06/10/2016 16:37        

Bị tai nạn khi vào chợ, có được hưởng chế độ tai nạn lao động?

Bị tai nạn khi vào chợ, có được hưởng chế độ tai nạn lao động?

* Nội dung câu hỏi:
(Câu hỏi của bạn Thúy Vân)
Trên đường đi làm từ công ty về nhà, tôi ghé qua chợ để mua thực phẩm, do trời mưa, đường trơn, không may bị té ngã, chân trái bị bong gân và dập gãy ngón cái. Tôi phải vô bệnh viện, bác sĩ cho chụp phim, bó thuốc, và phải nằm lại điều trị do không đi lại được. Xin hỏi trong trường hợp của tôi thì có được hưởng chế độ tai nạn lao động không?


* Ý kiến tư vấn của luật sư:
Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động (hiệu lực từ ngày 01-7-2016), người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên và thuộc một trong các trường hợp:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
Trong trường hợp bị tai nạn do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động; do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật thì người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả.
Với trường hợp bị tai nạn trên đường đi, là đi từ nhà (nơi ở) đến nơi làm việc, hoặc từ nơi làm việc về nơi ở, điều luật đã chỉ rõ là phải đi trên “tuyến đường hợp lý” và “trong khoảng thời gian hợp lý”. Trường hợp của bạn, bạn bị tai nạn khi (hoặc trên đoạn đường) tới chợ mua hàng cho gia đình mình, về mặt thời gian, được thể hiện là nằm trong khoảng thời gian hợp lý (là thời gian người lao động đi từ nơi làm việc về nơi ở với phương tiện và trong điều kiện bình thường), nhưng về đường đi, do có việc “ghé qua chợ” như bạn nói nên chưa thể khẳng định được. Xét trên nguyên tắc thì lúc bị tai nạn bạn đang thực hiện công việc riêng của mình, lúc này không còn là “trên đường đi làm” nữa. Tuy nhiên, có thể phần nào đó còn phụ thuộc vào vị trí của chợ, là chợ nằm cạnh đường đi có thể được đánh giá khác so với chợ cách tuyến đường này một vài cây số … 
Pháp luật cũng có các quy định về điều tra vụ tai nạn lao động, theo đó, khi có tai nạn lao động xẩy ra, các Đoàn điều tra tai nạn lao động (cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp trung ương) được thành lập để thực hiện nhiệm vụ điều tra, kết luận về vụ tai nạn. Với trường hợp tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cung cấp cho Đoàn điều tra một trong các giấy tờ sau đây:
a) Biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn;
b) Biên bản điều tra tai nạn giao thông;
c) Trường hợp không có hai loại giấy tờ nêu trên thì phải có văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra tai nạn theo đề nghị của người lao động hoặc thân nhân của người lao động.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn cần khai báo rõ vụ việc với lãnh đạo công ty nơi bạn làm việc để được xem xét giải quyết.

(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)

 

  • Bao lâu?
    04/05/2024
    Một bà học lái ô tô nhưng rất khó tiếp thu. Một hôm bà hỏi giáo viên: - Tôi phải học bao lâu nữa thì lái được xe?
  • Hay
    04/05/2024
    Bà vợ vừa ra sân chung tập thể dục xong, quay vô bảo với chồng: - Từ nay khỏe rồi ông ơi, ra vô thoải mái mà không sợ giẫm phải “mìn”!
  • Sợ
    04/05/2024
    Hai ông bạn ngồi uống trà đọc báo, bỗng một ông lật đật đứng dậy định rời đi. Ông còn lại ngạc nhiên hỏi: - Đi đâu mà gấp gáp vậy ông?
Số lượt truy cập: 582127