Chế độ khám bệnh nghề nghiệp
Nội dung câu hỏi:
(Câu hỏi của bạn Trần Đức Hạnh)
Tôi có thời gian gần 5 năm làm việc cho công ty khai thác đá, sau đó do sức khỏe không đảm bảo nên tôi chuyển khỏi công ty để đi làm công việc khác. Thời gian gần đây tôi thấy đôi lúc bị ho thì có hiện tượng tức ngực, khó thở, tôi nghi ngờ mình bị ảnh hưởng do môi trường làm việc tiếp xúc với bụi đá trước đây. Tôi muốn được kiểm tra sức khỏe trong trường hợp này thì được giải quyết chế độ thế nào?
Tư vấn của luật sư:
Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét, giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ.
Ngày 15-5-2016 Chính phủ có Nghị định số 37/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc đã quy định về việc giám định cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp, theo đó, người lao động đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp do yếu tố tác hại của nghề cũ gây nên trong khoảng thời gian bảo đảm kể từ ngày nghỉ hưu, chuyển việc khác hoặc thôi việc thì được chủ động đi khám phát hiện và giám định mức suy giảm khả năng lao động do mắc bệnh nghề nghiệp. Người bị bệnh nghề nghiệp được Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hỗ trợ kinh phí khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.
Điều kiện hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp và mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp được Chính phủ quy định, tùy thuộc vào thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đối với đối tượng người lao động đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thì khi đi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp phải còn trong thời gian bảo đảm bệnh nghề nghiệp theo quy định. Thời gian bảo đảm nói ở đây là khoảng thời gian kể từ khi người lao động đã thôi tiếp xúc với yếu tố có hại đến thời điểm vẫn còn khả năng phát bệnh do yếu tố có hại đó. Tùy từng loại bệnh, có thời gian bảo đảm khác nhau, đối với bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp thời gian bảo đảm được Bộ Y tế quy định tại Thông tư 15/2016/TT-BYT trong trường hợp cấp tính là 1 năm, mạn tính là 35 năm.
Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám bệnh nghề nghiệp sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 1/3 mức lương cơ sở/người/lần khám. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần. Người lao động có thời gian làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp đã nghỉ hưu, thôi việc hoặc chuyển sang đơn vị khác được Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả 100% mức chi khám bệnh nghề nghiệp.
(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)