13/04/2015 15:51        

Đề cương giới thiệu Luật Công chứng năm 2014

BỘ TƯ PHÁP

VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

_________________________

CỤC BỔ TRỢ TƯ PHÁP

__________________

 

 

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT CÔNG CHỨNG

___________________

 

Ngày 20/6/2014, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật công chứng số 53/2014/QH13. Chủ tịch nước ký Lệnh công bố số 08/2014/L-CTN ngày 26/6/2014 công bố Luật công chứng và Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT

Quốc hội khoá XI tại kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật công chứng (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2007). Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thể chế hoá nội dung hoàn thiện thể chế về công chứng ở nước ta trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đến nay, sau 6 năm thi hành Luật công chứng, những kết quả bước đầu đạt được đã khẳng định Luật thực sự phát huy vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng là hết sức đúng đắn. Đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng ở nước ta đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. So với thời điểm giữa năm 2007 khi Luật công chứng bắt đầu có hiệu lực thi hành, đội ngũ công chứng viên hành nghề đã tăng từ 393 lên 1.327 người (tăng 3,4 lần); số lượng tổ chức hành nghề công chứng tăng từ 84 lên 704 tổ chức (tăng hơn 8 lần). Sau 6 năm, các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng được gần 7 triệu việc, với doanh thu gần 2.780 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 1.000 tỷ đồng. Những kết quả đạt được đã khẳng định Luật đã thực sự đi vào cuộc sống, hoạt động công chứng đã phát triển mạnh mẽ, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, đồng thời tạo một bước phát triển mới cho hoạt động công chứng ở nước ta. Thông qua việc đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch dân sự và kinh tế, hoạt động công chứng đã góp phần tạo lập môi trường pháp lý tin cậy cho các hoạt động đầu tư kinh doanh, thương mại, đồng thời cũng góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp, được Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương mới đây ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện Luật công chứng năm 2006 cho thấy hoạt động công chứng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó phải kể đến những điểm cơ bản sau đây:

Một là, công chứng là dịch vụ công, công chứng viên do Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện dịch vụ này cần được phát triển theo quy hoạch. Tuy nhiên, trong 2 - 3 năm đầu thực hiện Luật công chứng, chưa có quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng, các Văn phòng công chứng phát triển quá nhanh, có địa bàn quá nóng, trong khi đó nhiều địa bàn, nhất là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa lại không có tổ chức hành nghề công chứng để cung cấp dịch vụ này cho người dân.

Hai là, chất lượng đội ngũ công chứng viên, chất lượng hoạt động công chứng còn nhiều hạn chế; một bộ phận công chứng viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề dẫn đến những sai sót trong hoạt động, ảnh hưởng đến chất lượng của văn bản công chứng; một số công chứng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí còn có hiện tượng công chứng viên cố ý làm trái, vi phạm pháp luật, phải bị xử lý hình sự gây ảnh hưởng đến uy tín nghề công chứng.

Ba là, nhiều tổ chức hành nghề công chứng được thành lập theo loại hình doanh nghiệp tư nhân (Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập), thiếu tính ổn định, bền vững, khi công chứng viên chết phải đóng cửa hoặc khi công chứng viên ốm đau nghỉ việc thì không có công chứng viên để tiếp nhận và giải quyết yêu cầu công chứng của người dân. 

Bốn là, công tác quản lý nhà nước về công chứng cũng còn bất cập, có nơi chưa theo kịp với sự phát triển của việc xã hội hóa hoạt động công chứng, vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên chưa được phát huy.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập nêu trên là nhiều quy định của Luật công chứng năm 2006 đã không còn phù hợp hoặc còn thiếu so với thực tiễn cần điều chỉnh. Chẳng hạn, Luật chưa xác định rõ địa vị pháp lý của công chứng viên, quy định về quyền và trách nhiệm công chứng viên chưa đầy đủ; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chứng viên có điểm còn dễ dãi, thiếu quy định về chế độ bồi dưỡng bắt buộc đối với công chứng viên đang hành nghề… nên khó bảo đảm chất lượng văn bản công chứng; quy định về điều kiện thành lập Văn phòng công chứng chưa gắn với tính chất đặc thù của nghề công chứng; thực tiễn hoạt động công chứng phát sinh nhiều vấn đề như Văn phòng công chứng tạm ngừng hoạt động, chuyển nhượng Văn phòng công chứng, công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng... nhưng chưa có quy định điều chỉnh dẫn đến lúng túng trong thực hiện. Các quy định của Luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng còn chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, chưa có quy định về việc công chứng viên tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các quy định về tổ chức, hoạt động của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên để phát huy vai trò tự quản của công chứng viên phù hợp với đặc thù của nghề công chứng và thông lệ quốc tế.     

Ngoài ra, việc Luật công chứng năm 2006 không tiếp tục quy định công chứng viên được công chứng bản dịch giấy tờ mà giao cho Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện chứng thực chữ ký người dịch trong thời gian qua đã dẫn đến chất lượng bản dịch giấy tờ còn nhiều hạn chế trong khi trách nhiệm của người chứng thực và người dịch không rõ ràng, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng; thiếu cơ chế hình thành và phát triển đội ngũ người dịch chuyên nghiệp. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch thuật cơ bản bị buông lỏng.   

Trước yêu cầu thực tiễn của hoạt động công chứng và để tiếp tục thể chế hoá Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tạo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động công chứng, đảm bảo thực hiện tốt các nghĩa vụ thành viên của Liên minh công chứng Quốc tế, Luật công chứng mới đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 20/6/2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015 (sau đây gọi là Luật công chứng năm 2014).

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG  LUẬT

Với mục đích ban hành Luật công chứng năm 2014 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, Luật công chứng năm 2014 được xây dựng trên các quan điểm chỉ đạo sau:

1. Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xã hội hóa hoạt động công chứng theo bước đi và lộ trình phù hợp, phát huy vai trò của công chứng trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp đã được xác định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

2. Kế thừa, phát triển những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm của  Luật hiện hành, luật hoá các quy định có tính nguyên tắc trong các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện hành nghề công chứng, thành lập các Văn phòng công chứng, quy hoạch phát triển các tổ chức hành nghề công chứng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, chất lượng hoạt động công chứng, tăng cường trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động công chứng để công chứng thực sự trở thành một công cụ “bảo vệ” người dân trong quan hệ dân sự, qua đó bảo đảm tốt hơn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công chứng trong điều kiện các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại ngày càng đa dạng, phong phú và phức tạp.

3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng, đẩy mạnh việc phân cấp cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên trong quản lý hoạt động công chứng từ góc độ nghề nghiệp, tham gia, hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước về công chứng.

4. Nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước, thông lệ quốc tế về công chứng, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động công chứng ở Việt Nam; tạo điều kiện để công chứng nước ta hội nhập với nghề công chứng quốc tế, chuẩn bị điều kiện để công chứng Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ thành viên của Liên minh công chứng quốc tế (ngày 10/10/2013, tại Hội nghị toàn thể Liên minh công chứng quốc tế tổ chức tại Pê - ru, Việt Nam đã được kết nạp làm thành viên chính thức của Liên minh công chứng quốc tế).

III. BỐ CỤC VÀ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT CÔNG CHỨNG NĂM 2014

1. Bố cục của Luật

Luật công chứng năm 2014 gồm 10 chương, với 81 điều.

- Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 7)

Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, chức năng xã hội của công chứng viên, nguyên tắc hành nghề công chứng, giá trị pháp lý của văn bản công chứng, tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng và các hành vi bị nghiêm cấm.

- Chương II: Công chứng viên (từ Điều 8 đến Điều 17)

Chương này quy định về tiêu chuẩn công chứng viên, đào tạo nghề công chứng, tập sự hành nghề công chứng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên, quyền và nghĩa vụ của công chứng viên.

- Chương III: Tổ chức hành nghề công chứng (từ Điều 18 đến Điều 33)

Chương này quy định về việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng, bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng, tổ chức, hoạt động của hai loại hình tổ chức hành nghề công chứng, quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có nhiều quy định mới về thay đổi thành viên hợp danh, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng Văn phòng công chứng, chấm dứt hoạt động Văn phòng công chứng…

 - Chương IV: Hành nghề công chứng (từ Điều 34 đến Điều 39)

Chương này quy định về hình thức hành nghề của công chứng viên, đăng ký hành nghề công chứng, Thẻ công chứng viên, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên.

- Chương V: Thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch (từ Điều 40 đến Điều 61)

Chương này quy định thủ tục chung về công chứng và thủ tục công chứng một số hợp đồng, giao dịch, công chứng bản dịch, nhận lưu giữ di chúc.

Thủ tục chung về công chứng bao gồm thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn, công chứng hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo, phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản, thời hạn công chứng, địa điểm công chứng, chữ viết trong văn bản công chứng, lời chứng của công chứng viên…

- Chương VI: Cơ sở dữ liệu công chứng và lưu trữ hồ sơ công chứng (từ Điều 62 đến Điều 65)

Chương này quy định về cơ sở dữ liệu công chứng, hồ sơ công chứng, chế độ lưu trữ hồ sơ công chứng và cấp bản sao văn bản công chứng.

- Chương VII: Phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác (từ Điều 66 đến Điều 68)

Chương này quy định các vấn đề liên quan đến phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác.

- Chương VIII: Quản lý nhà nước về công chứng (từ Điều 69 đến Điều 70)

Chương này quy định về trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về công chứng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Tư pháp trong công tác quản lý nhà nước về công chứng.

- Chương IX: Xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp (từ Điều 71 đến Điều 76)

Chương này quy định về xử lý vi phạm đối với các cá nhân, tổ chức trực tiếp thực hiện việc công chứng hoặc có liên quan đến việc công chứng, bao gồm công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, người có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, cá nhân, tổ chức hành nghề công chứng bất hợp pháp, người yêu cầu công chứng; quy định nguyên tắc giải quyết tranh chấp giữa người yêu cầu công chứng và công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng.

- Chương X: Điều khoản thi hành (từ Điều 77 đến Điều 81)

Chương này quy định về việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản của công chứng viên, việc công chứng của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành và trách nhiệm quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.

2. Những nội dung cơ bản của Luật công chứng năm 2014

2.1. Những quy định chung (Chương I)

- Phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

Luật công chứng năm 2014 quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng.

Phạm vi công chứng theo quy định của Luật công chứng năm 2014 được mở rộng hơn so với Luật công chứng năm 2006. Theo đó, nhiệm vụ công chứng bản dịch được giao lại cho công chứng viên; công chứng viên chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch mà mình công chứng trước người yêu cầu công chứng chứng, người dịch sẽ chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch trước công chứng viên. Quy định này nhằm nâng cao chất lượng bản dịch, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm quyền lợi của cá nhân, tổ chức có yêu cầu chứng nhận bản dịch, làm rõ mối quan hệ giữa công chứng viên, người yêu cầu công chứng và người dịch.

- Chức năng xã hội của công chứng viên (Điều 3)

Được quy định theo hướng làm rõ chức năng xã hội và nâng cao vị thế của Công chứng viên. Công chứng viên cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

2.2. Công chứng viên (Chương II)

Luật công chứng năm 2014 kế thừa những quy định phù hợp về công chứng viên của Luật công chứng năm 2006 và sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về tiêu chuẩn công chứng viên, việc đào tạo, tập sự hành nghề công chứng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, tạm đình chỉ hành nghề công chứng, quyền và nghĩa vụ của công chứng viên. Các quy định của Chương này được sửa đổi theo hướng nâng cao tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, quy định chặt chẽ hơn về đào tạo, tập sự hành nghề công chứng, làm rõ quyền và nghĩa vụ của công chứng viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động công chứng.

- Tiêu chuẩn công chứng viên (Điều 8)

Về cơ bản Luật công chứng năm 2014 kế thừa Luật công chứng năm 2006 về các tiêu chuẩn công chứng viên vì các quy định này đã thể hiện được những yêu cầu khá cao của Nhà nước đối với những người muốn được xem xét, bổ nhiệm làm công chứng viên. Để nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, Luật công chứng năm 2014 bổ sung quy định mới về tiêu chuẩn công chứng viên phải tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng quy định tại Điều 9 của Luật hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng. Quy định này nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hành nghề của đội ngũ công chứng viên. Như vậy, sẽ không còn tình trạng “chuyển ngang” từ thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên, điều tra viên.... sang làm công chứng viên mà tất cả những đối tượng này dù được miễn đào tạo nghề công chứng nhưng vẫn phải tập sự một phần và phải trải qua kỳ kiểm tra tập sự hành nghề công chứng.

- Đào tạo nghề công chứng (Điều 9)

Thời gian đào tạo nghề công chứng theo Luật công chứng năm 2006 là sáu tháng. Tuy nhiên, thực tiễn đào tạo nghề công chứng trong thời gian qua cho thấy khoảng thời gian sáu tháng là chưa đủ để trang bị kỹ năng chuyên sâu cần thiết trong hành nghề công chứng, đặc biệt là các kỹ năng xác định giấy tờ giả, nhận diện người yêu cầu công chứng... Để đảm bảo chất lượng công chứng viên, trong thời gian đào tạo nghề, học viên còn cần có thời gian kiến tập, thực tập những kiến thức thu nhận được tại một tổ chức hành nghề công chứng để nâng cao khả năng áp dụng kiến thức trong thực tiễn.

Vì vậy, Luật công chứng năm 2014 quy định thời gian đào tạo nghề là mười hai tháng nhằm có đủ thời gian để trang bị đầy đủ hơn các quy định pháp luật về công chứng cũng như pháp luật chuyên ngành, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu cho công chứng viên và có thêm thời gian cần thiết để học viên được thực tập nhằm cọ sát, kiểm nghiệm trong thực tế các kiến thức được cung cấp, đồng thời cũng phù hợp với thời gian đào tạo các chức danh tư pháp như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Người hoàn thành chương trình đào tạo nghề công chứng được cơ sở đào tạo nghề công chứng cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng.

- Miễn đào tạo nghề công chứng (Điều 10)

Vẫn kế thừa quy định về các đối tượng được miễn đào tạo, miễn tập sự hành nghề công chứng trong Luật công chứng năm 2006, người được miễn đào tạo nghề công chứng được quy định trong Luật công chứng năm 2014 bao gồm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư nhưng các đối tượng này phải đã có thời gian giữ chức danh tư pháp là năm 05 năm trở lên, người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật. Tuy nhiên, điểm mới của Luật công chứng năm 2014 về vấn đề này là các đối tượng được miễn đào tạo phải tham gia khóa bồi dưỡng nghề công chứng trong thời gian ba tháng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên. Lý do là mặc dù các đối tượng được miễn đào tạo nghề là những người có trình độ pháp luật cao, có kinh nghiệm công tác lâu năm nhưng có thể ở những lĩnh vực pháp luật khác nên cần có thời gian bồi dưỡng để được trang bị kỹ năng hành nghề công chứng, như kỹ năng áp dụng pháp luật, xử lý tình huống, xác định đối tượng, chủ thể của hợp đồng, giao dịch, kỹ năng xác định, phân biệt giấy tờ, con dấu, chữ ký là thật hay giả... và đạo đức hành nghề công chứng nhằm đảm bảo cho hoạt động hành nghề sau này đạt chất lượng.

- Tập sự hành nghề công chứng (Điều 11)

Các quy định về tập sự hành nghề công chứng bao gồm thời gian tập sự, địa điểm tập sự, nghĩa vụ của người tập sự…. cơ bản được giữ như quy định của Luật công chứng năm 2006, tuy nhiên, Luật công chứng năm 2014 quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của công chứng viên hướng dẫn; những vấn đề cụ thể về tập sự hành nghề công chứng sẽ được quy định tại Quy chế tập sự hành nghề công chứng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.

Theo quy định của Luật công chứng năm 2006 thì người được miễn đào tạo nghề công chứng được miễn tập sự hành nghề công chứng. Quy định như vậy là chưa phù hợp vì qua quá trình tập sự, người tập sự được hướng dẫn, tiếp cận trực tiếp về chuyên môn nghiệp vụ công chứng, kỹ năng hành nghề công chứng và cách thức ứng xử theo Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng. Nói cách khác, việc tập sự hành nghề công chứng có ý nghĩa rất quan trọng đối với chất lượng đầu vào của đội ngũ công chứng viên. Hầu hết các nước trên thế giới đều quy định một chế độ tập sự nghiêm ngặt đối với người muốn trở thành công chứng viên.

Để khắc phục hạn chế nêu trên của Luật công chứng năm 2006, Luật công chứng năm 2014 quy định các đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng vẫn phải tập sự hành nghề công chứng. Tuy nhiên, vì người được miễn đào tạo đã có kinh nghiệm công tác pháp luật nên họ được giảm một nửa thời gian tập sự so với những người phải qua đào tạo nghề công chứng. Cụ thể, thời gian tập sự của những đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng là sáu tháng.

- Bổ nhiệm công chứng viên (Điều 12)

Do Luật công chứng năm 2014 quy định tất cả các đối tượng muốn được bổ nhiệm công chứng viên đều phải trải qua thời gian tập sự hành nghề công chứng, Điều 12 của Luật công chứng năm 2014 không phân định hai thủ tục bổ nhiệm công chứng viên (với người phải tập sự và người được miễn tập sự) như Luật công chứng năm 2006. Thay vào đó, Luật công chứng năm 2014 quy định tất cả các đối tượng đề nghị bổ nhiệm đều phải tuân thủ một trình tự chung sau khi đã đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự. Cụ thể, là người đề nghị bổ nhiệm lập hồ sơ đề nghị gửi Sở Tư pháp địa phương nơi đăng ký tập sự; Sở Tư pháp có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm đối với những trường hợp đáp ứng yêu cầu hoặc trả lời bằng văn bản trong trường hợp từ chối đề nghị. Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm công chứng viên trong thời hạn hai mươi ngày làm việc sau khi nhận được văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ của Sở Tư pháp. Người bị Sở Tư pháp từ chối đề nghị bổ nhiệm hoặc bị Bộ Tư pháp từ chối bổ nhiệm đều có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh việc thống nhất quy định một trình tự, thủ tục bổ nhiệm, quy định về hồ sơ đề nghị bổ nhiệm cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng xác định rõ ràng, cụ thể hơn về các giấy tờ để phù hợp với cả đối tượng phải đào tạo nghề và đối tượng được miễn đào tạo nghề. Mặt khác, một số giấy tờ trong thành phần hồ sơ đã được giảm bớt, như sơ yếu lý lịch, bản sao giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề công chứng; một số giấy tờ khác được thay thế hoặc bổ sung mới như báo cáo kết quả tập sự được thay bằng giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự, bổ sung phiếu lý lịch tư pháp. Những thay đổi này không chỉ phù hợp với các quy định có liên quan trong Luật, mà còn đảm bảo trình tự, thủ tục bổ nhiệm chặt chẽ hơn, chính xác hơn và phù hợp với chủ trương đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực công chứng.

- Bổ nhiệm lại công chứng viên (Điều 16)

Luật công chứng năm 2006 không quy định về bổ nhiệm lại công chứng viên. Để phù hợp với thực tế, Luật công chứng năm 2014 quy định về bổ nhiệm lại công chứng viên trong một số trường hợp cụ thể như công chứng viên đã được miễn nhiệm theo nguyện vọng cá nhân hoặc chuyển làm công việc khác, công chứng viên đã bị miễn nhiệm do không còn đủ tiêu chuẩn công chứng viên, do bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, do kiêm nhiệm công việc khác hoặc do không hành nghề công chứng trong thời hạn quy định  khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn công chứng viên và lý do miễn nhiệm không còn thì được xem xét bổ nhiệm lại công chứng viên.

Bên cạnh việc xác định rõ những trường hợp được bổ nhiệm lại, Luật công chứng năm 2014 còn quy định rõ những trường hợp không được xem xét bổ nhiệm lại công chứng viên, bao gồm công chứng viên đã bị miễn nhiệm do bị xử phạt hành chính đến lần thứ hai trong hoạt động hành nghề công chứng mà còn tiếp tục vi phạm hoặc bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên đến lần thứ hai mà còn tiếp tục vi phạm hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, do bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Quy định mới về bổ nhiệm lại công chứng viên nhằm đảm bảo đội ngũ công chứng viên không chỉ có trình độ chuyên môn mà còn là những người có phẩm chất đạo đức tốt, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

- Quyền và nghĩa vụ của công chứng viên (Điều 17)

Điều 17 Luật công chứng năm 2014 quy định rõ quyền và nghĩa vụ của công chứng viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động công chứng, trong đó có các quyền và  nghĩa vụ mới như quyền được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề công chứng, quyền tham gia thành lập Văn phòng công chứng hoặc làm việc theo chế độ hợp đồng cho tổ chức hành nghề công chứng, được từ chối công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch theo quy định của Luật này và các nghĩa vụ mới như giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng; trường hợp từ chối yêu cầu công chứng thì phải giải thích rõ lý do cho người yêu cầu công chứng, giữ bí mật về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Văn phòng công chứng mà mình là công chứng viên hợp danh; đặc biệt, công chứng viên có trách nhiệm tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên; chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của tổ chức hành nghề công chứng mà mình làm công chứng viên và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên mà mình là thành viên; và các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2.3. Tổ chức hành nghề công chứng (Chương III)

Ngoài việc kế thừa các quy định của Luật công chứng năm 2006 như tiếp tục ghi nhận hai loại hình tổ chức hành nghề công chứng là Phòng công chứng và Văn phòng công chứng thì Chương về tổ chức hành nghề công chứng có những điểm mới được quy định như sau:

- Nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng (Điều 18)

Luật công chứng năm 2014 quy định việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng phải tuân theo quy định của Luật này và phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng thành lập Văn phòng công chứng tràn lan, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, không đảm bảo chất lượng hoạt động công chứng.

Để tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng, Luật công chứng năm 2014 quy định Phòng công chứng chỉ được thành lập tại những địa bàn chưa có điều kiện phát triển được Văn phòng công chứng. Văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ. Đây là quy định tạo nền tảng cho các quy định về thành lập và hoạt động của Phòng công chứng và Văn phòng công chứng tại các Điều tiếp theo.

- Chuyển đổi, giải thể Phòng công chứng (Điều 21)

Để tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hoá hoạt động công chứng, giảm về đầu tư ngân sách, nguồn nhân lực của Nhà nước, phát triển mạnh Văn phòng công chứng, nhất là đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước và viên chức, người lao động đang làm việc tại Phòng công chứng được chuyển đổi, tiến tới chỉ còn một hình thức tổ chức hành nghề công chứng là Văn phòng công chứng, tương tự như ở các nước chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, Điều 21 Luật công chứng năm 2014 quy định về việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng khi không cần thiết duy trì Phòng công chứng. Trong trường hợp không cần thiết duy trì Phòng công chứng thì Sở Tư pháp lập đề án chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Trường hợp không có khả năng chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng thì Sở Tư pháp lập đề án giải thể Phòng công chứng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Hiện nay, các vấn đề chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng như các tiêu chí về sự không cần thiết duy trì Phòng công chứng, mục tiêu, yêu cầu của việc chuyển đổi, trình tự, thủ tục chuyển đổi, vấn đề bảo đảm chính sách, quyền lợi cho công chứng viên và người lao động trong Phòng công chứng được chuyển đổi đang được nghiên cứu, quy định trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng.

- Văn phòng công chứng (Điều 22)

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tính bền vững của các Văn phòng công chứng, Luật công chứng năm 2014 đã quy định chặt chẽ hơn so với Luật công chứng năm 2006 về hình thức tổ chức, hoạt động của Văn phòng công chứng, theo đó Luật đã bỏ hình thức Văn phòng công chứng chỉ có 01 công chứng viên mà quy định n phòng công chứng phải có từ 02 công chứng viên hợp danh trở lên, được tổ chức và hoạt động quy định của Luật này và pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh; Văn phòng công chứng chỉ có công chứng viên hợp danh, không có thành viên góp vốn; tên gọi của Văn phòng công chứng phải gắn với tên của các công chứng viên hợp danh; Trưởng Văn phòng công chứng phải có thời gian hành nghề công chứng tối thiểu là 02 năm để có kiến thức và kinh nghiệm thực tế trong việc điều hành Văn phòng. Luật cũng quy định về việc chuyển nhượng Văn phòng công chứng với những điều kiện, thủ tục chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, ổn định của hoạt động công chứng. Đây là những quy định mới liên quan chặt chẽ đến tổ chức Văn phòng công chứng cần được quán triệt và thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật công chứng mới.

- Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng (Điều 24)

Theo quy định tại Điều 28 của Luật công chứng năm 2006, khi thay đổi trụ sở, tên gọi hoặc danh sách công chứng viên, Văn phòng công chứng chỉ cần thông báo ngay bằng văn bản cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, khi có sự thay đổi các nội dung trên của Văn phòng công chứng, ngoài việc sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người yêu cầu công chứng, còn ảnh hưởng đến hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là trong điều kiện phải đảm bảo Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo quy định. Do đó, Luật công chứng năm 2014 quy định khi thay đổi trụ sở, tên gọi hoặc danh sách công chứng viên, Văn phòng công chứng phải thực hiện việc đăng ký lại hoạt động tại Sở Tư pháp nơi Văn phòng đã đăng ký hoạt động; Sở Tư pháp có trách nhiệm cấp lại giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng công chứng sau khi nhận được các giấy tờ cần thiết. Việc thay đổi trụ sở của Văn phòng công chứng phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Thay đổi thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng (Điều 27) 

Đây là quy định hoàn toàn mới so với Luật công chứng năm 2006, theo đó Luật quy định Công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng có thể chấm dứt tư cách thành viên hợp danh theo nguyện vọng cá nhân hoặc trong các trường hợp khác do pháp luật quy định; Văn phòng công chứng có quyền tiếp nhận công chứng viên hợp danh mới nếu công chứng viên đó được các công chứng viên hợp danh còn lại chấp thuận; Việc chấm dứt tư cách công chứng viên hợp danh và tiếp nhận công chứng viên hợp danh mới được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về doanh nghiệp; Trường hợp công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì người thừa kế của công chứng viên hợp danh được hưởng phần giá trị tài sản tại Văn phòng công chứng sau khi đã trừ đi phần nợ thuộc trách nhiệm của công chứng viên đó. Người thừa kế có thể trở thành công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng nếu là công chứng viên và được các công chứng viên hợp danh còn lại chấp thuận.

2.4. Hành nghề công chứng (Chương IV)

- Hình thức hành nghề công chứng (Điều 34), đăng ký hành nghề, cấp thẻ công chứng viên (Điều 35)

Luật công chứng năm 2014 quy định ba hình thức hành nghề công chứng, bao gồm công chứng viên của các Phòng công chứng, công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Văn phòng công chứng; tổ chức hành nghề công chứng đăng ký hành nghề cho công chứng viên của tổ chức mình tại Sở Tư pháp nơi tổ chức đặt trụ sở; Sở Tư pháp cấp Thẻ cho công chứng viên khi thực hiện việc đăng ký hành nghề cho công chứng viên đó để vừa đảm bảo công tác quản lý nhà nước về công chứng, vừa giảm bớt thủ tục hành chính.

- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên (Điều 37)

Không quy định một cách rải rác, chưa đầy đủ về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên như Luật công chứng năm 2006, Luật công chứng năm 2014 dành hẳn một điều quy định về vấn đề này. Xuất phát từ quan điểm đề cao sự cần thiết, vai trò của bảo hiểm cho trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên đối với tính an toàn cho hoạt động của các công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chứng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người yêu cầu công chứng và các tổ chức, cá nhân có liên quan, theo đó, tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình thông qua hợp đồng bảo hiểm giữa tổ chức hành nghề công chứng với doanh nghiệp bảo hiểm. Thời điểm mua bảo hiểm được xác định chậm nhất là chín mươi ngày, kể từ ngày Văn phòng công chứng được cấp giấy đăng ký hoạt động hoặc kể từ ngày Phòng công chứng được thành lập và bắt đầu hoạt động. Nguyên tắc duy trì bảo hiểm hoặc nguyên tắc thỏa thuận giữa tổ chức hành nghề công chứng và doanh nghiệp bảo hiểm về các vấn đề có liên quan đến bảo hiểm cũng được Luật công chứng năm 2014 quy định về nguyên tắc.

- Bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng (Điều 38)

Luật công chứng năm 2014 quy định rõ nét hơn về trách nhiệm của tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động hành nghề của mình, phải bồi thường khi gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng, cá nhân, tổ chức, theo đó, tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng; công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

- Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên (Điều 39)

Đây là một điểm mới so với Luật công chứng năm 2006, Luật công chứng năm 2014 quy định những vấn đề cơ bản nhất của tổ chức  xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên. Theo đó, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên là tổ chức tự quản được thành lập ở cấp trung ương và cấp tỉnh để đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các công chứng viên; ban hành quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; tham gia cùng cơ quan nhà nước trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập sự hành nghề công chứng; tham gia ý kiến với cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên, thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng và thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến hoạt động công chứng theo quy định của Chính phủ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thành lập, củng cố, phát triển hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên cả ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trong phạm vi toàn quốc nhằm tăng cường tính tự quản của tổ chức này trong hoạt động công chứng, góp phần chia sẻ trách nhiệm quản lý đối với hoạt động này. Những vấn đề cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức... của Tổ chức công chứng toàn quốc và Hội công chứng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ do Chính phủ quy định.

2.5. Thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch (Chương V)

Về cơ bản, quy định về thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch được kế thừa từ Luật công chứng 2006, có sửa đổi, bổ sung theo hướng rõ ràng, chặt chẽ và đơn giản hơn; sửa đổi quy định về phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch, lời chứng của công chứng viên, sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng…; bổ sung quy định về người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch và thủ tục công chứng bản dịch giấy tờ.

 - Công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn (Điều 40)

Luật công chứng năm 2014 kế thừa về cơ bản quy định của Luật công chứng năm 2006 về vấn đề này. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đơn giản hoá thủ tục công chứng, tạo điều kiện thuận lợi cho người yêu cầu công chứng, Luật công chứng năm 2014 quy định một số điểm mới về thủ tục công chứng, cụ thể như sau:

- Người yêu cầu công chứng chỉ phải xuất trình bản chính của các giấy tờ để công chứng viên đối chiếu trước khi ghi lời chứng và ký vào hợp đồng, giao dịch mà không cần xuất trình bản chính ngay khi nộp hồ sơ yêu cầu công chứng.

- Việc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe dự thảo hợp đồng, giao dịch chỉ được thực hiện nếu có đề nghị của người yêu cầu công chứng để đảm bảo người yêu cầu công chứng hiểu rõ, đầy đủ và chính xác về nội dung hợp đồng, giao dịch.

Những điểm sửa đổi, bổ sung nêu trên tuy không lớn, song sẽ góp phần không nhỏ vào việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các công chứng viên trong quá trình hành nghề công chứng mà họ đã gặp phải trong thời gian qua.

- Công chứng hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng (Điều 41)

Việc công chứng hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng về cơ bản có nhiều điểm tương đồng với  việc công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn, thể hiện bằng việc dẫn chiếu các điểm, khoản giữa hai điều luật. Do quy định của Luật công chứng năm 2014 về công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn đã có sự điều chỉnh so với Luật công chứng hiện hành nên thực chất quy định về hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng cũng được thay đổi theo.

- Công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản (Điều 54)

Theo quy định tại Điều 47 của Luật công chứng năm 2006, việc công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản tiếp theo phải do công chứng viên đã công chứng hợp đồng thế chấp lần đầu thực hiện. Trường hợp công chứng viên đó chuyển sang tổ chức hành nghề công chứng khác, không còn hành nghề công chứng hoặc không thể thực hiện việc công chứng thì công chứng viên thuộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hợp đồng thế chấp công chứng hợp đồng đó.

Quá trình triển khai thực hiện cho thấy quy định nêu trên đã gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng vì họ phải tìm đến đúng công chứng viên đã công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản lần đầu để công chứng những hợp đồng thế chấp tiếp theo. Để khắc phục hạn chế này, Luật công chứng năm 2014 đã sửa đổi quy định này theo hướng việc công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản tiếp theo do công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng hợp đồng thế chấp lần đầu thực hiện, trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đó chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên thuộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hợp đồng thế chấp công chứng hợp đồng đó. Quy định này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người yêu cầu công chứng, vừa phù hợp với nguyên tắc quy định tại Điều 50 và Điều 51 của Luật công chứng năm 2014 (việc sửa lỗi kỹ thuật văn bản công chứng, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch do công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng hợp đồng, giao dịch đó thực hiện).

- Công chứng hợp đồng ủy quyền (Điều 55)

Đây là một điểm mới so với Luật công chứng năm 2006. Luật công chứng năm 2014 quy định về trình tự, thủ tục khi công chứng hợp đồng ủy quyền, theo đó, khi công chứng các hợp đồng ủy quyền, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền đó cho các bên tham gia. Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được y quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.

- Công chứng bản dịch (Điều 61)

 Phù hợp với quy định cho phép công chứng viên thực hiện công chứng bản dịch giấy tờ tại Điều 2, Luật công chứng năm 2014 dành Điều 61 quy định những nguyên tắc cơ bản nhất về vấn đề này, theo đó, việc dịch giấy tờ để công chứng phải do người dịch được cấp phép hành nghề dịch thuật thực hiện. Người dịch phải ký và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung bản dịch so với giấy tờ được dịch. Công chứng viên phải kiểm tra các giấy tờ được dịch trước khi công chứng, công chứng viên chứng nhận chữ ký người dịch và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các giấy tờ được dịch, về tư cách pháp lý của người dịch và trình tự, thủ tục công chứng bản dịch giấy tờ đó. Đây chính là một trong những điểm mới then chốt khẳng định giá trị của việc công chứng bản dịch giấy tờ, khẳng định sự bảo đảm vững chắc hơn đối với quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng.

2.6. Cơ sở dữ liệu công chứng và lưu trữ hồ sơ công chứng (Chương VI)

- Cơ sở dữ liệu công chứng (Điều 62)

Nhằm kết nối thông tin công chứng, đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch, tránh các rủi ro trong hoạt động công chứng, Luật công chứng năm 2014 quy định rõ về cơ sở dữ liệu công chứng bao gồm các thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng, Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng của địa phương và ban hành quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng, trách nhiệm của Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng và quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu công chứng tại các địa phương.  

- Lưu trữ hồ sơ công chứng (Điều 64)

Đối với hồ sơ công chứng, Luật công chứng năm 2014 quy định thời hạn lưu trữ ít nhất là 20 năm đối với cả bản chính văn bản công chứng và các giấy tờ khác trong hồ sơ công chứng (Luật công chứng năm 2006 quy định thời hạn lưu trữ đối với các giấy tờ khác trong hồ sơ công chứng là 05 năm). Đồng thời, để đảm bảo tính bảo mật của hoạt động công chứng, Luật quy định nguyên tắc kê biên, khám xét trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, việc lưu trữ hồ sơ công chứng trong trường hợp tổ chức hành nghề công chứng không còn tồn tại… 

2.7. Phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác (Chương VII)

Quy định về thù lao công chứng, chi phí khác được quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn trong Luật công chứng năm 2014 nhằm khắc phục tình trạng một số tổ chức hành nghề công chứng trong thời gian qua đã thu thù lao, chi phí công chứng không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người yêu cầu công chứng. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành mức trần thù lao công chứng áp dụng đối với các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương; tổ chức hành nghề công chứng thu thù lao cao hơn mức trần thù lao và mức thù lao đã niêm yết thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tương tự như vậy, tổ chức hành nghề công chứng không được thu chi phí cao hơn mức chi phí đã thoả thuận với người yêu cầu công chứng, phải niêm yết rõ nguyên tắc tính chi phí khác và giải thích rõ cho người yêu cầu công chứng về các chi phí cụ thể đó.

2.8. Quản lý nhà nước về công chứng, Điều khoản thi hành (việc thi hành Luật và điều khoản chuyển tiếp) (Chương VIII – Chương X)

Luật công chứng năm 2014 dành riêng một Chương quy định rõ các nội dung quản lý, phân định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Tư pháp. Nhiệm vụ quản lý được phân cấp phù hợp cho địa phương, tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Sở Tư pháp trong việc giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý hoạt động công chứng trên địa bàn. Trách nhiệm phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về công chứng cũng được Luật quy định rõ.  

Cùng với nhiệm vụ công chứng, Luật quy định công chứng viên được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản; việc chứng thực được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng thực. Luật cũng quy định rõ hơn về phạm vi thẩm quyền của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài nhằm giúp cơ quan này thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tạo thuận lợi cho những người Việt Nam đang học tập, làm việc, sinh sống ở nước ngoài khi có yêu cầu công chứng.

Để đảm bảo tính khả thi, hiệu lực thi hành của nhiều quy định mới, Luật  quy định vấn đề chuyển tiếp đối với Văn phòng công chứng, việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên và hiệu lực của Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng hiện hành.

- Việc công chứng của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (Điều 78)

Luật công chứng năm 2014 quy định cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được giao nhiệm vụ công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền và các hợp đồng, giao dịch khác theo quy định của Luật này và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao, trừ hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng bất động sản tại Việt Nam. Nhằm nâng cao chất lượng công chứng của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Luật cũng quy định Viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao được giao thực hiện công chứng phải có bằng cử nhân luật hoặc được bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng.

IV. TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT CÔNG CHỨNG NĂM 2014

Triển khai thực  hiện Luật công chứng năm 2014, các cấp, các ngành hữu quan đều cùng và sẽ thực hiện các nội dung sau:  

1. Xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật công chứng năm 2014.

2. Tuyên truyền, phổ biến về các nội dung cơ bản của Luật công chứng năm 2014

- Tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt các nội dung cơ bản của Luật công chứng năm 2014.

- Tổ chức giới thiệu, phổ biến Luật công chứng năm 2014 bằng các hình thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn: Biên soạn, phát hành các tài liệu phổ biến, giới thiệu Luật công chứng năm 2014; phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức thực hiện các chuyên mục, chương trình, tin, bài phổ biến Luật công chứng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật, lập danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ hoặc bãi bỏ để phù hợp với Luật công chứng năm 2014.

4. Xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật công chứng năm 2014

- Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật công chứng năm 2014.

- Thông tư quy định một số nội dung của Luật công chứng năm 2014.

- Thông tư quy định về tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng.

- Quyết định quy định chương trình khung đào tạo, khóa bồi dưỡng nghề công chứng và việc công nhận tương đương đối với những người được đào tạo nghề công chứng ở nước ngoài.

- Quyết định quy định mức trần thù lao công chứng áp dụng đối với các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương, tiếp tục ban hành quyết định chuyển giao.

- Quyết định quy định Tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng.

- Thành lập tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng và ban hành quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng.

- Tổ chức thanh tra, kim tra thực hiện Luật công chứng năm 2014.

 

 
ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
TÀI LIỆU GIỚI THIỆU LUẬT CƯ TRÚ NĂM 2020
LUẬT CẢNH SÁT BIỂN SỐ 33/2018/QH14
 Nhiều điểm mới trong Luật Phòng, chống ma túy năm 2021
TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN Công ước chống tra tấn.
GIỚI THIỆU Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm về công tác xây dựng Bộ pháp điển
ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2018
Đề cương Luật Xây dựng năm 2014
Đề cương giới thiệu Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Đề cương giới thiệu Luật Hải quan năm 2014
Đề cương giới thiệu Luật đấu thầu
Đề cương giới thiệu Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật
Đề cương giới thiệu Luật Đất đai
Đề cương giới thiệu Luật Tiếp công dân
Đề cương giới thiệu việc làm
Đề cương giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng
Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối
Đề cương giới thiệu Luật phòng, chống thiên tai
Đề cương giới thiệu Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 07/2013/UBTVQH13

  • Mùa nào thức nấy
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm ngồi tám chuyện: - Bước vô mùa nắng nóng là lại gặp mấy chuyện phiền toái, nào là đi hứng từng xô nước; rồi cúp điện, rồi bụi bay mù trời…
  • Bí quyết
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau: - Nhìn chị lúc nào cũng tươi vui. Bí quyết là gì thế?
  • Ý kiến
    06/08/2024
    Nhân viên mới trò chuyện với nhân viên cũ sau cuộc họp: - Sếp mình nói, là mai mốt chúng ta họp nội bộ cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến, không có gì phải ngại hết. Tốt quá anh ha…
Số lượt truy cập: 1644081