19/09/2016 16:28        

Xác minh điều kiện thi hành án

Xác minh điều kiện thi hành án

* Nội dung câu hỏi:
(Câu hỏi của bạn Vũ Thị Thành)
Theo bản án của Tòa án nhân dân thành phố, bà Vũ Hồng phải thanh toán cho tôi số tiền 250 triệu đồng, là giá trị phần tài sản của tôi mà bà ấy nhận đã được Tòa án và các cơ quan chức năng định giá. Tuy nhiên đã gần 1 năm từ khi bản án của Tòa án có hiệu lực, bà ấy không chịu trả tiền, khi thì nói mức đó quá cao, khi lại nói không có tài sản. Tôi cũng không có điều kiện để xác minh xem bà có tài sản hay không. Xin hỏi phải làm thế nào để lấy được tiền?

* Ý kiến tư vấn của luật sư:
Bà Hồng đưa ra lý do phần tài sản bà ấy nhận được định giá cao để không thi hành án là không đúng, vì bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, buộc các bên phải chấp hành. Pháp luật đòi hỏi mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án. 
Về việc xác minh tài sản thi hành án, Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội thông qua năm 2008 quy định, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Tuy nhiên Luật sửa đổi bổ sung năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 01-7-2015) đã giao nhiệm vụ xác minh điều kiện thi hành án cho Chấp hành viên. Cụ thể, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay. 
Khi tiến hành xác minh, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án. Nội dung kê khai phải nêu rõ loại, số lượng tiền, tài sản hoặc quyền tài sản; tiền mặt, tiền trong tài khoản, tiền đang cho vay, mượn; giá trị ước tính và tình trạng của từng loại tài sản; mức thu nhập định kỳ, không định kỳ, nơi trả thu nhập; địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng; khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
Chấp hành viên phải nêu rõ trong biên bản xác minh điều kiện thi hành án về việc đương sự kê khai hoặc không kê khai tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án không kê khai hoặc phát hiện việc kê khai không trung thực thì tùy theo mức độ vi phạm, Chấp hành viên có thể xử phạt hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Người được thi hành án cũng có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án và cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp Chấp hành viên thấy cần thiết hoặc kết quả xác minh của Chấp hành viên và người được thi hành án khác nhau hoặc có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thì phải xác minh lại. Việc xác minh lại được tiến hành trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân. 
Để được thi hành án, bạn cần làm đơn yêu cầu gửi đến cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án đó. 

(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)
 

  • Bao lâu?
    04/05/2024
    Một bà học lái ô tô nhưng rất khó tiếp thu. Một hôm bà hỏi giáo viên: - Tôi phải học bao lâu nữa thì lái được xe?
  • Hay
    04/05/2024
    Bà vợ vừa ra sân chung tập thể dục xong, quay vô bảo với chồng: - Từ nay khỏe rồi ông ơi, ra vô thoải mái mà không sợ giẫm phải “mìn”!
  • Sợ
    04/05/2024
    Hai ông bạn ngồi uống trà đọc báo, bỗng một ông lật đật đứng dậy định rời đi. Ông còn lại ngạc nhiên hỏi: - Đi đâu mà gấp gáp vậy ông?
Số lượt truy cập: 576718