02/12/2016 12:53        

Không thừa nhận là con chung?

Không thừa nhận là con chung?

Nội dung câu hỏi:
(Câu hỏi của bạn Huyền My)
Chung sống với nhau đã hơn 7 năm, do phát sinh nhiều bất đồng không thể dung hòa được, mặc dù bản thân tôi đã rất cố gắng, các đoàn thể phụ nữ, mặt trận cũng giúp sức nhưng rồi cuộc ly hôn vẫn xẩy ra. Tại thời điểm đăng ký kết hôn chúng tôi đã có một con chung 2 tuổi. Nay ra tòa, chồng tôi không nhận cấp dưỡng nuôi con, anh ấy cho rằng cháu là con riêng của tôi. Tôi cần làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của con mình?

Tư vấn của luật sư: 
Liên hệ đến một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình được Quốc hội thông qua ngày 19-6-2014 để lý giải vấn đề bạn đặt ra như sau:
Việc xác định cha, mẹ được Luật ghi nhận: Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định. 
Việc xác định con được quy định: Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình. Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình. 
Về thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con, trong trường hợp không có tranh chấp thuộc về cơ quan đăng ký hộ tịch; trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu, hoặc người có yêu cầu xác định cha, mẹ, con đã chết thuộc về Tòa án. 
Sau khi ly hôn, cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ như tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi; cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con; người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Trong trường hợp cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó. 
Các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình đã chỉ rõ các quyền cũng như nghĩa vụ của người là cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, trong đó có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Trong trường hợp của bạn, nếu người chồng không thừa nhận đứa con là con chung và chối bỏ trách nhiệm cấp dưỡng thì anh ấy phải có chứng cứ chứng minh và việc đó phải được thừa nhận bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân. 
Bạn nắm vững quy định của một số điều luật nêu trên và các quy định có liên quan của Luật Hôn nhân và gia đình để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con mình.

(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)

 

  • Mùa nào thức nấy
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm ngồi tám chuyện: - Bước vô mùa nắng nóng là lại gặp mấy chuyện phiền toái, nào là đi hứng từng xô nước; rồi cúp điện, rồi bụi bay mù trời…
  • Bí quyết
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau: - Nhìn chị lúc nào cũng tươi vui. Bí quyết là gì thế?
  • Ý kiến
    06/08/2024
    Nhân viên mới trò chuyện với nhân viên cũ sau cuộc họp: - Sếp mình nói, là mai mốt chúng ta họp nội bộ cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến, không có gì phải ngại hết. Tốt quá anh ha…
Số lượt truy cập: 103541