20/09/2016 15:51        

Trách nhiệm bảo hành hàng hóa

Trách nhiệm bảo hành hàng hóa

* Nội dung câu hỏi:
(Của bạn Võ Thành Kiên)
Quá trình tìm hiểu để mua hàng tôi được người bán giới thiệu rất kỹ về tính năng, tác dụng, xuất xứ và chất lượng của sản phẩm cùng với chế độ bảo hành rất chu đáo. Thế nhưng sau khoảng một phần ba thời hạn bảo hành thì sản phẩm đã có sự cố, hoạt động không bình thường, bên bán hàng có đến xem và sửa nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện bao nhiêu, có vẻ như họ làm không như họ nói. Tôi muốn được hỏi xem luật pháp quy định về chế độ bảo hành hàng hóa thế nào và trách nhiệm của bên bán hàng đến đâu?


* Tư vấn của luật sư:
Theo quy định của Bộ luật dân sự, trong thời hạn bảo hành nếu bên mua phát hiện được khuyết tật của vật mua bán thì có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa không phải trả tiền, giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền. Về trách nhiệm sửa chữa, bên bán phải sửa chữa vật và bảo đảm vật có đủ các tiêu chuẩn chất lượng hoặc có đủ các đặc tính đã cam kết đồng thời chịu chi phí về sửa chữa và vận chuyển vật đến nơi sửa chữa và từ nơi sửa chữa đến nơi cư trú hoặc trụ sở của bên mua. Bên mua có quyền yêu cầu bên bán hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn do các bên thoả thuận hoặc trong một thời gian hợp lý; nếu bên bán không thể sửa chữa được hoặc không thể hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn đó thì bên mua có quyền yêu cầu giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền. Ngoài việc yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo hành, bên mua có quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do khuyết tật về kỹ thuật của vật gây ra trong thời hạn bảo hành.
Vi phạm về trách nhiệm bảo hành hàng hóa sẽ bị xử phạt theo hành vi vi phạm và giá trị của hàng hóa bảo hành. Cụ thể, theo Điều 75 của Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Nghị định 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ, thương nhân kinh doanh hàng hóa bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng khi có một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa bảo hành có giá trị dưới 20 triệu đồng:
a) Không cung cấp cho người tiêu dùng Giấy tiếp nhận bảo hành trong đó ghi rõ thời gian thực hiện bảo hành; 
b) Không cung cấp cho người tiêu dùng hàng hóa, linh kiện, phụ kiện tương tự để sử dụng tạm thời hoặc không có hình thức giải quyết khác được người tiêu dùng chấp nhận trong thời gian thực hiện bảo hành;
c) Không đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mới tương tự hoặc thu hồi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện và trả lại tiền cho người tiêu dùng trong trường hợp hết thời gian thực hiện bảo hành mà không sửa chữa được hoặc không khắc phục được lỗi;
d) Không đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mới tương tự hoặc thu hồi hàng hóa và trả lại tiền cho người tiêu dùng trong trường hợp đã thực hiện bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện từ 03 lần trở lên trong thời hạn bảo hành mà vẫn không khắc phục được lỗi;
đ) Không trả chi phí sửa chữa, vận chuyển hàng hóa, linh kiện, phụ kiện đến nơi bảo hành và từ nơi bảo hành đến nơi cư trú của người tiêu dùng;
e) Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện đã cam kết với người tiêu dùng; 
g) Từ chối trách nhiệm về việc bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện cho người tiêu dùng trong trường hợp đã ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc bảo hành.
Mức tiền phạt tăng theo mức tăng của giá trị hàng hóa. Với các hành vi vi phạm nói trên, mà hàng hóa, linh kiện, phụ kiện liên quan có giá trị từ 2 tỷ đồng trở lên thì có thể bị phạt đến 100 triệu đồng.

(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)
 

  • Bao lâu?
    04/05/2024
    Một bà học lái ô tô nhưng rất khó tiếp thu. Một hôm bà hỏi giáo viên: - Tôi phải học bao lâu nữa thì lái được xe?
  • Hay
    04/05/2024
    Bà vợ vừa ra sân chung tập thể dục xong, quay vô bảo với chồng: - Từ nay khỏe rồi ông ơi, ra vô thoải mái mà không sợ giẫm phải “mìn”!
  • Sợ
    04/05/2024
    Hai ông bạn ngồi uống trà đọc báo, bỗng một ông lật đật đứng dậy định rời đi. Ông còn lại ngạc nhiên hỏi: - Đi đâu mà gấp gáp vậy ông?
Số lượt truy cập: 576969