Trách nhiệm trong việc thả chó chạy rông ngoài đường
Nội dung câu hỏi:
(Của các bạn Trần Việt và Vũ Đức Hải)
Chúng tôi thường xuyên tập thể dục buổi sáng tại khu vực bờ biển, quảng trường 2/4, thấy có hiện tượng một số người dắt chó, thả chó chạy rông trên quảng trường, trên bãi biển, cả trên đường phố nhiều lúc cũng thấy chó thả rông. Nhiều người bất bình, nhưng cũng có người cho rằng việc dắt chó đi dạo cũng là việc bình thường. Đề nghị cho biết pháp luật cho phép thế nào hay có quy định ràng buộc gì về việc này không?
Tư vấn của luật sư:
Ngày 31-5-2016 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn đã đặt ra yêu cầu đối với chủ nuôi chó, mèo như sau:
a) Phải đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư;
b) Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt;
c) Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh;
d) Chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định;
đ) Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
Thông tư của Bộ cũng đã đề ra nhiệm vụ quản lý cho Ủy ban nhân dân cấp xã, trong đó có một số việc như:
- Lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn và tổ chức tiêm phòng;
- Quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận.
Một số quy định khác của pháp luật đặt ra chế tài cụ thể để xử lý. Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông có thể bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng. Bộ luật dân sự quy định, trong trường hợp súc vật gây thiệt hại cho người khác thì chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại.
(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)