Nghĩa trang tư nhân được quản lý thế nào?
Nội dung câu hỏi:
(Câu hỏi của bạn Huỳnh Quang)
Những năm gần đây có một số nghĩa trang do các công ty tư nhân xây dựng, thường có vị trí tương đối thuận lợi, được sắp xếp trật tự, quy cũ, khang trang, các dịch vụ khá hoàn hảo nên nhiều người dễ chấp nhận. Tuy nhiên, do là của tư nhân lập ra nên cũng có số người phân vân về quy hoạch, về tính ổn định lâu dài của nó. Xin cho biết về phía Nhà nước đã có những tác động quản lý đối với các đối tượng này thế nào?
Tư vấn của luật sư:
Tại Nghị định số 23/2016/NĐ-CP về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng của Chính phủ đã thể hiện một số nội dung quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này như:
1. Nghĩa trang phải được xây dựng theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh, quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Các nghĩa trang đang hoạt động hoặc đã đóng cửa phải được định kỳ chăm sóc, bảo quản, gìn giữ phần mộ, tro cốt tại các nhà lưu giữ, duy tu bảo dưỡng các công trình trong nghĩa trang; bảo đảm các quy định về vệ sinh môi trường trong nghĩa trang.
3. Khoảng cách an toàn môi trường từ hàng rào nghĩa trang tới khu dân cư, công trình công cộng phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng.
4. Về quản lý sử dụng đất nghĩa trang:
a) Việc quản lý sử dụng đất trong nghĩa trang phải tuân thủ theo quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy định hiện hành khác, đảm bảo sử dụng đất mai táng đúng mục đích;
b) Diện tích đất tối đa sử dụng cho phần mộ cá nhân (không bao gồm diện tích đất giao thông giữa các lô mộ, hàng mộ) phải tuân thủ theo quy định (diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 05 m2, mỗi phần mộ cát táng tối đa không quá 03 m2).
c) Đối với nghĩa trang được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tỷ lệ đất mai táng đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang được cấp có thẩm quyền phê duyệt và hình thức quản lý quỹ đất này để phục vụ cho các đối tượng chính sách xã hội khi chết trên địa bàn, phù hợp với điều kiện của địa phương và quy mô, phạm vi phục vụ của dự án đầu tư xây dựng nghĩa trang;
d) Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng cho phần mộ cá nhân (chuyển nhượng quyền sử dụng phần mộ cá nhân) trong nghĩa trang đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước được thực hiện thông qua hợp đồng được ký kết giữa đại diện chủ đầu tư và người sử dụng dịch vụ. Hợp đồng có thể được lập riêng hoặc chung với hợp đồng dịch vụ nghĩa trang. Người sử dụng dịch vụ đã ký hợp đồng nhưng có nhu cầu cho, tặng, chuyển nhượng hợp đồng cho người khác sử dụng thì phải lập lại hợp đồng ký giữa chủ đầu tư và người nhận cho, tặng, chuyển nhượng tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy, tất cả các nghĩa trang cũng như cơ sở hỏa táng đều được quy hoạch. Việc quy hoạch và đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng tuân thủ pháp luật về quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, tuân thủ các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng theo quy định của pháp luật.
Tại địa phương tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa có quyết định số 11/2013/QĐ-UBND ban hành quy định về phân cấp và quản lý nghĩa trang, trong đó đòi hỏi các đơn vị quản lý, khai thác và sử dụng nghĩa trang có trách nhiệm lập Quy chế quản lý nghĩa trang đối với các nghĩa trang do mình quản lý. Các nghĩa trang được xây dựng mới, Quy chế quản lý nghĩa trang phải được lập và phê duyệt trước khi nghĩa trang đi vào hoạt động; các nghĩa trang hiện có nếu chưa có Quy chế quản lý nghĩa trang thì tiến hành lập và trình phê duyệt. Về giá dịch vụ nghĩa trang do nhà đầu tư tự quyết định trên cơ sở phương án khai thác, kinh doanh được Sở Tài chính thẩm định và Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)