Di chúc được chứng thực có giá trị pháp lý?
Nội dung câu hỏi:
(Câu hỏi của bạn Trịnh Thị Huệ)
Cha mẹ chồng tôi có thửa đất trên 1.300m2, trên đó có căn nhà cấp 4, đã được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà. Năm 1992 người cha mất. Năm 2011 bà mẹ lập di chúc để lại toàn bộ nhà đất này cho chồng tôi. Trong di chúc đã nói rõ là các người con (anh chị em của chồng tôi) đều không ai có ý kiến gì phản đối nội dung của di chúc. Bản di chúc đã được Ủy ban nhân dân xã chứng thực. Năm 2013 mẹ chồng tôi qua đời. Năm 2014 chồng tôi chết. Hai năm sau khi chồng tôi mất, tôi đã làm bản phân chia tài sản, giao toàn bộ tài sản nhà đất này cho hai đứa con, là con chung của vợ chồng tôi, bản phân chia tài sản này cũng được Ủy ban nhân dân xã chứng thực. Tuy vậy đến nay việc nhận tài sản thừa kế của con tôi vẫn không thực hiện được. Trên thực tế chỉ có vợ chồng tôi là người trực tiếp và thường xuyên chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, còn các anh chị khác đều ở riêng, không có đóng góp gì. Tôi xin được hướng dẫn các thủ tục để nhận thừa kế trong trường hợp này?
Tư vấn của luật sư:
Theo trình bày của bạn, bản di chúc do bà cụ lập năm 2011 đã được Ủy ban nhân dân xã chứng thực, nên nó phải có hiệu lực. Do tài liệu chúng tôi nhận được trong giới hạn nên cũng chưa khẳng định được điều này. Bạn có nói, trong di chúc của cụ bà thể hiện các người con, là những người thừa kế của cụ ông, không phản đối gì. Tuy nhiên chỉ như thế cũng chưa đủ để khẳng định quyền của bà cụ được định đoạt toàn bộ khối tài sản của vợ chồng. Do tài sản nhà đất này là của chung vợ chồng, nên khi cụ ông mất vào năm 1992 thì tại thời điểm đó đã phát sinh quan hệ thừa kế đối với phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung đó.
Theo Pháp lệnh thừa kế năm 1990, người thừa kế có thể khước từ quyền hưởng di sản, trừ trường hợp việc khước từ đó nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ của bản thân về tài sản. Người thừa kế có thể nhường quyền hưởng di sản cho người thừa kế khác. Thời hạn khước từ quyền hưởng di sản là sáu tháng, kể từ ngày người thừa kế biết thời điểm mở thừa kế. Đồng thời, người khước từ quyền hưởng di sản phải thông báo việc khước từ cho người thừa kế khác, cho Uỷ ban nhân dân hoặc cơ quan công chứng nơi mở thừa kế.
Do vậy, bản di chúc cụ bà lập nếu kèm theo các văn bản khước từ quyền hưởng di sản hoặc nhường quyền hưởng di sản cho người thừa kế khác của các người con của cụ ông (những người thừa kế) được lập hợp pháp thì mới có đủ cơ sở. Nếu chỉ có lời văn ghi trong di chúc rằng các người con của cụ không có tranh chấp thì chưa đủ căn cứ pháp lý. Không đơn thuần bản di chúc được chứng thực là có hiệu lực, vì hiệu lực pháp luật của một bản di chúc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Theo Luật Công chứng, một văn bản công chứng có thể bị vô hiệu nếu việc công chứng có vi phạm pháp luật.
Về bản thỏa thuận phân chia di sản được lập sau khi chồng của bạn chết, trong đó có dẫn ra việc năm 2011 người mẹ lập di chúc để chuyển toàn bộ tài sản cho chồng bạn mà các anh chị em khác không có ý kiến gì, và lấy đó làm căn cứ để chia tài sản cho các cháu, tuy đã được chứng thực nhưng cũng cần phải xem lại trình tự, thủ tục để nhận biết về giá trị pháp lý của nó.
Về việc chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ là quyền và nghĩa vụ của con, đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, già yếu. Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định, gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Do đó, người con không thực hiện nghĩa vụ của mình là có lỗi, truy nhiên việc đó không có ý nghĩa quyết định đến việc thừa kế tài sản.
Với các tài liệu có được, chúng tôi cho rằng trong trường hợp của bạn chưa có đủ căn cứ để làm tiếp các thủ tục nhận tài sản thừa kế đối với hai người con của bạn.
(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)