo ý muốn;
c) Được ưu tiên khi sử dụng các dịch vụ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hoá, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch và nghỉ ngơi;
đ) Được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khoẻ, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò người cao tuổi;
e) Được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện đóng góp;
g) Được ưu tiên nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu khi gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác;
h) Được tham gia Hội người cao tuổi Việt Nam theo quy định của Điều lệ Hội;
i) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Về lao động của người cao tuổi, Bộ luật lao động quy định người lao động cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian. Đến tuổi nghỉ hưu, khi có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thoả thuận với người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định. Nếu làm việc theo hợp đồng lao động mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi đã thoả thuận theo hợp đồng lao động. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người lao động cao tuổi (trừ trường hợp đặc biệt được Chính phủ quy định). Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khoẻ của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.
Pháp luật nghiêm cấm các hành vi xâm phạm, cản trở người cao tuổi thực hiện các quyền hợp pháp của họ. Tìm kiếm việc làm, làm việc là một quyền của người cao tuổi, vì vậy, việc cản trở nó khi không có lý do xác đáng sẽ là việc không phù hợp với quy định của pháp luật. Con cái có nhiều cách làm để chăm lo cho sức khỏe của cha mẹ, nếu ngăn cản làm việc trong hoàn cảnh, điều kiện không thích hợp thì chẳng những không có lợi, mà có thể còn tác động xấu đến sức khỏe và tinh thần của người cao tuổi.

(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)


 

  • Bao lâu?
    04/05/2024
    Một bà học lái ô tô nhưng rất khó tiếp thu. Một hôm bà hỏi giáo viên: - Tôi phải học bao lâu nữa thì lái được xe?
  • Hay
    04/05/2024
    Bà vợ vừa ra sân chung tập thể dục xong, quay vô bảo với chồng: - Từ nay khỏe rồi ông ơi, ra vô thoải mái mà không sợ giẫm phải “mìn”!
  • Sợ
    04/05/2024
    Hai ông bạn ngồi uống trà đọc báo, bỗng một ông lật đật đứng dậy định rời đi. Ông còn lại ngạc nhiên hỏi: - Đi đâu mà gấp gáp vậy ông?
Số lượt truy cập: 580122