24/09/2016 21:45        

Giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự

Giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự

* Nội dung câu hỏi:
(Của bạn Phan Thị Bích Thủy)
Anh tôi bị tai biến, điều trị tại bệnh viện gần hai tháng, nay đã về nhà nhưng vẫn trong tình trạng không nhận thức, phân biệt được rõ ràng điều gì cả. Anh có số tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng, chị dâu tôi muốn rút ra để tiếp tục chữa bệnh cho anh nhưng ngân hàng không cho. Khi biết anh tôi trong tình trạng bị bệnh, họ nói phải có người giám hộ của anh thì mới rút tiền được. Xin cho biết quy định của pháp luật về việc giám hộ và thủ tục để thực hiện giám hộ?

* Ý kiến tư vấn của luật sư:
Theo Bộ luật dân sự, giám hộ là việc cá nhân, tổ chức (gọi chung là người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (gọi chung là người được giám hộ). 
Người được giám hộ bao gồm:
a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu;
b) Người mất năng lực hành vi dân sự. 
Về người giám hộ, pháp luật đặt ra hai trường hợp, là giám hộ đương nhiên và giám hộ do được cử. Việc cử người giám hộ chỉ đặt ra trong trường hợp không có người giám hộ đương nhiên.
Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định: 
1. Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
2. Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ.
3. Trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Cá nhân làm người giám hộ phải có đủ các điều kiện: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác; có điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ. 
Theo Luật Hộ tịch, người làm giám hộ đương nhiên phải đăng ký tại UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ hoặc nơi cư trú của mình. Người yêu cầu đăng ký nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên theo quy định của Bộ luật dân sự (như đã nêu trên) cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp có nhiều người cùng đủ điều kiện làm giám hộ đương nhiên thì nộp thêm văn bản thỏa thuận về việc cử một người làm giám hộ đương nhiên.

(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)
 

  • Mùa nào thức nấy
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm ngồi tám chuyện: - Bước vô mùa nắng nóng là lại gặp mấy chuyện phiền toái, nào là đi hứng từng xô nước; rồi cúp điện, rồi bụi bay mù trời…
  • Bí quyết
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau: - Nhìn chị lúc nào cũng tươi vui. Bí quyết là gì thế?
  • Ý kiến
    06/08/2024
    Nhân viên mới trò chuyện với nhân viên cũ sau cuộc họp: - Sếp mình nói, là mai mốt chúng ta họp nội bộ cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến, không có gì phải ngại hết. Tốt quá anh ha…
Số lượt truy cập: 1645377