BỘ TƯ PHÁP VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT --------------------- | NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM VỤ PHÁP CHẾ ------------- |
ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU
PHÁP LỆNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH NGOẠI HỐI
Ngày 18/3/2013, tại phiên họp thứ 16, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Khoá XIII đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh 2013). Pháp lệnh 2013 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014.
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH PHÁP LỆNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH NGOẠI HỐI
Cùng với Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997 và Luật các tổ chức tín dụng năm 1997, Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh ngoại hối) là văn bản pháp luật quan trọng hình thành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh toàn bộ lĩnh vực hoạt động tiền tệ, ngân hàng, ngoại hối đáp ứng được các yêu cầu mới của công tác quản lý nhà nước về ngoại hối, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn từ bên ngoài góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Sau 6 năm triển khai thực hiện, Pháp lệnh ngoại hối đã có những kết quả cụ thể như sau:
- Về giao dịch vãng lai, Pháp lệnh ngoại hối đã cho phép tự do hoá việc thanh toán và chuyển tiền đối với hầu hết các giao dịch vãng lai theo các cam kết quốc tế, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút kiều hối và đáp ứng nhu cầu chuyển tiền một chiều cho các mục đích hợp pháp của người cư trú và người không cư trú.
- Pháp lệnh ngoại hối đã cho phép nới lỏng một phần các giao dịch vốn, vừa đảm bảo thu hút được các dòng vốn vào Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo duy trì sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, hạn chế tác động tiêu cực gây ra bởi các dòng vốn.
- Về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, Pháp lệnh ngoại hối đã góp phần tăng cường tính tự chủ của đồng tiền quốc gia, hạn chế những tác động tiêu cực đến cung – cầu ngoại tệ và chính sách tỷ giá.
- Pháp lệnh ngoại hối đã tạo cơ sở pháp lý căn bản cho hoạt động điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước theo nguyên tắc cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, thông qua việc sử dụng các công cụ tài chính, tiền tệ, góp phần kiềm chế nhập siêu và ổn định kinh tế vĩ mô.
- Pháp lệnh ngoại hối đã quy định các nguyên tắc cơ bản để Ngân hàng Nhà nước quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước một cách hiệu quả, an toàn nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, đảm bảo khả năng thanh toán quốc tế và bảo toàn dự trữ ngoại hối nhà nước.
- Pháp lệnh ngoại hối đã góp phần tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về lĩnh vực ngoại hối và tiền tệ, ngân hàng nói chung, đảm bảo hiệu quả quản lý xã hội bằng pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình 06 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh ngoại hối và các văn bản hướng dẫn, một số tồn tại, vướng mắc đã nảy sinh, ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước về ngoại hối, cụ thể:
- Một số khái niệm, định nghĩa, từ ngữ được quy định trong Pháp lệnh ngoại hối chưa thực sự phù hợp với thực tiễn hoạt động ngoại hối của tổ chức, cá nhân hoặc chưa phù hợp với các quy định của văn bản pháp luật khác.
- Các quy định về giao dịch vãng lai và sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam chưa phù hợp với mục tiêu hạn chế sử dụng ngoại tệ trong nền kinh tế, tạo nguồn ngoại tệ tiền mặt trôi nổi trên thị trường, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách tiền tệ.
- Một số quy định về giao dịch vốn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý một cách chặt chẽ, thận trọng, phù hợp mức độ phát triển của thị trường vốn và năng lực, trình độ quản lý của các đối tượng được phép thực hiện giao dịch vốn.
- Các quy định về chính sách tỷ giá và quản lý thị trường ngoại tệ chưa phù hợp với Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường ngoại tệ Việt Nam và năng lực, trình độ của các đối tượng được phép tham gia thị trường ngoại tệ.
- Các quy định về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước chưa phù hợp với quy định của Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thành phần dự trữ, sử dụng dự trữ, chế độ báo cáo, mối quan hệ giữa quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước và ngân sách nhà nước.
- Các quy định về hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng chưa bao quát thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng và chưa phù hợp với quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
- Một số quy định trong Pháp lệnh ngoại hối chưa tương thích với phương án cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ liên quan đến hoạt động quản lý ngoại hối của các tổ chức tín dụng, các tổ chức kinh tế khác.
- Thực tiễn hoạt động ngoại hối thời gian qua phát sinh những vấn đề chưa được quy định hoặc quy định chưa rõ ràng trong Pháp lệnh ngoại hối, làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý và điều tiết của cơ quan nhà nước.
Từ đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Pháp lệnh ngoại hối nhằm:
- Khắc phục những tồn tại của quy định hiện hành, tạo khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, đầy đủ hơn điều chỉnh hoạt động ngoại hối của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế và đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý của cơ quan nhà nước.
- Thực hiện các cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập và đổi mới chính sách quản lý ngoại hối trong giai đoạn hiện nay, đảm bảo phù hợp với lộ trình hội nhập, tự do hóa giao dịch vốn.
- Đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng được ban hành năm 2010 và các luật khác như Luật đầu tư, Luật quản lý nợ công…có những quy định không đồng nhất với quy định của Pháp lệnh ngoại hối.
- Tạo lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chính sách hạn chế sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam. Pháp lệnh ngoại hối được sửa đổi, bổ sung nhằm thu hẹp phạm vi sử dụng ngoại tệ trong nước, từng bước hạn chế sử dụng ngoại tệ tiền mặt, thu hút nguồn ngoại tệ trôi nổi vào hệ thống tổ chức tín dụng.
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG PHÁP LỆNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH NGOẠI HỐI
Pháp lệnh năm 2013 được xây dựng theo các định hướng cơ bản sau:
1. Thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thể hiện được tính đặc thù của hệ thống ngân hàng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992.
Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói chung và lĩnh vực ngoại hối nói riêng trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới đã được khẳng định cụ thể tại các văn kiện của Đảng: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế về tiền tệ, tín dụng và ngoại hối. Từng bước mở cửa thị trường dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong nước và cam kết quốc tế; phát huy vai trò chủ động điều hành chính sách, quản lý thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và góp phần tăng trưởng kinh tế….”(Trích báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng).
“…Điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá linh hoạt theo nguyên tắc thị trường. Đổi mới chính sách quản lý ngoại hối và vàng; từng bước mở rộng phạm vi các giao dịch vốn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tiến tới xoá bỏ tình trạng sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam…”(trích Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020).
2. Phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta, đặc biệt là các điều kiện về sự phát triển của thị trường tiền tệ, thị trường vốn, sự phát triển của hệ thống ngân hàng.
3. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về ngoại hối để tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại hối, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia.
4. Nâng cao khả năng quản lý, điều tiết các hoạt động ngoại hối phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam; tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về ngoại hối và hoàn thiện hệ thống quản lý ngoại hối của Việt Nam.
5. Thu hẹp phạm vi sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam và từng bước giảm dần tình trạng sử dụng ngoại tệ trong nền kinh tế, thực hiện mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam.
6. Đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là các văn bản pháp luật về lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng mới được ban hành như Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật các tổ chức tín dụng…
7. Phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm cho thị trường ngoại hối phát triển lành mạnh, phù hợp với khả năng, trình độ của các định chế tài chính và các tổ chức hoạt động ngoại hối trong nước.
III. NỘI DUNG CƠ BẢN PHÁP LỆNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH NGOẠI HỐI
1. Về kết cấu của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối
Pháp lệnh 2013 gồm 3 Điều, cụ thể:
a) Điều 1: Sửa đổi, bổ sung 22 Điều, bổ sung 3 Điều mới và sửa đổi 2 tên Chương.
b) Điều 2: Bãi bỏ Điều 38 của Pháp lệnh ngoại hối về hoạt động ngoại hối trên thị trường quốc tế.
c) Điều 3: Quy định về hiệu lực thi hành của Pháp lệnh 2013 và nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc hướng dẫn, thi hành Pháp lệnh này.
2. Về những nội dung cơ bản của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối
Pháp lệnh 2013 có những nội dung cơ bản như sau:
a) Về giải thích từ ngữ
Pháp lệnh 2013 sửa đổi, bổ sung một số khái niệm quy định tại Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối về giải thích từ ngữ, bao gồm các khái niệm “người cư trú”, “giao dịch vốn”, “ thanh toán và chuyển tiền đối với các giao dịch vãng lai”, “chuyển tiền một chiều”, “tổ chức tín dụng được phép”, “ đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam”, “đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam” và “kinh doanh ngoại hối”. So với quy định cũ, các khái niệm trên được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự thống nhất với các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đầu tư,…và phù hợp với thông lệ quốc tế.
b) Về giao dịch vãng lai
Pháp lệnh 2013 bổ sung quy định về việc người cư trú, người không cư trú không được gửi ngoại hối trong bưu gửi vào khoản 5 Điều 8 Pháp lệnh Ngoại hối cho phù hợp với Luật Bưu chính nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngoại hối;
Điều 9 Pháp lệnh Ngoại hối được quy định lại theo hướng làm rõ trách nhiệm của người cư trú, người không cư trú là cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh có mang theo ngoại tệ, đồng Việt Nam và vàng; bổ sung quy định người cư trú là các tổ chức tín dụng được phép thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận, đồng thời trao thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt của tổ chức tín dụng được phép.
c) Về giao dịch vốn
- Về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam:
+ Pháp lệnh 2013 sửa đổi, bổ sung Điều 11 Pháp lệnh Ngoại hối quy định rõ hơn trách nhiệm của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh trong việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại một tổ chức tín dụng được phép để thực hiện dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam nhằm dễ dàng giám sát dòng vốn liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam; bổ sung quy định đối với việc sử dụng nguồn thu hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài và quy định thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc ban hành quy định về các giao dịch chuyển vốn hợp pháp khác (bảo lãnh, đặt cọc, ký quỹ…) liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
+ Pháp lệnh 2013 sửa đổi, bổ sung Điều 12 Pháp lệnh Ngoại hối quy định về việc sử dụng nguồn thu hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú và giao thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc ban hành quy định về các giao dịch chuyển vốn hợp pháp khác liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam.
- Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài:
+ Pháp lệnh 2013 sửa đổi các Điều 13, 14, 15 nhằm quy định phù hợp, chặt chẽ hơn các nội dung liên quan đến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài liên quan đến các nội dung nguồn vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; chuyển vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; chuyển vốn, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài về Việt Nam.
+ Pháp lệnh 2013 bổ sung Điều 15a về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, theo đó tổ chức tín dụng được phép thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các đối tượng khác khi được phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài phải thực hiện việc mở và sử dụng tài khoản, chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, chuyển vốn gốc, lợi nhuận hợp pháp và các khoản thu nhập hợp pháp khác từ hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài về Việt Nam theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Về vay và trả nợ nước ngoài:
Pháp lệnh 2013 sửa đổi, bổ sung Điều 16 Pháp lệnh ngoại hối về vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ cho phù hợp với Luật Quản lý nợ công.
Liên quan đến việc vay, trả nợ nước ngoài của người cư trú, Pháp lệnh 2013 đã mở rộng đối tượng được vay, trả nợ nước ngoài. Theo đó, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là đối tượng được vay nước ngoài. Đồng thời, Pháp lệnh 2013 bổ sung nguyên tắc các giao dịch chuyển vốn hợp pháp khác liên quan đến hoạt động vay, trả nợ nước ngoài thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và pháp luật liên quan.
- Về cho vay và thu hồi nợ nước ngoài:
Pháp lệnh 2013 sửa đổi Điều 19 Pháp lệnh ngoại hối quy định mang tính nguyên tắc việc các tổ chức kinh tế được cho vay ra nước ngoài khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép; đồng thời loại trừ các hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ trả chậm ra khỏi hoạt động cho vay ra nước ngoài của các tổ chức kinh tế do đó không phải là giao dịch vốn.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao thẩm quyền trong việc hướng dẫn thực hiện việc mở và sử dụng tài khoản, chuyển vốn ra và thu hồi nợ nước ngoài, đăng ký cho vay, thu hồi nợ nước ngoài và các giao dịch chuyển vốn khác liên quan đến các hoạt động cho vay, thu hồi nợ nước ngoài.
d) Về sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam
- Pháp lệnh 2013 bổ sung các hoạt động báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thoả thuận và các hình thức tương tự khác trong quy định tại Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối về hạn chế sử dụng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá và mục tiêu chống đôla hoá của Chính phủ.
- Pháp lệnh 2013 bổ sung tại Điều 23 đối tượng được mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài đối với cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại Việt Nam.
- Pháp lệnh 2013 sửa đổi Điều 25 và bổ sung Điều 25a về việc giao thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc mở và sử dụng tài khoản đồng Việt Nam của người không cư trú là tổ chức, cá nhân và người cư trú là cá nhân nước ngoài.
đ) Về thị trường ngoại tệ, cơ chế tỷ giá hối đoái và quản lý vàng là ngoại hối
Pháp lệnh 2013 bỏ thành viên tham gia thị trường ngoại tệ là “bàn đổi ngoại tệ” quy định tại Khoản 2 Điều 28 vì đây chỉ là đơn vị được tổ chức tín dụng uỷ nhiệm thực hiện giao dịch với khách hàng. Đồng thời, để phù hợp với Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Pháp lệnh 2013 quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá hối đoái, quyết định chế độ tỷ giá, cơ chế điều hành tỷ giá (Khoản 2 Điều 30). Thêm vào đó, Pháp lệnh 2013 sửa đổi Điều 31, bổ sung quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý vàng thuộc Dự trữ ngoại hối nhà nước và quản lý vàng trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú theo quy định của pháp luật.
e) Về quản lý Dự trữ ngoại hối Nhà nước
Pháp lệnh 2013 bổ sung quy định vàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý là dự trữ ngoại hối nhà nước; toàn bộ số ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước phải được gửi tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quản lý Dự trữ ngoại hối nhà nước quy định tại các Điều 32, 34, 35; đồng thời bổ sung Điều 35a về sử dụng dự trữ ngoại hối cho phù hợp với Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
g) Về hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối
Pháp lệnh 2013 sửa đổi, bổ sung Điều 36, quy định nguyên tắc các đối tượng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản; giao thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối.
VI. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHÁP LỆNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH NGOẠI HỐI
Pháp lệnh 2013 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014. Để thực hiện Pháp lệnh 2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực thi Pháp lệnh 2013 thông qua các hoạt động:
Thứ nhất, tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Pháp lệnh 2013 dưới nhiều hình thức khác nhau;
Thứ hai, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hướng dẫn thi hành Pháp lệnh:
(i) 02 Nghị định do Chính phủ ban hành (gồm Nghị định thay thế Nghị định số 86/1999/NĐ-CP về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 160/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ngoại hối);
(ii) Các Thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về các vấn đề hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt của tổ chức tín dụng; hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài; quản lý ngoại hối trong mua, bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ của các nước có chung biên giới; quản lý ngoại hối liên quan đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, vay, trả nợ nước ngoài và cho vay, thu hồi nợ nước ngoài; mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ của người cư trú và người không cư trú; mở và sử dụng tài khoản đồng Việt Nam của người không cư trú, người cư trú là cá nhân nước ngoài.