03/02/2017 14:12        

Cần áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc?

Cần áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc?

Nội dung câu hỏi:
(Câu hỏi của bạn Phan Thúy Quỳnh)
Bố tôi đã nhiều lần có hành vi bạo lực gia đình đối với mẹ tôi, chúng tôi đã bằng nhiều cố gắng để can ngăn nhưng không giải quyết được sự việc. Tôi có được nghe Nhà nước có biện pháp để tách ra không cho hai người tiếp xúc nhau. Xin cho biết cụ thể các quy định này?

Tư vấn của luật sư:

Tại Nghị định số 08/2009/NĐ-CP, ngày 04-02-2009 của Chính phủ đã có các quy định về biện pháp cũng như các điều kiện về cấm tiếp xúc trong trường hợp có bạo lực gia đình xẩy ra.
Biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình là việc không cho phép người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện các hành vi như: Đến gần nạn nhân trong khoảng cách dưới 30m, (trừ trường hợp giữa người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân có sự ngăn cách như tường, hàng rào hoặc các vật ngăn cách khác, bảo đảm đủ an toàn cho nạn nhân); sử dụng điện thoại, fax, thư điện tử hoặc các phương tiện thông tin khác để thực hiện hành vi bạo lực với nạn nhân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình là người có thẩm quyền quyết định cấm người gây bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình. Quyết định này được ban hành khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (như cơ quan Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội; cơ quan Công an; cơ quan nơi làm việc của nạn nhân hoặc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội mà nạn nhân là thành viên); trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình;
- Đã có hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình. Hành vi bạo lực gia đình nói ở đây được xác định khi có một trong các căn cứ sau đây: a) Có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc khám và điều trị thương tích do hành vi bạo lực gia đình gây ra; b) Có dấu vết thương tích trên cơ thể nạn nhân có thể nhận thấy rõ bằng mắt thường hoặc có dấu hiệu rõ ràng về hoảng loạn tinh thần của nạn nhân bạo lực gia đình; c) Có chứng cứ chứng minh có sự đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình.
Biện pháp cấm tiếp xúc được áp dụng trong trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc. Nơi ở khác nhau được hiểu gồm nhà của người thân, bạn bè, địa chỉ tin cậy hoặc nơi ở khác mà nạn nhân bạo lực gia đình tự nguyện chuyển đến ở.
Pháp luật cũng quy định, khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc phải ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người tàn tật. Trường hợp đặc biệt, người có hành vi bạo lực gia đình vẫn được tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình sau khi báo cáo với người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của nạn nhân bạo lực gia đình, bao gồm: Gia đình có việc tang lễ, cưới hỏi; gia đình có người bị tai nạn, bị bệnh nặng; tài sản của gia đình bị thiệt hại nặng do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và những trường hợp khác được tiếp xúc theo phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.
Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc có thể bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính trong các trường hợp có đơn đề nghị của nạn nhân bạo lực gia đình; người vi phạm quyết định cấm tiếp xúc đã bị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhắc nhở nhưng vẫn cố tình vi phạm. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục tạm giữ người theo thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)


 

  • Bao lâu?
    04/05/2024
    Một bà học lái ô tô nhưng rất khó tiếp thu. Một hôm bà hỏi giáo viên: - Tôi phải học bao lâu nữa thì lái được xe?
  • Hay
    04/05/2024
    Bà vợ vừa ra sân chung tập thể dục xong, quay vô bảo với chồng: - Từ nay khỏe rồi ông ơi, ra vô thoải mái mà không sợ giẫm phải “mìn”!
  • Sợ
    04/05/2024
    Hai ông bạn ngồi uống trà đọc báo, bỗng một ông lật đật đứng dậy định rời đi. Ông còn lại ngạc nhiên hỏi: - Đi đâu mà gấp gáp vậy ông?
Số lượt truy cập: 578092