22/10/2016 14:24        

Chế độ đối với thương binh đồng thời là bệnh binh

Chế độ đối với thương binh đồng thời là bệnh binh

Nội dung câu hỏi:
(Câu hỏi của bạn Bùi Vân Thanh)
Vết thương cũ của tôi tái phát, tôi có thể xin giám định lại thương tật được không, quy định của nhà nước về việc giám định lại thương tật thế nào? Trong trường hợp người hưởng chính sách thương binh nhưng đồng thời là bệnh binh thì chế độ được hưởng được tính toán ra sao?

Tư vấn của luật sư: 
Việc giám định lại thương tật được quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ, và Thông tư liên tịch số 45/2014/TTLT-BYT-BLĐTBXH, có các nội dung như sau:
1. Người bị thương được kết luận thương tật tạm thời thì sau ba năm được khám giám định lại để xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể vĩnh viễn.
2. Người bị thương đã giám định thương tật mà bị thương tiếp thì được giám định bổ sung và tổng hợp tỷ lệ suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ ưu đãi. 
3. Người bị thương đã giám định thương tật nhưng còn sót vết thương chưa giám định thì được giám định bổ sung và tổng hợp tỷ lệ suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ ưu đãi.
4. Thương binh đã giám định có vết thương sau đây tái phát thì được giám định lại vết thương tái phát đó:
a) Vết thương sọ não bị khuyết xương sọ hoặc còn mảnh kim khí trong sọ gây biến chứng dẫn đến rối loạn tâm thần hoặc liệt;
b) Vết thương thấu phổi gây biến chứng dày dính màng phổi hoặc xẹp phổi dẫn đến phải cắt phổi hoặc thùy phổi;
c) Vết thương ở tim dẫn đến phải phẫu thuật;
d) Vết thương ổ bụng: Dạ dày hoặc ruột gây biến chứng ở dạ dày hoặc dính tắc ruột phải phẫu thuật;
đ) Vết thương ở gan; mật, lách; tụy hoặc thận gây biến chứng phải phẫu thuật;
e) Vết thương ở cột sống biến chứng gây liệt hoặc rối loạn cơ tròn đại tiểu tiện không tự chủ;
g) Các vết thương ở tay hoặc ở chân tái phát phải phẫu thuật cắt đoạn chi;
h) Vết thương ở mắt tái phát dẫn đến mù mắt; vết thương ở tai gây mất hoàn toàn sức nghe hai tai.
Không giám định lại với trường hợp thương binh đã được giám định do vết thương cũ tái phát; thương binh loại B.
Bạn có thể đối chiếu quy định nêu trên để biết mình thuộc trường hợp giám định lại hay không.
Về câu hỏi chế độ của thương binh đồng thời là bệnh binh, Nghị định của Chính phủ nói rõ:
a) Trường hợp đã giám định tách riêng tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật thì được hưởng đồng thời trợ cấp thương binh và trợ cấp bệnh binh. Thời điểm hưởng thêm một chế độ trợ cấp được tính từ ngày Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định trợ cấp. 
b) Trường hợp đã giám định gộp tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật:
Được hưởng đồng thời trợ cấp thương binh và trợ cấp bệnh binh nếu có thời gian công tác liên tục trong quân đội, công an từ đủ 15 năm trở lên hoặc chưa đủ 15 năm công tác liên tục trong quân đội, công an nhưng cộng thời gian công tác thực tế trước đó có đủ 20 năm trở lên.
Được hưởng đồng thời trợ cấp thương binh và trợ cấp bệnh binh nếu sau khi đã trừ tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật mà tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật còn từ 41% trở lên, mức trợ cấp được hưởng theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động đã trừ.
Được chọn hưởng một trong hai chế độ trợ cấp nếu sau khi đã trừ tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật mà tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật còn dưới 41%.
Thời điểm hưởng thêm một chế độ trợ cấp được tính từ ngày Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định trợ cấp.

Luật sư Nguyễn Thiện Hùng

 

  • Bao lâu?
    04/05/2024
    Một bà học lái ô tô nhưng rất khó tiếp thu. Một hôm bà hỏi giáo viên: - Tôi phải học bao lâu nữa thì lái được xe?
  • Hay
    04/05/2024
    Bà vợ vừa ra sân chung tập thể dục xong, quay vô bảo với chồng: - Từ nay khỏe rồi ông ơi, ra vô thoải mái mà không sợ giẫm phải “mìn”!
  • Sợ
    04/05/2024
    Hai ông bạn ngồi uống trà đọc báo, bỗng một ông lật đật đứng dậy định rời đi. Ông còn lại ngạc nhiên hỏi: - Đi đâu mà gấp gáp vậy ông?
Số lượt truy cập: 580364