Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không còn thông tư liên tịch giữa các bộ
Nội dung câu hỏi:
(Câu hỏi của bạn Hoàng Tú)
Một lần dự nghe cán bộ tư pháp tỉnh về giới thiệu luật, cho thấy quy định mới của pháp luật thì giữa các bộ không còn loại văn bản quy phạm pháp luật là thông tư liên tịch. Trên thực tế loại văn bản này khá nhiều, vẫn đang hiệu lực, vậy đến khi nào thì chấm dứt hiệu lực của nó?
Tư vấn của luật sư:
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội thông qua ngày 22-6-2015, có hiệu lực từ ngày 01-7-2016 đã có một số quy định khác so với trước đây về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành gồm:
1. Hiến pháp.
2. Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội.
3. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
4. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
5. Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
7. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
8. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
9. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
10. Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
11. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
13. Quyết định của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn.
15. Quyết định của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Như vậy, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã không còn loại văn bản là thông tư liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và chỉ thị của Ủy ban nhân dân các cấp. Tuy nhiên, Quốc hội cũng đã có quy định trong Luật này, thông tư liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chỉ thị của Ủy ban nhân dân các cấp là văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thì tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản bãi bỏ hoặc bị thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác.
(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)