29/01/2017 04:24        

Có thể yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời?

Có thể yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời?

Nội dung câu hỏi:
(Câu hỏi của bạn Trần Bách)
Trước một quyết định cưỡng chế tôi cho rằng thiếu căn cứ xác đáng, tôi phải khởi kiện vụ án ra tòa. Tôi muốn Tòa án can thiệp để cho dừng việc cưỡng chế lại. Xin cho biết quy định của pháp luật về việc này thế nào. Tôi cũng không hiểu được thật tường tận sự việc, nếu như sau này tôi thua kiện thì có phải chịu trách nhiệm pháp lý thế nào không? 

Tư vấn của luật sư: 
Theo Luật Tố tụng hành chính, trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện của đương sự có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án. Trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó. 
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được Luật quy định gồm: Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; tạm dừng việc thực hiện hành vi hành chính; cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định. 
Như vậy, khi nhận thấy cần thiết, bạn có thể yêu cầu Tòa án thụ lý vụ án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính đối với mình. 
Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có các nội dung chính như: a) Ngày, tháng, năm viết đơn; b) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; d) Tóm tắt nội dung quyết định hành chính bị khởi kiện; đ) Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; e) Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.
Về phạm vi trách nhiệm, đương sự yêu cầu Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Đối với cơ quan Tòa án, nếu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng với yêu cầu của đương sự mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc gây thiệt hại cho người thứ ba thì Tòa án phải bồi thường. Mặt khác, nếu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không có lý do chính đáng, gây thiệt hại cho người có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án phải bồi thường. 
Với tinh thần các điều luật được giới thiệu trên đây, bạn cần cân nhắc kỹ trước khi đặt ra yêu cầu, nhất là đối với những vụ việc mà việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể gây ra thiệt hại. Bạn có thể nhờ luật sư hoặc các cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Trung tâm tư vấn pháp luật để được tư vấn trước khi quyết định.

(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)

 

  • Bao lâu?
    04/05/2024
    Một bà học lái ô tô nhưng rất khó tiếp thu. Một hôm bà hỏi giáo viên: - Tôi phải học bao lâu nữa thì lái được xe?
  • Hay
    04/05/2024
    Bà vợ vừa ra sân chung tập thể dục xong, quay vô bảo với chồng: - Từ nay khỏe rồi ông ơi, ra vô thoải mái mà không sợ giẫm phải “mìn”!
  • Sợ
    04/05/2024
    Hai ông bạn ngồi uống trà đọc báo, bỗng một ông lật đật đứng dậy định rời đi. Ông còn lại ngạc nhiên hỏi: - Đi đâu mà gấp gáp vậy ông?
Số lượt truy cập: 597506