03/11/2021 07:48        

LUẬT CẢNH SÁT BIỂN SỐ 33/2018/QH14

 

Ngày 19 tháng 11 năm 2018, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật Cảnh sát biển số 33/2018/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019. 

Dưới đây là những nội dung cơ bản của Luật.

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT CẢNH SÁT BIỂN

Biển Việt Nam có diện tích rộng hơn 1.000.000km2, nằm trọn trong biển Đông, có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay từ khi giành được độc lập, thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm bảo vệ, quản lý và khai thác biển, đảo. Sau khi Việt Nam trở thành thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển, ngày 28/3/1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (Pháp lệnh). Theo đó, quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách nhà nước thực hiện chức năng quản lý an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển, thềm lục địa Việt Nam. Qua 19 năm thực hiện Pháp lệnh (sửa đổi, bổ sung một lần năm 2008), Cảnh sát biển Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển; góp phần thể hiện hình ảnh Việt Nam là quốc gia ven biển, thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, có trách nhiệm giữ gìn an ninh, hòa bình quốc tế; mong muốn giải quyết các tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Hiện nay, Biển Đông được đánh giá là một trong những vùng biển có nhiều tranh chấp phức tạp nhất thế giới, không chỉ liên quan đến lợi ích của nhiều nước ven biển Đông mà còn liên quan đến lợi ích chính trị của nhiều cường quốc hải dương trên thế giới. Tình hình vùng biển Việt Nam diễn biến ngày một khó lường, các tình huống liên quan tới quốc phòng - an ninh trên biển liên tiếp xảy ra, do chiến lược, tham vọng kiểm soát biển của các nước trong khu vực (vụ giàn khoan HD 981 năm 2014; HD 760 năm 2017, các vụ nổ súng vào ngư dân Việt Nam trên biển,…); các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại; vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn trên biển. Vì vậy, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam ngày một nặng nề hơn, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có Luật để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho tổ chức hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển, phù hợp với hội nhập quốc tế.

          Tuy nhiên, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất về Cảnh sát biển Việt Nam hiện nay mới chỉ có Pháp lệnh nên hiệu lực thi hành chưa cao, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới. Thực tiễn thi hành Pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do vậy, việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam là cấp bách và cần thiết. Cụ thể như sau:

1. Xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam, đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân; phù hợp với những thay đổi của hệ thống pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

2. Luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường năng lực quốc phòng - an ninh trên biển; xây dựng, phát triển Cảnh sát biển Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển giai đoạn hiện nay.

3. Đảm bảo sự tương đồng với thực tiễn lập pháp của các nước trong khu vực và trên thế giới; nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam.

4. Việc ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam nhằm khắc phục một số vấn đề bất cập của Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.

II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT

1. Mục đích

- Hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ biển đảo; xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, là lực lượng chủ trì thực thi pháp luật trên biển.

- Bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật Việt Nam; phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Phát huy được sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trong vùng biển Việt Nam.

- Khắc phục những khó khăn, bất cập của pháp luật hiện hành về lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và thực tiễn yêu cầu quản lý, bảo vệ biển Việt Nam hiện nay.

2. Quan điểm chỉ đạo

- Thể chế hóa mục tiêu, chính sách của Đảng về định hướng chiến lược biển đến năm 2020, đặc biệt là định hướng chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên biển.

- Đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng; điều hành của Chính phủ; sự chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

- Kế thừa các quy định của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam còn phù hợp, đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn.

- Trên cơ sở tổng kết việc thi hành Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và các văn bản pháp luật có liên quan; thực tiễn tổ chức, quản lý, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; thực tiễn hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển.

- Quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, cụ thể, dễ thực hiện và tính khả thi cao.

- Tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

III. BỐ CỤC CỦA LUẬT

Luật Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm 8 Chương, 41 điều. Bố cục của Luật cụ thể như sau:

Chương I. Những quy định chung, gồm 7 điều (từ Điều 1 đến Điều 7), quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm và chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam; các hành vi bị nghiêm cấm.

Chương II. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam, gồm 3 điều (từ Điều 8 đến Điều 10), quy định về nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam; quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam; nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam.

Chương III. Hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam, gồm 03 Mục, 11 điều (từ Điều 11 đến Điều 21).

- Mục 1. Phạm vi hoạt động và biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam, gồm 02 điều (Điều 11 và Điều 12), quy định về phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển và biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam.

- Mục 2. Thực thi pháp luật trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam, gồm 06 điều (từ Điều 13 đến Điều 18), quy định về tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự; thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển; công bố, thông báo, thay đổi cấp độ an ninh hàng hải.

          - Mục 3. Hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam, gồm 03 điều (từ Điều 19 đến Điều 21), quy định về nguyên tắc hợp tác quốc tế; nội dung hợp tác quốc tế; hình thức hợp tác quốc tế.

          Chương IV. Phối hợp hoạt động giữa Cảnh sát biển Việt Nam với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng, gồm 04 điều (từ Điều 22 đến Điều 25), quy định về phạm vi phối hợp; nguyên tắc phối hợp; nội dung phối hợp và trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phối hợp hoạt động đối với Cảnh sát biển Việt Nam.

          Chương V. Tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam, gồm 06 điều (từ Điều 26 đến Điều 31), quy định về hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam; Ngày truyền thống của Cảnh sát biển Việt Nam; tên giao dịch quốc tế; màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết phương tiện của Cảnh sát biển Việt Nam; con dấu của Cảnh sát biển Việt Nam và trang phục của Cảnh sát biển Việt Nam.

          Chương VI. Bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam, gồm 05 điều (từ Điều 32 đến Điều 36), quy định về kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm cho Cảnh sát biển Việt Nam; trang bị của Cảnh sát biển Việt Nam; cấp bậc, quân hàm, chức vụ, chế độ phục vụ, chế độ chính sách và quyền lợi của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam; điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào Cảnh sát biển Việt Nam và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam.

          Chương VII. Quản lý nhà nước và trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương đối với Cảnh sát biển Việt Nam, gồm 04 điều (từ Điều 37 đến Điều 40), quy định về nội dung quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

          Chương VIII. Điều khoản thi hành, gồm 01 điều (Điều 41), quy định về hiệu lực thi hành.

          IV. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT

  1. Những quy định chung
    1. . Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan.

1.2. Về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 3)

Kế thừa các quy định của Pháp lệnh Cảnh sát biển hiện hành về vị trí của Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước; đồng thời Luật Cảnh sát biển Việt Nam bổ sung nội dung “làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển” để thể hiện rõ hơn vị trí của Cảnh sát biển, phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ vùng biển hiện nay (khoản 1 Điều 3).

Luật Cảnh sát biển Việt Nam xác định rõ Cảnh sát biển Việt Nam có 03 chức năng: một là, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ quốc phòng ban hành theo thẩm định hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; hai là, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; ba là, quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền (khoản 2 Điều 3).

1.3. Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 4)

            Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định việc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam phải tuân thủ 6 nguyên tắc sau: (1) Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; (2) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; (3) Tổ chức tập trung, thống nhất theo phân cấp từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đến đơn vị cấp cơ sở; (4) Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; (5) Kết hợp nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, quản lý an ninh, trật tự, an toàn trên biển với phát triển kinh tế biển; (6) Dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.

1.4. Xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 5)

Luật Cảnh sát biển Việt Nam tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Nhà nước xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên nguồn lực phát triển Cảnh sát biển Việt Nam. Theo đó, cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm tham gia xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam trong sạch, vững mạnh.

1.5. Trách nhiệm và chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 6)

            Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định trách nhiệm và chế độ chính sách đối với tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát huy sức mạnh tổng hợp trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển. Trong đó, lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng Cảnh sát biển nói riêng là nòng cốt. Theo đó, Điều 6 Luật Cánh sát biển quy định: (1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; (2) Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện quyết định huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam được Nhà nước bảo vệ và giữ bí mật khi có yêu cầu; có thành tích thì được khen thưởng; bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương tích, tổn hại về sức khoẻ, tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

1.6. Các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7)

            Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định về các hành vi bị nghiêm cấm làm cơ sở đảm bảo hoạt động của Cảnh sát biển; thống nhất với quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Cảnh sát biển, bao gồm: (1) Chống đối, cản trở hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ; (2) Mua chuộc, hối lộ hoặc ép buộc cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam làm trái chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn; (3) Giả danh cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam; giả mạo tàu thuyền, phương tiện của Cảnh sát biển Việt Nam; làm giả, mua bán, sử dụng trái phép trang phục, con dấu, giấy tờ của Cảnh sát biển Việt Nam; (4) Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam để vi phạm pháp luật; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; (5) Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam nhũng nhiễu, gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp trên biển; (6) Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam

2.1. Nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 8)

            Luật Cảnh sát biển Việt Nam xác định 07 nhóm nhiệm vụ cơ bản của Cảnh sát biển Việt Nam, đảm bảo tính khái quát, rõ ràng và kỹ thuật lập pháp. Theo đó, Điều 8 của Luật quy định nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm: (1) Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia và thực thi pháp luật trên biển; nghiên cứu, phân tích, dự báo, tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh quốc gia trong vùng biển Việt Nam, bảo đảm trật tự, an toàn và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển; (2) Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển; (3) Đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển; (4) Tham gia xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển; (5) Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; (6) Tiếp nhận, sử dụng nhân lực, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; (7) Thực hiện hợp tác quốc tế trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.

            2.2. Quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 9)

            Luật Cảnh sát biển Việt Nam kế thừa các quy định của Pháp lệnh Cảnh sát biển hiện hành đồng thời có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với kỹ thuật lập pháp và hệ thống pháp luật hiện hành. Theo đó, Luật quy định cụ thể, rõ ràng 10 quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam, bao gồm: (1) Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; (2) Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 14 của Luật này; (3) Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định tại Điều 15 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; (4) Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; (5) Tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự; (6) Truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển; (7) Huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp; (8) Đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp; (9) Bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật; (10) Áp dụng biện pháp công tác theo quy định tại Điều 12 của Luật này.

          2.3. Nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam

          Kế thừa các quy định của Pháp lệnh Cảnh sát biển hiện hành, Điều 10 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam, bao gồm: (1) Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước; nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên; (2) Kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn vùng biển Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển; (3) Cảnh giác, giữ bí mật nhà nước, bí mật công tác; thực hiện nghiêm biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam; (4) Tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam; (5) Thường xuyên học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức tổ chức kỷ luật và rèn luyện thể lực; (6) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định, hành vi của mình khi thực hiện nhiệm vụ.

  1. Hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam

          3.1. Phạm vi hoạt động và biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam

        - Phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam:

            Luật Cảnh sát biển Việt Nam kế thừa quy định về phạm vi hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển mà Pháp lệnh Cảnh sát biển đã quy định, đồng thời bổ sung quy định mới, đảm bảo Cảnh sát biển thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc các thỏa thuận hợp tác mà Cảnh sát biển Việt Nam ký kết với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các quốc gia có liên quan. Điều 11 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định: (1) Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này. (2) Trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam; khi hoạt động phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thoả thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.

        - Biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam:

Căn cứ vào tính chất nhiệm vụ, địa bàn hoạt động và các yếu tố khác, mỗi lực lượng có cách thức tổ chức, biện pháp công tác khác nhau. Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định, lực lượng Cảnh sát biển thực hiện các biện pháp vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn trên biển (khoản 1 Điều 12). Việc quy định các biện pháp công tác Luật này là cơ sở pháp lý để lực lượng Cảnh sát biển tổ chức các hoạt động trong thực tế và đảm bảo quá trình chỉ đạo, điều hành lực lượng thống nhất.

Luật quy định Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam quyết định việc sử dụng các biện pháp công tác này và trịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình (khoản 2 Điều 12).

3.2. Thực thi pháp luật trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam

- Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát:

            Hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát là hoạt động thường xuyên, cơ bản của Cảnh sát biển. Trên cơ sở kế thừa các quy định tại Pháp lệnh Cảnh sát biển, Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định: Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên biển (khoản 1 Điều 13); đồng thời quy định các trường hợp dừng tàu thuyền để kiểm tra, kiểm soát, bao gồm: (a) Trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật; (b) Thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật; (c) Có tố cáo, tố giác, tin báo về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật; (d) Có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về truy đuổi, bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật; (đ) Người vi phạm tự giác khai báo về hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Luật còn quy định trong quá trình tuần tra, kiểm soát, Cảnh sát biển Việt Nam phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về màu sắc tàu thuyền, máy bay và phương tiện tham gia; cờ hiệu, phù hiệu, dấu hiệu nhận biết và trang phục theo đúng quy định. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng biển Việt Nam có trách nhiệm chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam.

Luật Cảnh sát Biển Việt Nam bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam.

- Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ:

Luật Cảnh sát biển Việt Nam cụ thể hóa quyền sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của Cảnh sát biển; đồng thời quy định cụ thể hoạt động này để khi sử dụng quyền đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp 2013. Một phần nội dung điều luật kế thừa quy định của Pháp lệnh Cảnh sát biển. Đồng thời, bổ sung quy định đảm bảo phù hợp với quy định của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các văn bản pháp luật khác.

            Điều 14 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định: Khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đồng thời quy định các trường hợp nổ sung vào tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam, gồm: (a) Đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; (b) Khi biết rõ tàu thuyền do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn; (c) Khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội hoặc chở vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma tuý, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn; (d) Khi tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, quy định của pháp luật về hình sự cố tình chạy trốn. Bên cạnh đó, Luật quy định: “ Trường hợp nổ súng theo quy định tại khoản 2 Điều này, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào tàu thuyền; phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức” (khoản 3 Điều 14). Quy định này là cần thiết, phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, tránh áp dụng tùy tiện dẫn đến xâm phạm tính mạng và sức khỏe của người khác.

- Ngoài ra, Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định cụ thể về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (Điều 15); huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự (Điều 16); thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển (Điều 17); công bố, thông báo, thay đổi cấp độ an ninh hàng hải (Điều 18).

3.3. Hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam

Luật Cảnh sát biển Việt Nam xây dựng một mục về Hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam gồm 3 điều quy định về nguyên tắc, nội dung, hình thức hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng để Cảnh sát biển Việt Nam hợp tác với Cảnh sát biển/ lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn và vùng biển hòa bình, ổn định; nâng cao hiệu quả hoạt động và nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam.

- Về nguyên tắc hợp tác quốc tế, Điều 19 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định: (1) Thực hiện hợp tác quốc tế trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền; tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế; bảo đảm độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển; (2) Phát huy sức mạnh nội lực và sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, bảo đảm thực thi pháp luật trên biển.

- Về nội dung hợp tác quốc tế, Điều 20 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm 5 nội dung sau: (1) Phòng, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền; (2) Phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người, mua bán vũ khí trái phép, khủng bố, hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh bất hợp pháp, buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, khai thác hải sản bất hợp pháp và tội phạm, vi phạm pháp luật khác trên biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam; (3) Phòng, chống ô nhiễm và phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển; kiểm soát bảo tồn các nguồn tài nguyên biển; bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển; phòng, chống, cảnh báo thiên tai; hỗ trợ nhân đạo, ứng phó thảm họa; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam; (4) Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao trang bị, khoa học và công nghệ để tăng cường năng lực của Cảnh sát biển Việt Nam; (5) Các nội dung hợp tác quốc tế khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.

- Về hình thức hợp tác quốc tế, Điều 21 quy định bao gồm các hình thức sau: (1) Trao đổi thông tin về an ninh, trật tự, an toàn trên biển; (2) Tổ chức hoặc tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế về an ninh, trật tự, an toàn và thực thi pháp luật trên biển; (3) Tham gia ký kết thỏa thuận quốc tế với lực lượng chức năng của quốc gia khác, tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật; (4) Phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật trên biển; (5) Tham gia diễn tập, huấn luyện; tổ chức đón, thăm xã giao lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; (6) Thực hiện các hoạt động của cơ quan thường trực, cơ quan đầu mối liên lạc của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế; (7) Các hình thức hợp tác quốc tế khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế.

 4. Phối hợp hoạt động giữa Cảnh sát biển Việt Nam với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng

Luật Cảnh sát biển Việt Nam xây dựng riêng một chương về phối hợp hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam trong đó quy định rõ phạm vi, nguyên tắc, nội dung phối hợp của Cảnh sát biển Việt Nam với các cơ quan tổ chức, lực lượng chức năng thuộc Bộ, ngành, chính quyền địa phương, tạo điều kiện phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp trong quản lý, bảo vệ biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới; phát huy được sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đóng quân đội với các hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam.

4.1. Về phạm vi, nguyên tắc, nội dung phối hợp của Cảnh sát biển Việt Nam

            - Về phạm vi phối hợp, Điều 22 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định: (1) Cảnh sát biển Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; (2) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc phối hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng.

            - Về nguyên tắc phối hợp, Điều 23 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định: (1)Việc phối hợp phải trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật; không làm cản trở hoạt động hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển; (2). Cảnh sát biển Việt Nam và cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp phối hợp để giải quyết kịp thời các vụ việc và hỗ trợ nhau thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định; (3) Bảo đảm sự chủ trì, điều hành tập trung, thống nhất, giữ bí mật thông tin về quốc phòng, an ninh và biện pháp nghiệp vụ của cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng trong quá trình phối hợp; (4) Bảo đảm chủ động, linh hoạt, cụ thể và hiệu quả, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì, phối hợp; (5) Trên cùng một vùng biển, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng thì cơ quan, tổ chức, lực lượng nào phát hiện trước phải xử lý theo thẩm quyền do pháp luật quy định; trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình thì chuyển giao hồ sơ, người, tang vật, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật cho cơ quan, tổ chức, lực lượng có thẩm quyền chủ trì giải quyết. Cơ quan, tổ chức, lực lượng tiếp nhận có trách nhiệm thông báo kết quả điều tra, xử lý cho cơ quan, tổ chức, lực lượng chuyển giao biết.

            - Về nội dung phối hợp, Điều 24 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định: (1)Trao đổi thông tin, tài liệu; đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; (2) Bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển; (3) Bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cá nhân hoạt động hợp pháp trên biển; (4) Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật; đấu tranh, phòng, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền; (5) Phòng, chống thiên tai; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển; (6) Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân; (7) Thực hiện hợp tác quốc tế; (8) Thực hiện các hoạt động phối hợp khác có liên quan.

        4.2. Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phối hợp hoạt động đối với Cảnh sát biển Việt Nam

        Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngạng Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định của Chính phủ (Điều 25).

        5. Tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam

        Luật Cảnh sát biển Việt Nam dành một chương quy định về hệ thống tổ chức cơ bản của Cảnh sát biển Việt Nam; ngày truyền thống; tên giao dịch quốc tế; màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết phương tiện của Cảnh sát biển Việt Nam; con dấu của Cảnh sát biển Việt Nam và trang phục của Cảnh sát biển Việt Nam.

        - Để đảm bảo tính hệ thống, Luật quy định hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm: Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; đơn vị cấp cơ sở. Đồng thời, Luật giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này (Điều 26).

- Về Ngày truyền thống của Cảnh sát biển Việt Nam, Luật quy định là ngày 28 tháng 8 hàng năm (Điều 27). Việc quy định rõ ngày truyền thống của Cảnh sát biển trong Luật nhằm thể hiện rõ vai trò quan trọng của yếu tố xây dựng truyền thống lực lượng cũng như khẳng định sự lớn mạnh, trưởng thành của Cảnh sát biển trong thời gian qua.

- Về tên giao dịch quốc tế: Trên cơ sở kế thừa quy định của pháp luật hiện hành; để đảm bảo phù hợp, tính tương đồng với tên gọi lực lượng thực thi pháp luật trên thế giới, Luật Cảnh sát biển Việt Nam xác định tên giao dịch quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam là Vietnam Coast Guard (Điều 28).

- Về màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết phương tiện của Cảnh sát biển Việt Nam, Điều 29 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định: (1) Tàu thuyền, máy bay và các phương tiện khác của Cảnh sát biển Việt Nam có màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết riêng. Khi làm nhiệm vụ, tàu thuyền phải treo quốc kỳ Việt Nam và cờ hiệu Cảnh sát biển Việt Nam; (2). Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

- Về con dấu của Cảnh sát biển Việt Nam, Điều 30 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng con dấu có hình Quốc huy trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Về trang phục của Cảnh sát biển Việt Nam, Điều 31 Luật quy định cảnh hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, cảnh phục, lễ phục của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định của Chính phủ.

6. Bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với cảnh sát biển Việt Nam

6.1. Kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm cho Cảnh sát biển Việt Nam; trang bị của Cảnh sát biển Việt Nam

          - Về kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm cho Cảnh sát biển Việt Nam, trên cơ sở kế thừa hợp lý quy định của Pháp lệnh Cảnh sát biển, Điều 32 của Luật quy định: (1) Nhà nước bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất, đất đai, trụ sở, công trình cho hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; (2) Nhà nước ưu tiên đầu tư trang bị hiện đại, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ cho Cảnh sát biển Việt Nam.

          - Về trang bị của Cảnh sát biển Việt Nam, để đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ và tạo cơ sở pháp lý để đảm bảo trang bị cho Cảnh sát biển trong thực tế, Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định Cảnh sát biển Việt Nam được trang bị tàu thuyền, máy bay và phương tiện khác; các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao (khoản 1 Điều 33). Đồng thời, Luật quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết điều này.

          6.2. Cấp bậc, quân hàm, chức vụ, chế độ phục vụ, chế độ chính sách và quyền lợi của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam

          Trên cơ sở kế thừa quy định của Pháp lệnh Cảnh sát biển và để đảm bảo phù hợp với thực tiễn quản lý lực lượng Cảnh sát biển hiện nay, Điều 34 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định: (1) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, phong, thăng, giáng, tước cấp bậc, quân hàm, nâng lương, hạ bậc lương, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, chế độ phục vụ, thôi phục vụ, chế độ chính sách, quyền lợi và các quy định khác đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan; (2) Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam khi phục vụ tại ngũ được hưởng chế độ ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ.

          6.3. Điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào Cảnh sát biển Việt Nam; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam

            - Về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào Cảnh sát biển Việt Nam: để đảm bảo xây dựng lực lượng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, việc quy định điều kiện, tiêu chuẩn được tuyển chọn vào lực lượng Cảnh sát biển là cần thiết. Điều 35 Luật Cảnh sát biển quy định: (1) Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, lý lịch rõ ràng và tự nguyện phục vụ lâu dài trong Cảnh sát biển Việt Nam; (2) Có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, có kỹ năng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam; (3) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết Điều này. Nội dung điều luật đảm bảo việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; yêu cầu xây dựng Cảnh sát biển cũng như đảm bảo tính thống nhất về vai trò quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với Cảnh sát biển.

            - Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam: trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành của Pháp lệnh Cảnh sát biển, Điều 36 Luật Cảnh sát biển quy định cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ và kiến thức cần thiết khác phù hợp với nhiệm vụ và quyền hạn được giao; khuyến khích phát triển tài năng để phục vụ lâu dài trong Cảnh sát biển Việt Nam. Đây là căn cứ pháp lý để xây dựng các đề án, chương trình, nội dung về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển.

          7. Quản lý nhà nước và trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương đối với Cảnh sát biển Việt Nam

          7.1. Nội dung quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam

            Trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành của Pháp lệnh Cảnh sát biển đồng thời, chỉnh sửa đảm bảo kỹ thuật soạn thảo văn bản, Điều 37 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định nội dung quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm: (1) Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam; (2) Tổ chức, chỉ đạo hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; (3) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam; (4) Thực hiện chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; (5) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; sơ kết, tổng kết, khen thưởng, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; (6) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; (7) Hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam.

          7.2. Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận

          - Về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam: Luật Cảnh sát biển Việt Nam xác định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 38).

          - Về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Nghị định số 66/2010/NĐ-CP  ngày 14/6/2010 Ban hành Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 39 Luật Cảnh sát biển quy định: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tạo điều kiện cho Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng quỹ đất tại địa phương để xây dựng trụ sở đóng quân, trú đậu tàu thuyền, kho tàng, bến bãi; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam; thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định của pháp luật.

          - Về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Điều 40 Luật Cảnh sát biển quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam; giám sát đối với hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định của pháp luật.

          8. Điều khoản thi hành

          Chương VIII quy định về điều khoản thi hành. Theo đó, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019./.

 

Toàn văn của Luật Cảnh sát biển Việt Nam tại đây:

 

 
NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA LUẬT NHÀ Ở NĂM 2023
DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH
Đề cương tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV
TÀI LIỆU GIỚI THIỆU LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM NĂM 2020
TÀI LIỆU GIỚI THIỆU LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2020
TÀI LIỆU GIỚI THIỆU LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG NHIỄM VI RÚT GÂY RA HỘI CHỨNG SUY GIẢM MIỄN DỊCH MẮC PHẢI Ở NGƯỜI (HIV/AIDS) NĂM 2020
TÀI LIỆU GIỚI THIỆU LUẬT THỎA THUẬN QUỐC TẾ
TÀI LIỆU GIỚI THIỆU LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG
ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
TÀI LIỆU GIỚI THIỆU LUẬT CƯ TRÚ NĂM 2020
 Nhiều điểm mới trong Luật Phòng, chống ma túy năm 2021
TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN Công ước chống tra tấn.
GIỚI THIỆU Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm về công tác xây dựng Bộ pháp điển
ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2018
Đề cương Luật Xây dựng năm 2014
Đề cương giới thiệu Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Đề cương giới thiệu Luật Công chứng năm 2014
Đề cương giới thiệu Luật Hải quan năm 2014
Đề cương giới thiệu Luật đấu thầu

  • Mùa nào thức nấy
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm ngồi tám chuyện: - Bước vô mùa nắng nóng là lại gặp mấy chuyện phiền toái, nào là đi hứng từng xô nước; rồi cúp điện, rồi bụi bay mù trời…
  • Bí quyết
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau: - Nhìn chị lúc nào cũng tươi vui. Bí quyết là gì thế?
  • Ý kiến
    06/08/2024
    Nhân viên mới trò chuyện với nhân viên cũ sau cuộc họp: - Sếp mình nói, là mai mốt chúng ta họp nội bộ cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến, không có gì phải ngại hết. Tốt quá anh ha…
Số lượt truy cập: 1785842