02/01/2017 20:53        

Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

Nội dung câu hỏi
(của bạn Trần Đình Trọng)
Tôi có nghe được thông tin, từ năm 2017 nhà nước có quy định mới về thu phí đối với nước thải. Xin cho biết đối với hộ gia đình thì loại phí này được xác định thế nào, căn cứ vào đâu để thu phí, mức thu đối với vùng nông thôn và thành thị có khác nhau không. Trường hợp ở nông thôn chúng tôi sử dụng nước giếng thì có phải nộp phí này không?

Tư vấn của luật sư:
Ngày 16-11-2016 Chính phủ ban hành Nghị định số 154/2016/NĐ-CP quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, có hiệu lực từ ngày 01-01-2017. 
Theo Nghị định này, đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường là nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Trong đó được xác định nước thải sinh hoạt là nước thải từ: Hộ gia đình; cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân (trừ các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến thuộc các đơn vị vũ trang nhân dân); trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng của các tổ chức, cá nhân không gắn liền với địa điểm sản xuất, chế biến; cơ sở rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy; bệnh viện; phòng khám chữa bệnh; nhà hàng, khách sạn; cơ sở đào tạo, nghiên cứu; cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác; các tổ chức, cá nhân và đối tượng khác có nước thải không được quy định là nước thải công nghiệp. 
Phí bảo vệ môi trường đối với nươc thải công nghiệp do Sở Tài nguyên và Môi trường thu; đối với nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân sử dụng nước sạch do đơn vị cung cấp nước sạch thu; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng.
Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, Chính phủ giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đối với nước thải sinh hoạt thải ra từ các tổ chức, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng (trừ địa bàn được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá và các xã thuộc vùng nông thôn và những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch) thì mức phí được xác định theo từng người sử dụng nước căn cứ vào số lượng nước sử dụng bình quân của một người trong xã, phường, thị trấn nơi khai thác và giá bán 1 m3 nước sạch trung bình tại xã, phường, thị trấn. 
Số phí bảo vệ môi trường phải nộp đối với nước thải sinh hoạt được tính theo công thức:
Số phí phải nộp (đồng) = (bằng) Số lượng nước sạch sử dụng (m3) nhân với giá bán nước sạch (đồng/m3) nhân với mức thu phí.
Trong đó:
- Số lượng nước sạch sử dụng được xác định theo đồng hồ đo lượng nước sạch tiêu thụ của người nộp phí. Trường hợp người nộp phí chưa lắp được đồng hồ đo lượng nước sạch tiêu thụ thì áp dụng theo định mức khoán lượng nước sạch tiêu thụ đối với từng loại đối tượng sử dụng nước sạch do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định phù hợp với từng loại đối tượng sử dụng. Trường hợp tự khai thác nước thì số lượng nước sạch sử dụng được xác định căn cứ vào số người theo sổ hộ khẩu gia đình (đối với gia đình) hoặc bảng chấm công, bảng lương, hợp đồng lao động (đối với tổ chức không sản xuất, chế biến) và lượng nước sạch bình quân theo đầu người trong xã, phường, thị trấn. Đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ tự khai thác nước để sử dụng thì số lượng nước sạch sử dụng được xác định căn cứ vào quy mô hoạt động kinh doanh, dịch vụ do cơ sở tự kê khai và thẩm định của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
- Giá bán nước sạch là giá bán nước của đơn vị cung cấp nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Nghị định của Chính phủ cũng quy định các trường hợp được miễn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, gồm:
1. Nước xả ra từ các nhà máy thủy điện, nước tuần hoàn trong các cơ sở sản xuất, chế biến mà không thải ra môi trường dưới bất kỳ hình thức nào (chất rắn, chất lỏng, chất khí);
2. Nước biển dùng vào sản xuất muối xả ra;
3. Nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá để có giá nước phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội;
4. Nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở các xã thuộc vùng nông thôn và những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch;
5. Nước làm mát thiết bị, máy móc không trực tiếp tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm, có đường thoát riêng;
6. Nước mưa tự nhiên chảy tràn (trừ diện tích thuộc khu vực nhà máy hóa chất);
7. Nước thải từ các phương tiện đánh bắt thủy, hải sản của ngư dân;
8. Nước thải sinh hoạt tập trung do đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thoát nước tiếp nhận và đã xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định xả thải ra môi trường.
(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)
 

  • Mùa nào thức nấy
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm ngồi tám chuyện: - Bước vô mùa nắng nóng là lại gặp mấy chuyện phiền toái, nào là đi hứng từng xô nước; rồi cúp điện, rồi bụi bay mù trời…
  • Bí quyết
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau: - Nhìn chị lúc nào cũng tươi vui. Bí quyết là gì thế?
  • Ý kiến
    06/08/2024
    Nhân viên mới trò chuyện với nhân viên cũ sau cuộc họp: - Sếp mình nói, là mai mốt chúng ta họp nội bộ cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến, không có gì phải ngại hết. Tốt quá anh ha…
Số lượt truy cập: 102728