11/11/2016 07:50        

Chia di sản xong mới tìm thấy di chúc?

Chia di sản xong mới tìm thấy di chúc?

Nội dung câu hỏi:
(Câu hỏi của bạn Hoàng Thị Xuân Lan)
Sau khi cha mẹ tôi mất được ba năm thì bốn anh em chúng tôi và một người cháu đã thỏa thuận với nhau phân chia khối di sản ông bà để lại gồm một căn nhà, hai lô đất và một số tiền trong sổ tiết kiệm, theo cách thức chia đều số tiền và giá trị nhà đất. Hơn một năm sau đó chúng tôi phát hiện ông có bản di chúc để lại liên quan đến các tài sản trên và nội dung di chúc khác với việc chia đều tài sản mà chúng tôi đã thực hiện. Xin hỏi trong trường hợp này sẽ được giải quyết thế nào?

Tư vấn của luật sư: 
Các quy định về thừa kế được ghi nhận tại Bộ luật dân sự cho thấy, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Ý chí này thể hiện quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu của mình, nên nó được tôn trọng. 
Tại Điều 666 về di chúc bị thất lạc, bị hư hại quy định: Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật. Trong trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc. 
Bộ luật dân sự cũng có quy định trường hợp di sản đã được chia mà sau đó phát sinh yếu tố buộc phải xử lý. Tại Điều 687 về phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế: Trong trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Trong trường hợp đã phân chia di sản mà có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì người đó phải trả lại di sản hoặc thanh toán một khoản tiền tương đương với giá trị di sản được hưởng tại thời điểm chia thừa kế cho những người thừa kế, trừ trường hợp có thoả thuận khác. 
Các quy định đó cho thấy quyền hưởng thừa kế của người thừa kế được tôn trọng, bảo vệ. Như vậy xét trong trường hợp của bạn, về nguyên tắc, tuy di sản đã chia hết nhưng khi tìm thấy di chúc thì người được hưởng di sản theo di chúc vẫn có quyền được nhận đủ phần tài sản mà di chúc định đoạt cho họ. Tuy nhên, pháp luật về thừa kế hiện hành chỉ quy định trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc, không có quy định cho trường hợp sau khi di sản được chia mà tìm thấy di chúc. Pháp luật cũng quy định, khi có tranh chấp về thừa kế và có yêu cầu sẽ được Tòa án xem xét giải quyết. 
Bộ luật dân sự năm 2015 đã hoàn thiện điều luật, bổ sung quy định vào Điều 642: “Trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu”. (Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01-01-2017, và theo Bộ luật này, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế).
(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)

 

  • Mùa nào thức nấy
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm ngồi tám chuyện: - Bước vô mùa nắng nóng là lại gặp mấy chuyện phiền toái, nào là đi hứng từng xô nước; rồi cúp điện, rồi bụi bay mù trời…
  • Bí quyết
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau: - Nhìn chị lúc nào cũng tươi vui. Bí quyết là gì thế?
  • Ý kiến
    06/08/2024
    Nhân viên mới trò chuyện với nhân viên cũ sau cuộc họp: - Sếp mình nói, là mai mốt chúng ta họp nội bộ cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến, không có gì phải ngại hết. Tốt quá anh ha…
Số lượt truy cập: 104452