BỘ TƯ PHÁP VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT -------------------- | BỘ CÔNG THƯƠNG CỤC HÓA CHẤT -----------------
|
ĐỀ CƯƠNG
Giới thiệu Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 07/2013/UBTVQH13
Ngày 12/07/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 07/2013/UBTVQH13 (Sau đây gọi là Pháp lệnh số 07/2013/UBTVQH13). Pháp lệnh này đã được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố số 12/2013/L-CTN ngày 17/7/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2014.
I. SỰ CẦN THIẾT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG PHÁP LỆNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ
1. Trước khi Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30 tháng 6 năm 2011 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2012 thì căn cứ pháp lý cho hoạt động kinh doanh tiền chất thuốc nổ gồm các văn bản quy phạm pháp luật sau:
- Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp và Thông tư số 23/2009/TT-BCT ngày 11 tháng 8 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 39/2009/NĐ-CP;
- Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;
- Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; hạn chế kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện và điều kiện để được kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó;
- Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;
- Nghị định số 72/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 09 năm 2009 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;
- Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09/11/2009 của Chính phủ quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Nghị định số 29/2005/NĐ-CP ngày 10/3/2005 của Chính phủ quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm và việc vận tải hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa; Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt; Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09/11/2009 của Chính phủ quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
- Việc kinh doanh tiền chất thuốc nổ được thực hiện theo Giấy phép kinh doanh do Bộ Công Thương cấp, trên cơ sở Giấy phép kinh doanh được cấp, các đơn vị thực hiện ký Hợp đồng mua bán với đối tác nước ngoài và trong nước. Khi nhập khẩu, Bộ Công Thương cấp Giấy phép nhập khẩu theo đúng số lượng đã ký kết để đảm bảo quản lý chặt chẽ về số lượng và nguồn gốc của hàng hóa nhập khẩu cũng như nắm được mục đích sử dụng của tiền chất thuốc nổ.
Hàng năm, ngoài báo cáo định kỳ của các đơn vị kinh doanh, Bộ Công Thương đều tổ chức cuộc họp về tình hình thực hiện kinh doanh, xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ có sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành vật liệu nổ công nghiệp trong năm nói chung và tiền chất thuốc nổ nói riêng, định hướng cho hoạt động của ngành trong ngắn hạn và dài hạn đồng thời phối hợp để giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quản lý giữa các cơ quan nhà nước cũng như các doanh nghiệp, tổ chức liên quan.
Các đơn vị tham gia kinh doanh tiền chất thuốc nổ đều đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh, không có trường hợp nào vi phạm các quy định về kinh doanh, xuất nhập khẩu tiền chất thuốc nổ; 100% các lô hàng đảm bảo chất lượng hàng hóa, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, vận chuyển hàng hóa trên đường đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Các nguồn cung - cầu cân bằng đảm bảo đáp ứng kịp thời cho thị trường sử dụng tiền chất thuốc nổ phục vụ hoạt động sản xuất vật liệu nổ công nghiệp cũng như các hoạt động công nghiệp khác; Nguồn cung ứng khá phong phú ngoài Trung Quốc, đã có các nguồn dự phòng khác như Hàn Quốc, Ucraina, Thái Lan…
2. Ngày 30 tháng 6 năm 2011, Ủy ban thường vụ Quốc hội Khóa 12 đã ban hành Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.
Theo quy định tại Điều 25 của Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12, việc kinh doanh tiền chất thuốc nổ phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Công an và Bộ Quốc Phòng. Quy định của Pháp lệnh về sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và hoá chất là tiền chất thuốc nổ đã bộc lộ ngay sự bất hợp lý, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, cụ thể là: Tại Điểm đ, Khoản 3; Điểm a, Điểm e, Khoản 4 Điều 25 của Pháp lệnh, sau cụm từ “vật liệu nổ công nghiệp” đã được bổ sung cụm từ “và tiền chất thuốc nổ” theo đó, chỉ các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được sản xuất, kinh doanh các hoá chất là tiền chất thuốc nổ; các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không được trực tiếp sản xuất, kinh doanh các hoá chất này.
3. Với quy định nêu trên, việc sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, người lao động không có việc làm, các hợp đồng kinh tế với đối tác nước ngoài bị phá vỡ, nợ, lãi ngân hàng không trả được, nguy cơ bị phá sản...
4. Những quy định về doanh nghiệp kinh doanh tiền chất nổ phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo Điều luật này không phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước và cam kết quốc tế, cụ thể là:
- Trái với Luật Thương mại (Khoản 1, Điều 5 Luật thương mại quy định “Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế hoặc có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”). Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện thì Nitrat Amôn (NH4NO3) hàm lượng cao từ 98,5% trở lên, một trong những hoá chất là tiền chất thuốc nổ chỉ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh và không quy định phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước;
- Trái với Luật Hoá chất (không có điều khoản quy định về hạn chế loại hình doanh nghiệp được tham gia hoạt động trong lĩnh vực hóa chất);
- Chưa phù hợp với Luật đầu tư (Khoản 2, Điều 11 Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 quy định “Trường hợp pháp luật, chính sách mới ban hành làm ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích hợp pháp mà nhà đầu tư đã được hưởng trước khi quy định của pháp luật, chính sách đó có hiệu lực thì nhà đầu tư được bảo đảm hưởng các ưu đãi như quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư hoặc được giải quyết bằng một, một số hoặc các biện pháp sau đây: a) Tiếp tục hưởng các quyền lợi, ưu đãi; b) Được trừ thiệt hại vào thu nhập chịu thuế; c) Được điều chỉnh mục tiêu hoạt động của dự án; d) Được xem xét bồi thường trong một số trường hợp cần thiết)”;
- Không phù hợp chủ trương đổi mới quản lý doanh nghiệp nhà nước mà theo đó sản xuất, kinh doanh tiền chất thuốc nổ không thuộc diện doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn;
- Không phù hợp với cam kết của Việt Nam đã ký với WTO và nhiều nước trong quan hệ thương mại:
+ Hiệp định Thương mại Việt Mỹ: Phụ lục D1 Lịch trình loại bỏ hạn chế về quyền kinh doanh nhập khẩu và quyền phân phối. Trong Phụ lục này, Việt Nam cam kết loại bỏ hạn chế về quyền kinh doanh, nhập khẩu đối với sản phẩm nitrat (mã số 2834) sau 03 năm hiệp định có hiệu lực; Loại bỏ hạn chế về quyền phân phối sau 05 năm. Tương tự, đối với sản phẩm hóa chất clorat, peclorat (mã số 2829) là tiền chất thuốc nổ.
+ Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam: Tại Điều 4 Mục II Dịch vụ phân phân phối, Việt Nam cam kết “Trong vòng 3 năm kể từ ngày gia nhập, công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối sẽ được phép cung cấp dịch vụ đại lý hoa hồng, bán buôn và bán lẻ tất cả các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam”. Theo đó, ngày 21 tháng 5 năm 2007, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) đã công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá, trong đó lộ trình thực hiện quyền phân phối đối với “Phân khoáng hoặc phân hoá học, có chứa nitơ” mã số 3102 là ngày 01 tháng 01 năm 2010 và các doanh nghiệp nước ngoài được đầu tư theo hình thức tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước để kinh doanh, phân phối “Phân khoáng hoặc phân hoá học, có chứa nitơ” là tiền chất thuốc nổ.
5. Về đối tượng bị ảnh hưởng
Quy định như Điều 25 của Pháp lệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ sở sử dụng tiền chất thuốc nổ để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp; Ảnh hưởng đến các đơn vị kinh doanh, cung ứng tiền chất thuốc nổ cho ngành vật liệu nổ công nghiệp, các đơn vị trực tiếp sử dụng tiền chất thuốc nổ để nghiên cứu, phân tích, thử nghiệm, để sản xuất phân bón, sản xuất công nghiệp.
Mặt khác, nếu chỉ có doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được kinh doanh tiền chất thuốc nổ (hiện chỉ có 02 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) sẽ không đủ nguồn cung ứng hóa chất cho các ngành sản xuất khác như sản xuất phân bón, chất màu, đèn điện tử... làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự độc quyền, làm hạn chế các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, gây thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp đã đầu tư lớn về cơ sở vật chất, hệ lụy về mặt xã hội của người lao động.
Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là rất cần thiết nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính nhất quán trong các cam kết của Việt nam với các đối tác nước ngoài trong hợp tác thương mại quốc tế; đáp ứng các yêu cầu trong quản lý nhà nước về tiền chất thuốc nổ, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG PHÁP LỆNH
1. Đảm bảo sự phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành; kế thừa những quy định phù hợp của Pháp lệnh quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 16/2011/UBTVQH12;
2. Đảm bảo sự phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của các Bộ chuyên ngành, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành có liên quan;
3. Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
III. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CỦA PHÁP LỆNH SỐ 07/2013/UBTVQH13
1. Bố cục
Pháp lệnh số 07/2013/UBTVQH13 có 02 Điều:
- Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, gồm 8 Khoản:
+ Khoản 1: Bổ sung vào Điều 3 một khoản, quy định rõ khái niệm “tiền chất thuốc nổ”;
+ Khoản 2: Bổ sung Khoản 6 vào sau Khoản 5 Điều 13 của Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12: Lực lượng Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
+ Khoản 3: Sửa đổi Khoản 6 Điều 13 của Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 thành Khoản 7 Điều 13 với nội dung: Chính phủ quy định loại vũ khí quân dụng trang bị cho đối tượng là lực lượng Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
+ Khoản 4: Sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 3 Điều 25 của Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12: Tổ chức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp là doanh nghiệp nhà nước được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo đề nghị của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng;
+ Khoản 5: Sửa đổi, bổ sung Điểm đ Khoản 3 Điều 25 của Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12: Tổ chức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp được sản xuất, bán sản phẩm đúng chủng loại cho các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; việc nhập khẩu hoặc ủy thác nhập khẩu, mua vật liệu nổ công nghiệp chỉ được thực hiện giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp;
+ Khoản 6: Sửa đổi, bổ sung Điểm a khoản 4 Điều 25 của Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12: Tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp là doanh nghiệp nhà nước được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo đề nghị của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Tổ chức kinh doanh tiền chất thuốc nổ là doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo đề nghị của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh tiền chất thuốc nổ;
+ Khoản 7: Sửa đổi, bổ sung Điểm e Khoản 4 Điều 25: Tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ kinh doanh theo đúng quy định tại giấy phép kinh doanh, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.
+ Khoản 8: Sửa đổi, bổ sung Điểm đ Khoản 1 Điều 27 của Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12: Người quản lý, chỉ huy nổ mìn, thợ nổ mìn và những người khác có liên quan đến việc nổ mìn phải đáp ứng yêu cầu về an ninh, trật tự; có đủ trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy và chữa cháy.
- Điều 2. Hiệu lực thi hành, gồm 2 Khoản:
+ Khoản 1: Hiệu lực thi hành của Pháp lệnh từ ngày 01 tháng 3 năm 2014.
+ Khoản 2: Giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Pháp lệnh.
2. Nội dung
2.1. Bổ sung, quy định rõ khái niệm “tiền chất thuốc nổ”
Tiền chất thuốc nổ là hoá chất lưỡng dụng, một mặt là nguyên liệu để sản xuất thuốc nổ nhưng mặt khác là nguyên liệu được sử dụng trong sản xuất công nghiệp, để sản xuất nhiều sản phẩm hàng hóa khác, cụ thể:
- Sản xuất phân bón tổng hợp, phân bón đơn: NH4NO3, KNO3, KClO3;
- Nhôm kính, bóng đèn điện quang: NaNO3, KNO3;
- Linh kiện điện tử, màn hình máy tính, điện thoại: KNO3, NaNO3;
- Chất màu công nghiệp, phụ gia trong thực phẩm: NaNO3, KNO3;
- Hóa chất thí nghiệm: cả 07 tiền chất;
- Sản xuất bột giấy: NaClO3.
Do Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 không giải thích cụm từ “tiền chất thuốc nổ”, tuy nhiên, tại Điều 25 của Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 lại có quy định về việc quản lý “tiền chất thuốc nổ”, vì vậy cần bổ sung giải thích cụm từ này cho thống nhất với các nội dung của Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12, theo đó, Điều 3 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 được bổ sung như sau:
“10. Tiền chất thuốc nổ là hóa chất trực tiếp dùng để sản xuất thuốc nổ được quy định trong danh mục tiền chất thuốc nổ do Chính phủ ban hành.”
2.2. Về trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Theo Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 thì các đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng là: Quân đội nhân dân; Công an nhân dân; Dân quân tự vệ; Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan, đơn vị Hải quan cửa khẩu; An ninh hàng không. Trong thực tế, lực lượng Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng là một trong những lực lượng tham gia đảm bảo an ninh, an toàn trên biển, là lực lượng hoạt động độc lập, có nhiệm vụ trực tiếp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển Việt Nam... Đây là lực lượng thường xuyên phải đối mặt với các hành vi vi phạm pháp luật vì vậy, Pháp lệnh số 07/2013/UBTVQH13 quy định bổ sung việc trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng này là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Loại vũ khí quân dụng trang bị cho các đối tượng do Chính phủ quy định cụ thể.
2.3. Về tổ chức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp
Theo Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 thì tổ chức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Trong thực tế, việc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng thì việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ không chỉ có doanh nghiệp nhà nước mà còn cả các loại hình doanh nghiệp khác khi có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Quy định tổ chức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chưa phù hợp với chủ trương cổ phần hoá doanh nghiệp hiện nay, do các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước không nhiều và trong tương lai cũng giảm dần theo lộ trình. Khắc phục nhược điểm này, Pháp lệnh số 07/2013/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 3 Điều 25 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 như sau: “a) Tổ chức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp là doanh nghiệp nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng;”. Quy định như Pháp lệnh số 07/2013/UBTVQH13 sẽ tạo một sân chơi bình đẳng hơn trong hoạt động sản xuất vật liệu nổ công nghiệp.
2.4. Về sản xuất, mua bán sản phẩm, nhập khẩu, uỷ thác nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp
Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 quy định việc nhập khẩu hoặc uỷ thác nhập khẩu, mua tiền chất thuốc nổ chỉ được thực hiện giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp là không đúng với mục đích sử dụng của tiền chất thuốc nổ. Ngoài ra, quy định này không đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và nguồn cung cấp ổn định cho sự phát triển kinh tế, vì, tiền chất thuốc nổ là nguyên liệu trực tiếp để sản xuất các sản phẩm như phân bón, nhôm, kính, phụ gia thực phẩm, linh kiện điện, điện tử…
Quy định việc nhập khẩu hoặc uỷ thác nhập khẩu, mua tiền chất thuốc nổ chỉ được thực hiện giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp sẽ tạo ra sự độc quyền, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp liên quan.
Pháp lệnh số 07/2013/UBTVQH13 đã sửa đổi quy định này bằng cách bỏ cụm từ “tiền chất thuốc nổ”, thay vào đó là “vật liệu nổ công nghiệp” cho phù hợp với quy định hiện hành.
2.5. Về tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp
Theo Điểm a Khoản 4 Điều 25 của Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 thì “Tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng”.
Việc yêu cầu các tổ chức kinh doanh tiền chất thuốc nổ phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước như Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 đã gặp nhiều vướng mắc, bất cập, gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh tiền chất thuốc nổ. Tạo sự độc quyền, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống sản xuất, kinh doanh có liên quan đến nhóm “tiền chất thuốc nổ”, làm hạn chế quyền kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế khác, gây thiệt hại về kinh tế do các doanh nghiệp đã đầu tư lớn về cơ sở vật chất, con người, thiết bị….Mặt khác, quy định này cũng chưa phù hợp với với cam kết quốc tế và pháp luật trong nước.
Pháp lệnh số 07/2013/UBTVQH13 đã sửa đổi quy định này bằng cách bỏ cụm từ “tiền chất thuốc nổ”, thay vào đó là “vật liệu nổ công nghiệp” cho phù hợp với quy định hiện hành.
2.6. Về tổ chức kinh doanh tiền chất thuốc nổ
Theo Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 thì tổ chức kinh doanh tiền chất thuốc nổ phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Quy định này chưa phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành:
- Tại Khoản 2, Điều 5 Luật hóa chất quy định: “Kiểm soát chặt chẽ hoạt động hóa chất, đặc biệt đối với hóa chất mới, hóa chất nguy hiểm, hóa chất hạn chế kinh doanh, hóa chất cấm”. Luật hoá chất được áp dụng “đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất; tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hóa chất trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Luật hoá chất đã quy định cụ thể các điều kiện đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện, hoá chất hạn chế kinh doanh, hoá chất cấm nhưng không có điều khoản nào quy định loại hình doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh hoá chất phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Khi nhập khẩu tất cả các hóa chất nguy hiểm này đều phải khai báo để quản lý chặt chẽ đảm bảo theo quy định của Luật hóa chất và các luật có liên quan. Tuy nhiên, việc quản lý đối với các hóa chất và nhóm hóa chất này chỉ quy định về điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, con người, không có quy định nào về đối tượng doanh nghiệp kinh doanh phải là 100% vốn nhà nước. Như vậy, việc quy định riêng đối với 07 tiền chất thuốc nổ là không phù hợp với quy định của Luật hóa chất.
- Luật doanh nghiệp quy định “doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm”;
- Theo quy định của Luật thương mại thì Nitrat Amôn hàm lượng cao từ 98,5% trở lên, một trong những hoá chất là tiền chất thuốc nổ, chỉ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh và không giới hạn chủ thể kinh doanh phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và một số cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
- Không phù hợp chủ trương đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 và Trung ương 4 (Khóa XI), theo đó sản xuất, kinh doanh tiền chất thuốc nổ không thuộc diện doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn; Khó khăn trong việc đảm bảo thị trường cung ứng tiền chất thuốc nổ cho ngành vật liệu nổ công nghiệp và các ngành khác ổn định (và có thể nhu cầu ngày càng lớn hơn) dễ có khả năng dẫn đến tình trạng độc quyền trong khâu cung ứng và phân phối.
- Đối với Cam kết gia nhập WTO
Quy định việc kinh doanh tiền chất thuốc nổ phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chưa phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Quy định kinh doanh tiền chất thuốc nổ phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước còn ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh. Trước thời điểm Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 có hiệu lực thì có khoảng 34 đơn vị tham gia kinh doanh, cung ứng tiền chất thuốc nổ cho ngành vật liệu nổ công nghiệp và các ngành khác. Sau khi Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 có hiệu lực thì có 12 doanh nghiệp hết thời hạn, không được tiếp tục kinh doanh. Đây là những doanh nghiệp có tổng sản lượng nhập khẩu trung bình hàng năm lớn.
Sau năm 2014 chỉ còn 02 đơn vị là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được kinh doanh sẽ tạo nên một thị trường độc quyền về giá và phân phối, dẫn đến tăng chi phí, giá thành sản phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và chuỗi hàng hóa có liên quan đến các hóa chất này, lệ thuộc vào khả năng cung ứng của nhóm ít các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trong khi Việt Nam đang lệ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu (98%), với 80% phải nhập từ nước ngoài.
Trong tổng số 7 tiền chất thuốc nổ thì có 02 loại trong nước đã sản xuất được, 6 tiền chất còn lại hiện trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu hoàn toàn.
Ngoài số liệu tính đến thời điểm hiện tại, trong tương lai, cùng với quá trình phát triển, hội nhập kinh tế, số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh có liên quan đến tiến chất thuốc nổ sẽ ngày càng tăng, trong khi đó với chủ trương đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì số lượng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sẽ ngày càng giảm.
Như vậy với quy định của Pháp lệnh số 07/2013/UBTVQH13 “Tổ chức kinh doanh tiền chất thuốc nổ là doanh nghiệp” đã phù hợp với hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật hóa chất, Luật thương mại, Luật doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cho phát triển kinh tế xã hội, đồng thời cũng tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động này.
Quy định của Pháp lệnh số 07/2013/UBTVQH13 tuy mở không bó chặt trong phạm vi các đối tượng phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nhưng vẫn đảm bảo sự chặt chẽ trong quản lý nhằm đảm bảo trật tự, an ninh, xã hội thông qua hình thức phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
2.7. Về kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp theo đúng giấy phép
Điểm e Khoản 4 Điều 25 của Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 quy định “Tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp chỉ được kinh doanh tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp theo đúng quy định tại giấy phép kinh doanh, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp”.
Quy định này chỉ áp dụng đối với tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp mà không áp dụng đối với tổ chức kinh doanh tiền chất thuốc nổ là chưa phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ.
Để đảm bảo sự thống nhất và phù hợp, Pháp lệnh số 07/2013/UBTVQH13 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng áp dụng đối với cả tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ: “Tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ kinh doanh theo đúng quy định tại giấy phép kinh doanh, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ”.
2.8. Yêu cầu về nhân lực
Điểm đ Khoản 1 Điều 27 của Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 quy định: “Người quản lý, chỉ huy nổ mìn, thợ nổ mìn và những người khác có liên quan đến việc nổ mìn phải đáp ứng yêu cầu về an ninh, trật tự; có đủ trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện về kỹ thuật phòng cháy và chữa cháy”.
Quy định này chỉ tập trung “huấn luyện về kỹ thuật” là chưa phù hợp với đặc tính của vật liệu nổ công nghiệp phải luôn đảm bảo an toàn trọng mọi trường hợp. Để đảm bảo sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương cũng như các hoạt động về kỹ thuật an toàn mà hiện nay Bộ đang thực hiện, đảm bảo sự phù hợp với các quy định tại Chương III của Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12, cần bổ sung cụm từ “an toàn” vào sau cụm từ “kỹ thuật” thành “kỹ thuật an toàn” cho phù hợp. Mặt khác, trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, việc đảm bảo an toàn là rất quan trọng và cần thiết.
2.9. Hiệu lực thi hành
Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2014. Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Pháp lệnh.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Theo Khoản 2 Điều 1 của Pháp lệnh số 07/2013/UBTVQH13 “Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Pháp lệnh”.
Như vậy, tính đến thời điểm có hiệu lực của Pháp lệnh ngày 01 tháng 3 năm 2013 thì Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Những nội dung cần quy định và hướng dẫn tại Pháp lệnh số 07/2013/UBTVQH13 gồm:
1. Chính phủ quy định loại vũ khí quân dụng trang bị cho các đối tượng quy định tại Khoản 4, 5, 6 Điều 13 của Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12.
2. Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh tiền chất thuốc nổ.
Hai nội dung nêu trên sẽ được quy định và hướng dẫn tại một Nghị định chung, theo đó các đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng là các đối tượng cụ thể.
Các điều kiện kinh doanh tiền chất thuốc nổ sẽ đưa ra các yêu cầu cho hoạt động kinh doanh và quy định việc cấp phép, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép nhằm quản lý chặt hơn các điều kiện về an toàn, phòng chống cháy nổ. Việc cấp phép phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng./.