Những ai được thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở?
Nội dung câu hỏi:
(Câu hỏi của bạn Hoàng Vĩnh Thái)
Tôi được biết ở cơ sở xã, phường có hoạt động hoà giải, tham gia vào việc giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư và các hộ gia đình. Chúng tôi đang hoạt động trong một tổ chức xã hội, có mối quan hệ gắn bó với địa phương ở cơ sở, muốn tham gia vào hoạt động hoà giải vì lợi ích của cộng đồng và cũng để tạo điều kiện phát huy vai trò của hội mình thì có được không và cần thủ tục thế nào?
Tư vấn của luật sư:
Theo Luật Hoà giải ở cơ sở được Quốc hội thông qua năm 2013, hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật. Với khái niệm được nêu cho thấy, hoà giải ở cơ sở là công việc được giao cho người là hoà giải viên trực tiếp thực hiện.
Để trở thành hoà giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân, có hiểu biết pháp luật và được bầu, công nhận là hoà giải viên.
Người có các tiêu chuẩn nêu trên có quyền ứng cử hoặc được Ban công tác Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận giới thiệu vào danh sách bầu hòa giải viên. Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổ chức bầu hòa giải viên ở thôn, tổ dân phố bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín tại cuộc họp đại diện các hộ gia đình hoặc phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình.
Người được đề nghị công nhận là hòa giải viên phải đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý. Trường hợp số người đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý nhiều hơn số lượng hòa giải viên được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định theo quy định thì danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên lấy theo kết quả bỏ phiếu từ cao xuống thấp. Trên cơ sở đề nghị của Ban công tác Mặt trận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận hòa giải viên. Quyết định công nhận hòa giải viên được gửi cho Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, hòa giải viên và thông báo công khai ở thôn, tổ dân phố. Hòa giải viên là người được quyền thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Về mặt tổ chức, tổ hòa giải có tổ trưởng và các hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ. Đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải phải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định số lượng tổ hòa giải, hòa giải viên trong một tổ hòa giải căn cứ vào đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, dân số của địa phương và đề nghị của Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã. Hằng năm, Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì phối hợp với tổ trưởng tổ hòa giải tiến hành rà soát, đánh giá về tổ chức, hoạt động của tổ hòa giải và kiến nghị Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã để đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã kiện toàn tổ hòa giải.
Việc hòa giải được tiến hành trực tiếp, bằng lời nói với sự có mặt của các bên. Trong trường hợp các bên có người khuyết tật thì có sự hỗ trợ phù hợp để có thể tham gia hòa giải. Hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai theo ý kiến thống nhất của các bên. Tùy thuộc vào vụ, việc cụ thể, trên cơ sở quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân, hòa giải viên áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm giúp các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ, việc để các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở. Trường hợp các bên đồng ý thì lập văn bản hòa giải thành theo quy định.
Với một số quy định của pháp luật được trích dẫn nêu ra trên đây cho thấy tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở được thực hiện trong một trình tự, thủ tục chặt chẽ. Đồng nghĩa với việc, không phải bất cứ ai, tổ chức nào cũng có thể thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở khi không được pháp luật quy định.
Luật Hòa giải ở cơ sở cũng có quy định đối tượng được mời tham gia hòa giải, cụ thể: Trong quá trình hòa giải, nếu thấy cần thiết, hòa giải viên và một trong các bên khi được sự đồng ý của bên kia có thể mời người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng , chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc; đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác tham gia hòa giải. Người được mời tham gia hòa giải phải tuân thủ các nguyên tắc hoạt động hòa giải ở cơ sở. Cơ quan, tổ chức có người được mời tham gia hòa giải có trách nhiệm tạo điều kiện để họ tham gia hòa giải.
(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)