Cách tính bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần
Nội dung câu hỏi:
(Câu hỏi của bạn Đinh Văn Định)
Tôi bị xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hơn một năm. Thực tế tôi không có hành vi xâm phạm tài sản, sức khỏe của người khác mà là do có người khai báo không chính xác làm oan cho tôi. Sau thời gian khiếu nại, tôi đã được trả tự do. Tuy nhiên trong việc bồi thường thì tôi thấy việc bồi thường tổn thất về tinh thần là không tương xứng. Tôi muốn được biết Nhà nước quy định cụ thể việc bồi thường này thế nào?
Tư vấn của luật sư:
Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần thì được Nhà nước bồi thường trong các trường hợp được Luật quy định. Cụ thể tại Điều 47 của Luật, thiệt hại do tổn thất về tinh thần bao gồm:
1. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong thời gian bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh được xác định là hai ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh.
2. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là ba ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù.
3. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết được xác định là ba trăm sáu mươi tháng lương tối thiểu.
4. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp sức khoẻ bị xâm phạm được xác định căn cứ vào mức độ sức khoẻ bị tổn hại nhưng không quá ba mươi tháng lương tối thiểu.
5. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà không bị tạm giữ, tạm giam được xác định là một ngày lương tối thiểu cho một ngày bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù cho hưởng án treo. Thời gian để tính bồi thường thiệt hại được xác định kể từ ngày có quyết định khởi tố bị can cho đến ngày có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền xác định người đó thuộc trường hợp được bồi thường quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật này.
Ngày 14-12-2015 Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư liên tịch số 18/2015/TTLT-BTP-BTC-TTCP hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính đã xác định: Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong thời gian bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh (quy định tại khoản 1 Điều 47 của Luật) được tính: Một ngày lương cơ sở được xác định bằng việc lấy mức lương cơ sở do Nhà nước quy định áp dụng cho công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường chia cho 22 là số ngày làm việc bình quân của mỗi tháng. Ví dụ, tại thời điểm ban hành Thông tư liên tịch số 18/2015/TTLT-BTP-BTC-TTCP thì mức lương cơ sở chung do Nhà nước quy định là 1.150.000 đồng, do đó một ngày lương cơ sở sẽ là: 1.150.000 đồng : 22 = 52.273 đồng. Số ngày bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh được xác định theo số ngày thực tế mà người được bồi thường bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh.
Do không biết được số ngày bạn bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc nên chúng tôi không đưa ra được con số cụ thể, bạn có thể, từ các quy định nêu trên, căn cứ vào tổng số ngày thực tế bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và cách tính như trên để biết được số tiền được bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần của mình.
(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)