13/04/2015 15:50        

Đề cương giới thiệu Luật Hải quan năm 2014

BỘ TƯ PHÁP

VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

_________________

BỘ TÀI CHÍNH

TỔNG CỤC HẢI QUAN

_____________

 

 

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT HẢI QUAN

______________________

 

Ngày 23/6/2014, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật hải quan số 54/2014/QH13 (sau đây gọi là Luật hải quan năm 2014). Ngày 30/6/2014, Chủ tịch nước ký Lệnh số 12/2014/L-CTN công bố Luật hải quan. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.

I. SỰ CẦN THIẾT SỬA ĐỔI LUẬT HẢI QUAN

Luật Hải quan được Quốc hội thông qua ngày 29.6.2001, có hiệu lực từ ngày 1.1.2002 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hải quan được Quốc hội thông qua ngày 14.6.2005, có hiệu lực thi hành từ 1.1.2006 (dưới đây gọi chung là Luật hải quan hiện hành). Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật hải quan hiện hành đã góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh phát triển, bảo đảm an ninh kinh tế, lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia, đã đạt được kết quả quan trọng sau:

Một là, Luật hải quan hiện hành đã tạo khung pháp lý cơ bản, đồng bộ với các chuẩn mực hải quan quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập giai đoạn 2001 - 2005; góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về hải quan và hiện đại hóa hoạt động quản lý hải quan, chuyển một bước từ phương thức quản lý thủ công sang phương thức quản lý hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin và thủ tục hải quan điện tử.

Hai là, Luật hải quan hiện hành đã tạo điều kiện để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh chủ quyền đất nước.

Ba là, Luật hải quan hiện hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để ngành Hải quan thực thi nhiệm vụ thu đúng, thu đủ các sắc thuế liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và thu khác vào ngân sách quốc gia.

Bốn là, Luật hải quan hiện hành đã đáp ứng được yêu cầu từng bước hội nhập kinh tế quốc tế ở thời điểm ban hành và có hiệu lực.

Năm là, Luật hải quan hiện hành đã tạo cơ sở để xây dựng, kiện toàn tổ chức, bộ máy, lực lượng Hải quan Việt Nam từng bước hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả; công chức hải quan được nâng cao về trình độ, năng lực, phẩm chất, với định hướng phát triển nhằm ngang tầm với Hải quan các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật hải quan hiện hành cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đáng chú ý trong số đó là:

- Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải tiếp tục bổ sung cơ sở pháp lý, phải tăng cường hợp tác hải quan và hội nhập hải quan quốc tế. Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định, điều ước quốc tế song phương, đa phương; theo đó, đã thực hiện hoạt động kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu tại địa điểm kiểm tra chung với các nước láng giềng, kiểm tra hàng hóa từ nước xuất khẩu; cử cán bộ hải quan ra nước ngoài thu thập thông tin, thực hiện các hoạt động nghiệp vụ hải quan và tiếp nhận công chức hải quan nước ngoài đến Việt Nam thực hiện các hoạt động tương ứng theo các hiệp định đã ký. Luật hiện hành chưa quy định nội dung này. Một số chuẩn mực hải quan quốc tế chưa được nội luật hoặc nội luật chưa đầy đủ, từ khái niệm đến các quy định quản lý hải quan mới theo công ước Kyoto, Hiệp định GMS, Khung tiêu chuẩn về An ninh và Tạo thuận lợi thương mại toàn cầu của Tổ chức Hải quan thế giới cũng như các chế định để thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN…

- Luật chưa tạo điều kiện pháp lý đầy đủ cho việc hiện đại hóa hải quan mà trước hết là triển khai rộng rãi, phổ biến thủ tục hải quan điện tử; chưa quy định thủ tục hải quan đối với các loại hình hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa gia công, hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu trong khi thực tế các loại hình này phát triển mạnh và được Luật thương mại, các Luật thuế quy định.

- Các quy định về thủ tục hải quan, hoạt động kiểm tra giám sát hải quan từ hồ sơ đến quy trình khai hải quan, việc áp dụng chế độ quản lý hải quan đối với các loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu; các quy định về địa điểm làm thủ tục hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và thông quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh trong Luật hiện hành chủ yếu theo phương thức thủ công truyền thống đã bộc lộ những bất hợp lý cản trở việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình nghiệp vụ và tiến trình hiện đại hóa hải quan.

- Luật chưa xác định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan hải quan, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu của cơ quan chuyên ngành tại cửa khẩu để bảo đảm thông quan hàng hóa nhanh, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước; chưa quy định về cơ chế một cửa quốc gia tiến tới một cửa ASEAN trong việc thực hiện thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu; chưa quy định cụ thể về tiêu chuẩn trong việc quy hoạch các khu vực cảng, cửa khẩu nhằm bảo đảm các điều kiện để trang bị máy móc thiết bị phục vụ hoạt động quản lý nhà nước tại cảng, cửa khẩu trong đó có công tác hải quan. Luật cũng chưa có quy định về quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia trong việc quản lý, lưu giữ hàng hóa xuất, nhập khẩu như doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu.

- Các quy định về phạm vi, biện pháp, trách nhiệm của cơ quan hải quan, của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong Luật Hải quan hiện hành chưa đầy đủ so với thực tế tổ chức triển khai thực hiện, một số quy định hiện đang được thực hiện tại các văn bản dưới Luật dẫn đến những hạn chế hiệu quả hoạt động của công tác này.

- Trong quá trình thực hiện quản lý thu thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các quy định liên quan đến chính sách quản lý thu theo các Luật thuế và Luật Quản lý thuế đã thay đổi chưa được quy định đồng bộ trong Luật Hải quan dẫn đến những hạn chế trong công tác tổ chức thu thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Công cuộc đổi mới đất nước yêu cầu hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế đối ngoại trước mắt cũng như lâu dài đòi hỏi phải khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hải quan hiện hành, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thông thoáng, thống nhất, đồng bộ cho hiện đại hóa hoạt động hải quan, áp dụng rộng rãi, phổ biến hải quan điện tử, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; cũng như yêu cầu cải cách hành chính, cải cách thủ tục hải quan hướng tới hoạt động hải quan công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật hải quan hiện hành là rất cần thiết.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VÀ MỤC TIÊU CHỦ YẾU XÂY DỰNG LUẬT HẢI QUAN NĂM 2014

1. Quan điểm chỉ đạo

Quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật hải quan năm 2014 là đổi mới toàn diện hoạt động hải quan thông qua tạo điều kiện áp dụng quản lý hải quan hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần bảo vệ lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia; góp phần thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao sức cạnh tranh trong nước và quốc tế của các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

2.  Mục tiêu chủ yếu xây dựng Luật hải quan năm 2014

a) Góp phần tạo nền tảng pháp luật thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 đã được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Chiến lược phát triển ngành Tài chính, chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tháo gỡ vướng mắc phát sinh, bất cập chồng chéo trong hệ thống pháp luật hải quan, đảm bảo đồng bộ với các pháp luật liên quan.

b) Sửa đổi, bổ sung những quy định phù hợp với các cam kết quốc tế Việt Nam mới tham gia nhất là từ khi gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) và chuẩn bị cơ sở pháp luật để phục vụ hội nhập sâu, rộng hơn trong giai đoạn tới.

 c) Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm cải cách thủ tục hải quan theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, thuận tiện, thống nhất, tạo thuận lợi thương mại, thực hiện hải quan điện tử, một cửa quốc gia.

d) Nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh kinh tế; trong phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan với cơ quan hải quan trong việc thực hiện pháp luật hải quan.

III. BỐ CỤC CỦA LUẬT HẢI QUAN NĂM 2014

Luật hải quan năm 2014 được bố cục thành 8 chương gồm 104 điều, cụ thể:

- Chương I: Những quy định chung: gồm 11 điều (từ Điều 1 đến Điều 11).

- Chương II: Nhiệm vụ, tổ chức của hải quan: gồm 4 điều (từ Điều 12 đến Điều 15).

- Chương III: Thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan: có 67 điều, chia thành 9 mục (từ Điều 16 đến Điều 82).

   + Mục 1. Quy định chung

   + Mục 2. Chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp

   + Mục 3. Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, tài sản di chuyển, hành lý

   + Mục 4. Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu

   + Mục 5. Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa tại kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ

   + Mục 6. Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan

   + Mục 7. Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với phương tiện vận tải

   + Mục 8. Kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

   + Mục 9. Kiểm tra sau thông quan

- Chương IV: Tổ chức thu thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu: gồm 4 điều (từ Điều 83 đến Điều 86).

- Chương V: Phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới: gồm 6 điều (từ Điều 87 đến Điều 92).

- Chương VI: Thông tin hải quan và thống kê hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; gồm 6 điều, chia thành 2 mục (từ Điều 93 đến Điều 98).

   + Mục 1. Thông tin hải quan

   + Mục 2. Thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

- Chương VII: Quản lý nhà nước về hải quan: gồm 2 điều (Điều 99 Điều 100).

- Chương VIII: Điều khoản thi hành: gồm 4 điều (từ Điều 101 đến Điều 104).

IV. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT HẢI QUAN NĂM 2014

1. Những quy định chung (Chương I)

Chương này gồm 11 điều, cơ bản kế thừa quy định của Luật hiện hành, sửa đổi một số điểu, bổ sung điều quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hải quan. Nội dung của chương này quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; chính sách về hải quan; nguyên tắc áp dụng điều ước quốc tế, tập quán và thông lệ quốc tế liên quan đến hải quan; hoạt động hợp tác quốc tế về hải quan; địa bàn hoạt động của hải quan; hiện đại hóa quản lý hải quan; phối hợp thực hiện pháp luật về hải quan; giám sát thi hành pháp luật về hải quan; các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hải quan. Cụ thể như sau:

1.1.  Đối tượng áp dụng (Điều 2)

Điều 3 Luật hải quan hiện hành chỉ quy định đối tượng áp dụng Luật Hải quan là các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện việc xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải.

Để bảo đảm bao quát các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật hải quan và tăng cường hiệu quả của quản lý hải quan tại Điều 2 Luật hải quan năm 2014 đã bổ sung đối tượng áp dụng của Luật hải quan là: Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, phương tiện vận tải.

1.2. Giải thích từ ngữ (Điều 4)

Để bảo đảm tính khái quát, thống nhất trong cách hiểu và sử dụng, Điều 4 Luật hải quan năm 2014 đã sửa đổi các thuật ngữ: hàng hóa; người khai hải quan; giám sát hải quan; kiểm tra hải quan; thông quan; chuyển cửa khẩu; kho bảo thuế; chuyển tải và bổ sung các thuật ngữ: phân loại hàng hóa; xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan; rủi ro; quản lý rủi ro; hồ sơ hải quan; trị giá hải quan; địa điểm thu gom hàng lẻ; cơ chế một cửa quốc gia, thông tin hải quan.

1.3. Hoạt động hợp tác quốc tế về hải quan (Điều 6)

Hiện nay, hợp tác quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế như: ASEAN, APEC, WTO, WCO cũng như các nước và các vùng lãnh thổ. Trong khuôn khổ các tổ chức này có nhiều hoạt động hợp tác về hải quan nên cần có cơ sở pháp lý để thực hiện. Bên cạnh đó, trong khuông khổ các cam kết quốc tế song phương, đa phương, Việt Nam có nghĩa vụ cử cán bộ ra nước ngoài và có nghĩa vụ tiếp nhận cán bộ nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các nhiệm vụ như điều tra, xác minh thong tin, thực hiện kiểm tra hai quan chung, do đó tại Điều 6 Luật hải quan năm 2014 đã quy định theo hướng khái quát các hoạt động hợp tác quốc tế về hải quan mà hải quan Việt Nam có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật. Theo đó, bổ sung các quy định:

- Cơ quan hải quan có trách nhiệm thực hiện quyền, nghĩa vụ và lợi ích của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế có liên quan về hải quan, tại các nước và vùng lãnh thổ;

- Cử công chức hải quan Việt Nam ra nước ngoài và tiếp nhận công chức hải quan nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế đã ký kết;

1.4. Về địa bàn hoạt động hải quan (Điều 7)

Điều 6 Luật hải quan hiện hành đã chỉ rõ địa bàn hoạt động hải quan bao gồm các địa điểm có ranh giới xác định như: khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng biển quốc tế, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, khu chế xuất, kho ngoại quan, kho bảo thuế,...; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của cơ quan hải quan trong phạm vi địa bàn. Việc quy định như vậy là chưa đầy đủ và chưa đáp ứng được thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện còn phát sinh một số vướng mắc: (i) Một số khu vực lưu giữ hàng hóa đang chịu sự giám sát của hải quan như: kho bảo quản hàng hóa đang chờ hoàn thành thủ tục hải quan, khu vực cách ly lưu giữ hàng hóa để thực hiện việc kiểm dịch, nơi tập kết hàng hóa chờ làm thủ tục xuất khẩu… chưa được coi là địa bàn hoạt động hải quan; (ii) Hàng hóa được phép xuất khẩu, nhập khẩu, qua lối mở, đáp ứng theo đặc thù kinh tế - xã hội vùng miền của một số địa phương nhưng ở nơi này chưa quy định là địa bàn hoạt động hải quan.

Để khắc phục một số bất cập trong quá trình thực hiện, tại Điều 7 Luật hải quan năm 2014 quy định địa bàn hoạt động hải quan theo hướng ngoài những địa điểm đã được xác định như Luật hải quan hiện hành bổ sung thêm các địa điểm:  Khu vực, địa điểm khác đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, được phép xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; khu vực đang lưu giữ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan là địa bàn hoạt động hải quan. Đồng thời, chuẩn hóa lại tên gọi của cảng biển, cảng thủy nội địa cho phù hợp với pháp luật có liên quan (Luật hàng hải, Luật giao thông đường thủy).

1.5. Về hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hải quan (Điều 10)

Để bảo đảm công tác quản lý hải quan, tạo cơ sở cho việc định ra các hành vi và hình thức xử phạt vi phạm, Luật hải quan năm 2014 đã bổ sung một điều quy định hành vi bị nghiêm cấm đối với công chức hải quan và các hành vi bị nghiêm cấm đối với người khai hải quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải.

2. Nhiệm vụ, tổ chức của hải quan (Chương II)

Chương này cơ bản giữ nguyên như quy định hiện hành, trong đó sửa Điều 13, Điều 14 Luật hiện hành về hệ thống tổ chức của Hải quan và công chức hải quan. Cụ thể như sau:

2.1. Về hệ thống tổ chức Hải quan (Điều 14)

Theo Luật Hải quan hiện hành, hệ thống tổ chức bộ máy của ngành Hải quan gồm 3 cấp: Tổng cục Hải quan; Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chi cục Hải quan cửa khẩu, Đội Kiểm soát hải quan và đơn vị tương đương.

 Trong điều kiện hội nhập quốc tế và quá trình hiện đại hóa hoạt động hải quan hiện nay, việc tổ chức cơ quan hải quan phải đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời bảo đảm hệ thống tổ chức hải quan chặt chẽ, tinh gọn, hiệu quả trong điều kiện ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong công tác quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, người và phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh. Đây cũng là xu hướng tổ chức của hải quan các nước trên thế giới hiện nay. Vì vậy, trên cơ sở kế thừa quy định về tổ chức bộ máy tại Luật hải quan hiện hành, Luật hải quan năm 2014 bổ sung quy định có tính chất nguyên tắc trong việc thành lập Cục hải quan để trên cơ sở đó Chính phủ quy định các tiêu chí thành lập Cục hải quanChính phủ căn cứ vào khối lượng công việc, quy mô, tính chất hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, đặc thù, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn để quy định tiêu chí thành lập Cục Hải quan; quy định cụ thể tổ chức, nhiệm vụ, hoạt động của Hải quan các cấp”.

2.2. Về công chức hải quan (Điều 15)

Luật hải quan năm 2014 đã sửa đổi quy định hiện hành về công chức hải quan bảo đảm phù hợp Luật cán bộ, công chức: Công chức hải quan là người có đủ điều kiện được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan hải quan; được đào tạo, bồi dưỡng và quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

3. Thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan (Chương III)

Chương này được xây dựng trên cơ sở những nội dung quy định tại Chương III Luật hải quan hiện hành còn phù hợp, bổ sung một số nội dung mới và bố cục lại trên cơ sở chuẩn hoá chế độ quản lý hải quan đối với hàng hoá. Nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản như sau:

3.1. Quy định chung

Mục này có 26 điều gồm các nội dung quy định chung về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan. Trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung sau:

a)                          Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hải quan (Điều 16, Điều 17)

Luật hải quan hiện hành chưa đề cập đến thuật ngữ “quản lý rủi ro”, tuy nhiên, tại các Điều 28, 29, 30 quy định cụ thể các trường hợp kiểm tra hải quan, miễn kiểm tra hải quan, do đó việc lựa chọn đối tượng kiểm tra trở nên cứng nhắc, không phù hợp với nguyên tắc quản lý rủi ro.

Đ đảm bảo cơ sở pháp lý áp dụng quản lý rủi ro một cách đầy đủ, có hiệu quả, phù hợp với các Chuẩn mực của Công ước Kyoto sửa đổi, tại Điều 16 và Điều 17 Luật hải quan năm 2014 đã quy định cụ thể về quản lý rủi ro như sau:

- Kiểm tra, giám sát hải quan được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro nhằm đảm bảo hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

- Phạm vi áp dụng quản lý rủi ro: quyết định việc kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các hoạt động phòng, chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

- Quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan bao gồm việc thu thập, xử lý thông tin hải quan; xây dựng tiêu chí và tổ chức đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người khai hải quan, phân loại mức độ rủi ro; tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý hải quan phù hợp.

- Cơ quan Hải quan quản lý, ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ để tự động tích hợp, xử lý dữ liệu phục vụ việc áp dụng quản lý rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ hải quan.

b) Đại lý làm thủ tục hải quan (Điều 20)

            Việc thay đổi phương thức khai hải quan chủ yếu theo phương thức điện tử, đặt ra yêu cầu có cơ sở pháp lý tạo điều kiện hỗ trợ đại lí phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Do đó, tại Điều 20 Luật hải quan năm 2014 đã sửa đổi, bổ sung quy định về đại lý làm thủ tục hải quan, trong đó quy định rõ: các điều kiện của đại lý làm thủ tục hải quan và nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan; quyền và nghĩa vụ của đại lý làm thủ tục hải quan và nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan.

            c) Địa điểm làm thủ tục hải quan (Điều 22)

Điều 17 Luật hải quan hiện hành chỉ quy định địa điểm làm thủ tục hải quan là trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu, trụ sở Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu. Luật cũng chưa quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc bố trí địa điểm làm thủ tục hải quan, khu vực xếp hàng hoá, khu vực kiểm tra thực tế hàng hóa khi quy hoạch, xây dựng cảng, cửa khẩu… Do đó, nhiều cảng, cửa khẩu, khu phi thuế quan khi được thành lập không có mặt bằng để bố trí địa điểm làm thủ tục hải quan, hàng hoá được xếp đặt không khoa học, không phân biệt khu vực chứa hàng hoá xuất nhập khẩu với khu vực chứa hàng hoá nội địa nên khó khăn cho công tác giám sát hải quan.

Để phù hợp với việc triển khai thủ tục hải quan điện tử, theo đó tiếp nhận và xử lý tờ khai có thể tiến hành theo cơ chế một cửa quốc gia, theo mô hình xử lý tập trung tại cấp Cục, Tổng cục, không nhất thiết phải thực hiện ở Chi cục, tại Điều 22 Luật hải quan năm 2014 sửa đổi quy định về địa điểm làm thủ tục hải quan theo hướng quy định rõ địa điểm theo từng bước, từng khâu của thủ tục hải quan: địa điểm tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ hải quan; địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa.

Đồng thời, Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc bố trí địa điểm làm thủ tục hải quan và nơi lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát hải quan.

d) Thời hạn cơ quan hải quan làm thủ tục hải quan (Điều 23)

            Để bảo đảm tính minh bạch đồng thời giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, tại Điều 23 của Luật hải quan năm 2014 đã quy định rõ công chức hải quan kiểm tra hồ sơ chậm nhất 2 giờ làm việc kể từ thời điểm cơ quan hải quan tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hải quan; thời gian kiểm tra thực tế hàng hoá là 8 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hoá cho cơ quan hải quan (theo Luật hải quan hiện hành là 02 ngày làm việc); trường hợp cần thiết phải gia hạn thì thời gian gia hạn tối đa không quá 2 ngày. Khoản 4 Điều 23 Luật hải quan năm 2014 cũng quy định rõ: Cơ quan hải quan thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa vào ngày lễ, ngày nghỉ và ngoài giờ làm việc để bảo đảm kịp thời việc xếp dỡ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, việc xuất cảnh, nhập cảnh của hành khách, phương tiện vận tải hoặc trên cơ sở đề nghị của người khai hải quan và phù hợp với điều kiện thực tế của địa bàn hoạt động hải quan.

đ) Hồ sơ hải quan (Điều 24), thời hạn nộp hồ sơ hải quan (Điều 25)

            - Hồ sơ hải quan

            Theo quy định tại Điều 22 Luật hải quan hiện hành, hồ sơ hải quan gồm 5 loại: tờ khai; hóa đơn thương mại; hợp đồng mua bán; giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu (nếu có) và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế cơ quan hải quan chỉ cần đầy đủ các chứng từ này trong một số trường hợp cần thiết; ngoài ra Luật chưa quy định cụ thể thời hạn công chức hải quan kiểm tra hồ sơ hải quan nên dễ dẫn đến tùy tiện, gây khó khăn cho người khai hải quan.

Để khắc phục bất cập nêu trên, tạo điều kiện để đơn giản hóa các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, Luật hải quan năm 2014 quy định chung thống nhất về hồ sơ hải quan theo đó: chỉ có tờ khai hải quan là chứng từ bắt buộc phải có khi làm thủ tục hải quan; đối với các chứng từ khác thuộc hồ sơ hải quan, Luật giao Bộ Tài chính quy định cụ thể trường phải nộp hoặc xuất trình phù hợp với quy định của pháp luật liên quan iều 24).

Đối với trường hợp áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, khoản 3 Điều 24 Luật hải quan năm 2014 quy định cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra, miễn kiểm tra chuyên ngành dưới dạng điện tử thông qua hệ thống thông tin tích hợp (người khai hải quan không phải nộp chứng từ này).

            - Thời hạn nộp hồ sơ hải quan

            Luật hải quan năm 2014 không quy định người khai hải quan phải nộp các chứng từ đi kèm tờ khai ngay khi đăng ký tờ khai hải quan điện tử mà chỉ quy định việc nộp các chứng từ này khi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra hồ sơ hải quan. Quy định như vậy đã tạo điều kiện cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa hồ sơ đối với trường hợp không thuộc diện kiểm tra thực tế hàng hóa, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu.

            e) Phân loại hàng hóa (Điều 26)

Việc phân loại hàng hóa được quy định tại Điều 72 Luật hải quan hiện hành thuộc Chương “tổ chức thu thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”. Luật hiện hành chưa quy định khái niệm phân loại hàng hóa, nguyên tắc khi phân loại.

Luật hải quan năm 2014 đã bổ sung khái niệm phân loại hàng hoá tại Điều 4 và sửa đổi quy định về phân loại hàng hóa tại Điều 26 quy định cụ thể về phân loại hàng hóa và phạm vi áp dụng phân loại hàng hóa, theo đó:

- Phân loại hàng hoá để xác định mã số hàng hóa làm cơ sở tính thuế và thực hiện chính sách quản lý hàng hóa.

- Khi phân loại hàng hóa phải căn cứ hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để xác định tên gọi, mã số của hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Để bảo đảm tính thống nhất giữa Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam với các danh mục quản lý, điều hành hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, khoản 3 khoản 4 Điều 26 đã quy định rõ:

- Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam thống nhất trong toàn quốc. 

- Trên cơ sở Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Danh mục hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành do Chính phủ quy định, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành mã số hàng hóa thống nhất với mã số thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.   

Quy định nêu trên sẽ khắc phục được tình trạng danh mục hàng hóa thuộc diện cấm xuất nhập khẩu hoặc quản lý chuyên ngành do các Bộ, Ngành ban hành không kèm theo mã số hàng hóa, chậm công bố mã số hàng hóa hoặc có mã số hàng hóa không thống nhất với mã số hàng hóa tại Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam gây khó khăn cho cơ quan hải quan và doanh nghiệp khi thực hiện; bổ sung quy định xác định rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính ban hành Danh mục mã số hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thống nhất trong toàn quốc phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

g) Xác định xuất xứ hàng hóa (Điều 27)

 Để nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, tạo cơ sở pháp lý cho việc tự chứng nhận xuất xứ của người xuất khẩu, người sản xuất; điều tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại nước xuất khẩu, nước sản xuất; việc sử dụng kết quả xác minh, điều tra để áp dụng ưu đãi thuế quan, chính sách quản lý đối với hàng hóa nhập khẩu đồng thời nâng cao năng lực của cơ quan hải quan trong việc xác định xuất xứ hàng hóa, Luật hải quan năm 2014 đã bổ sung 01 điều (Điều 27) quy định:

- Đối với hàng hóa xuất khẩu: Trường hợp có nghi ngờ về xuất xứ, cơ quan hải quan yêu cầu người khai hải quan cung cấp chứng từ, tài liệu liên quan đến xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Trong khi chờ kết quả kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, hàng hóa xuất khẩu được thông quan theo quy định.

- Đối với hàng hóa nhập khẩu: Cơ quan hải quan kiểm tra, xác định xuất xứ trên cơ sở nội dung khai của người khai hải quan, chứng từ chứng nhận xuất xứ, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan và kết quả kiểm tra thực tế hàng hoá. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu phát hành hoặc do người sản xuất, người xuất khẩu hoặc người nhập khẩu tự chứng nhận theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

+ Trường hợp có nghi ngờ về xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại nước sản xuất hàng hóa theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Kết quả kiểm tra, xác minh xuất xứ có giá trị pháp lý để xác định xuất xứ hàng hóa nhập khẩu.

+ Trong khi chờ kết quả kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, hàng hóa nhập khẩu được thông quan theo quy định nhưng không được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Số thuế chính thức phải nộp căn cứ vào kết quả kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa.

h) Xác định mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trước khi làm thủ tục hải quan (Điều 28)

Để giúp doanh nghiệp chủ động xác định trước về chính sách xuất nhập khẩu, nghĩa vụ thuế đối với hàng hóa dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu, tính toán trước hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, giảm các trường hợp tranh chấp giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan về việc áp mã, xác định giá tính thuế, xuất xứ hàng hóa khi làm các thủ tục thong quan phù hợp với quy định của Công ước Kyoto cũng như các cam kết quốc tế trong khuôn khổ WTO, ASEAN, Điều 28 Luật hải quan đã bổ sung cơ chế cơ quan hải quan thực hiện xác định trước cho doanh nghiệp về mã số, xuất xứ, trị giá hải quan. Cụ thể:

- Quy định về khái niệm xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hoá (điều 4);

- Quy định các nội dung về quyền, nghĩa vụ của người khai hải quan liên quan đến xác định trước trong lĩnh vực hải quan vào (điều 18);

 - Quy định về thủ tục xác định trước (Điều 28). Theo đó, trường hợp người khai hải quan đề nghị cơ quan hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu, người khai hải quan cung cấp thông tin, chứng từ liên quan, mẫu hàng hóa dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu hoặc tài liệu kỹ thuật liên quan cho cơ quan hải quan để cơ quan hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan. Kết quả xác định trước được cơ quan hải quan thông báo bằng văn bản, có giá trị pháp lý để cơ quan hải quan làm thủ tục hải quan khi hàng hóa thực xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với thông tin, chứng từ liên quan, mẫu hàng hóa mà người khai hải quan đã cung cấp.

Luật hải quan năm 2014 cũng quy định việc giải quyết đối với trường hợp người khai hải quan không đồng ý với kết quả xác định trước.

i) Khai hải quan (Điều 29)

- Phương thức khai

Luật hải quan hiện hành cơ bản được xây dựng trên cơ sở thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức truyền thống, người khai hải quan trực tiếp nộp hồ sơ giấy và cơ quan hải quan trực tiếp kiểm tra bằng mắt thường.

Với việc triển khai ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong thủ tục hải quan và quản lý hải quan, tại khoản 2 Điều 29 Luật hải quan năm 2014 đã quy định  thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ phương thức truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử, theo đó: việc khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử, việc khai trên tờ khai giấy chỉ áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể do Chính phủ quy định.

            - Về khai bổ sung

Điều 22 Luật hải quan hiện hành quy định người khai hải quan được bổ sung, sửa chữa tờ khai trong thông quan nhưng chưa có quy định về khai bổ sung sau thông quan.

Trên cơ sở tham khảo quy định tại Công ước Kyoto và Luật Hải quan một số nước như Cộng đồng Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, Điều 29  Luật hải quan năm 2014 quy định về khai bổ sung để bảo đảm bao quát các trường hợp phát sinh trong thực tế. Cụ thể:

- Đối với hàng hóa đang làm thủ tục hải quan: trước thời điểm cơ quan hải quan thông báo việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan;

- Đối với hàng hóa đã được thông quan: trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông quan và trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra, trừ trường hợp nội dung khai bổ sung liên quan đến giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm;

- Quá thời hạn nêu trên, người khai hải quan được thực hiện khai bổ sung nhưng bị xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Đồng thời, tại khoản 3 Điều 101 Luật hải quan năm 2014 quy định sửa đổi quy định về khai bổ sung tại khoản 2 Điều 34 Luật quản lý thuế theo hướng việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế thực hiện theo quy định của Luật hải quan.

            k) Đăng ký tờ khai hải quan (Điều 30)

Điều 28 Luật hải quan hiện hành chỉ quy định về việc kiểm tra hồ sơ trước khi đăng ký tờ khai hải quan mà chưa quy định rõ địa điểm, thời điểm đăng ký tờ khai hải quan. 

Để bảo đảm tính minh bạch, tại Điều 30 Luật hải quan năm 2014 đã quy định:

- Địa điểm đăng ký tờ khai hải quan: Địa điểm làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nơi hàng đến; địa điểm làm thủ tục hải quan nơi hàng hoá được chuyển cửa khẩu đến; địa điểm làm thủ tục hải quan nơi lưu giữ hàng hóa.

- Phương thức đăng ký tờ khai hải quan: Tờ khai điện tử được đăng ký theo phương thức điện tử, tờ khai giấy được đăng ký trực tiếp tại cơ quan hải quan

- Tờ khai hải quan được đăng ký sau khi cơ quan hải quan chấp nhận việc khai của người khai hải quan. Thời điểm đăng ký được ghi trên tờ khai hải quan.

Trong trường hợp không chấp nhận đăng ký tờ khai hải quan cơ quan hải quan thông báo lý do bằng văn bản giấy hoặc qua phương thức điện tử cho người khai hải quan biết.

            l) Kiểm tra hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan (Điều 31 đến Điều 34)

            - Các Điều 28, 30 Luật hải quan hiện hành quy định cụ thể các trường hợp kiểm tra, được miễn kiểm tra đã làm cho việc xác định đối tượng kiểm tra thực hiện theo phương thức cứng nhắc, hạn chế việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, dễ dẫn đến người khai hải quan lợi dụng nhằm buôn lậu, gian lận thương mại, trốn tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan;

            Để đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, phù hợp với thủ tục hải quan điện tử; tại các điều từ Điều 31 đến Điều 34 Luật hải quan năm 2014 đã quy định về kiểm tra hải quan như sau:

            - Căn cứ kết quả phân tích, đánh giá rủi ro và các thông tin có liên quan đến hàng hoá, thủ trưởng cơ quan hải quan nơi xử lý hồ sơ hải quan quyết định kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa (Điều 31);

            - Quy định nội dung kiểm tra hồ sơ, việc thực hiện kiểm tra thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc trực tiếp bởi công chức hải quan (Điều 32);

            - Về kiểm tra thực tế hàng hóa:

               + Quy định các trường hợp được miễn kiểm tra thực tế, các trường hợp kiểm tra thực tế hàng hóa phù hợp với nguyên tắc quản lý rủi ro (Điều 33).

               + Bổ sung quy định việc kiểm tra thực tế hàng hóa khi vắng mặt người khai hải quan thông qua các hình thức: kiểm tra không xâm nhập qua máy soi, kiểm tra thông qua thiết bị kỹ thuật, biện pháp nghiệp vụ khác để tạo cơ sở pháp lý giúp cơ quan hải quan chủ động phát hiện vi phạm đưa ra biện pháp xử lý kịp thời (Điều 34).

m) Trách nhiệm kiểm tra hàng hóa, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động hải quan (Điều 35)

Để bảo đảm yêu cầu giám sát trong khi chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành; đồng thời phân định rõ trách nhiệm của cơ quan hải quan và các cơ quan kiểm tra chuyên ngành trong việc giám sát hàng hóa trong quá trình kiểm tra, thông báo kết quả kiểm tra, làm thủ tục thông quan hàng hóa, Điều 35 Luật hải quan năm 2014 quy định rõ:

- Trường hợp phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, y tế, văn hoá, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm thì cơ quan hải quan căn cứ kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành để quyết định việc thông quan.

- Hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành phải được lưu giữ tại cửa khẩu cho đến khi được thông quan. Trường hợp đưa về địa điểm khác để tiến hành việc kiểm tra chuyên ngành hoặc chủ hàng hóa có yêu cầu đưa hàng hóa về bảo quản, thì địa điểm lưu giữ phải đáp ứng điều kiện về giám sát hải quan và hàng hóa đó chịu sự giám sát của cơ quan hải quan cho đến khi được thông quan.

- Chủ hàng hóa chịu trách nhiệm bảo quản, lưu giữ hàng hóa tại địa điểm kiểm tra chuyên ngành hoặc địa điểm lưu giữ của chủ hàng hóa cho đến khi cơ quan hải quan quyết định thông quan.

- Cơ quan kiểm tra chuyên ngành có trách nhiệm thông báo kết quả kiểm tra cho cơ quan hải quan trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra.

n) Giải phóng hàng hóa, Thông quan (Điều 36, 37)

            Luật hải quan hiện hành chưa quy định về giải phóng hàng. Xác định giải phóng hàng hóa là một bước trong chuỗi thủ tục hải quan (Điều 21), Luật hải quan năm 2014 đã bổ sung 01 điều (Điều 36) quy định về giải phóng hàng hóa, đồng thời sửa đổi, bổ sung khái niệm thông quan (Điều 4) và quy định về thông quan tại Điều 37. Cụ thể như sau:

            - Giải phóng hàng hóa là việc cơ quan hải quan cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá khi đã đủ các điều kiện: Hàng hóa đủ điều kiện để được xuất khẩu, nhập khẩu nhưng chưa xác định số thuế chính thức phải nộp; người khai hải quan đã nộp thuế hoặc được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế trên cơ sở tự kê khai, tính thuế của người khai hải quan.

            - Thông quan: áp dụng đối với hàng hoá đã hoàn thành thủ tục hải quan.

            Điều 37 Luật hải quan năm 2014 cũng quy định cụ thể việc thông quan đối với một số trường hợp đặc thù như như chưa nộp thuế, bị xử phạt vi phạm hành chính…Luật cũng quy định:

            - Đối với hàng hóa phải kiểm tra, phân tích, giám định để xác định có được phép xuất khẩu, nhập khẩu hay không, cơ quan hải quan chỉ thực hiện thông quan hàng hóa sau khi xác định hàng hoá được phép xuất khẩu, nhập khẩu trên cơ sở kết luận kiểm tra, phân tích, giám định theo quy định của pháp luật hoặc thông báo miễn kiểm tra theo quy định của pháp luật.

            o) Giám sát hải quan (từ Điều 38 - Điều 41)

            Để khắc phục những bất cập của Luật hải quan hiện hành, Luật hải quan năm 2014 sửa đổi khái niệm về giám sát hải quan tại Điều 4; và quy định cụ thể hơn về giám sát hải quan với nội dung sửa đổi, bổ sung về: phương thức giám sát, thời gian giám sát, trách nhiệm của cơ quan hải quan trong hoạt động giám sát, trách nhiệm của người khai hải quan, người chỉ huy hoặc người điều khiển phương tiện vận tải, doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng trong hoạt động giám sát hải quan.

            3.2. Chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp

            Luật hải quan hiện hành (tại Điều 30) quy định: đối với doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật về hải quan được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa; chưa quy định điều kiện xác định doanh nghiệp này và các chế độ ưu tiên khác đối với các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

            Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có quá trình tuân thủ pháp luật tốt, doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, chế độ quản trị tốt được áp dụng thủ tục hải quan thuận lợi; Luật hải quan năm 2014 đã bổ sung 01 mục gồm 04 điều (42, 43, 44, 45) quy định về chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp. Theo đó, các chế độ ưu tiên quy định tại Điều 43 gồm:

            - Miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật.

            - Được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan.

            - Được ưu tiên khi thực hiện thủ tục về thuế đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật về thuế.

            Luật hải quan năm 2014 cũng quy định cụ thể điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên (Điều 42), việc áp dụng chế độ ưu tiên đối với các doanh nghiệp thuộc các quốc gia có ký thỏa thuận với Việt Nam công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên; quyền, trách nhiệm của cơ quan hải quan (Điều 44), của doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên (Điều 45).

3.3. Về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với các loại hình hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (mục 3 đến mục 7)

Luật hải quan hiện hành quy định nguyên tắc quản lý hải quan đối với 13 loại hình hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển khẩu, quá cảnh (từ Điều 33 đến Điều 49), trong đó chỉ quy định chung về thủ tục hải quan mà chưa quy định thủ tục hải quan, chế độ quản lý hải quan của các loại hình hàng hoá có tính đặc thù, một số loại hình như quản lý hải quan đối với hàng gia công, nhập sản xuất xuất khẩu, chế xuất, một số loại hình tạm xuất khẩu, tạm nhập khẩu..... chưa được quy định trong Luật.

Nhằm bảo đảm tính minh bạch và tạo điều kiện để ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hoá chế độ quản lý hải quan, tại các mục 3, 4, 5, 6, 7 Chương III Luật hải quan năm 2014 quy định về thủ tục hải quan đối với các loại hình hàng hóa, theo đó: các loại hình xuất nhập khẩu có chung bản chất sẽ cơ bản áp dụng chung thủ tục hải quan, đồng thời bổ sung quy định về thủ tục hải quan đối với một số loại hình hàng hóa chưa được quy định trong Luật hiện hành nhưng thực tế đã được Luật thương mại và các Luật thuế quy định như: nhập nguyên liệu, vật tư để gia công hoặc sản xuất hàng hoá xuất khẩu; một số loại hình tạm xuất khẩu, tạm nhập khẩu,...Cụ thể:

a) Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, tài sản di chuyển, hành lý (mục 3)

Mục này gồm 13 điều (từ Điều 46 đến Điều 58) được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành đã thực hiện ổn định, có bổ sung một số loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật, như:

- Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá kinh doanh tạm nhập- tái xuất (Điều 46); Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá bán tại cửa hàng miễn thuế (Điều 47); Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá tạm nhập khẩu, tạm xuất khẩu (Điều 48); Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp, hàng hóa chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh (Điều 50);  Kiểm tra, giám sát hải quan đối với ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt nam tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim khí quý, đá quý của người xuất cảnh, nhập cảnh xuất khẩu, nhập khẩu (Điều 55).

- Về kiểm tra, giám sát hải quan, xử lý hàng hoá tồn đọng (Điều 58)

Luật hải quan năm 2014 quy định cụ thể các loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tồn đọng được lưu giữ tại các khu vực kho, bãi thuộc địa bàn hoạt động hải quan, bao gồm:

   + Hàng hóa mà chủ hàng hoá tuyên bố từ bỏ hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc từ bỏ;

   + Hàng hóa nhập khẩu quá 90 ngày, kể từ ngày đến cửa khẩu nhưng không có người đến nhận;

   + Hàng hóa do doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi thu gom trong quá trình xếp dỡ hàng hóa;

   + Hàng hóa nhập khẩu ngoài vận đơn, bản khai hàng hóa nhưng không có người đến nhận.

Luật cũng quy định cụ thể cách thức xử lý hàng hóa tồn động, thời gian xử lý, trách nhiệm của cơ quan hải quan, tổ chức có liên quan trong việc xử lý hàng hóa tồn đọng.

b) Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu (Mục 4)

Tại Mục 4 Luật hải quan năm 2014 quy định về kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng xuất khẩu bao gồm nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu; đồng thời quy định rõ đây là đối tượng chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan từ khi nhập khẩu, trong quá trình sản xuất ra sản phẩm cho đến khi sản phẩm được xuất khẩu hoặc thay đổi mục đích sử dụng. Theo đó, việc quản lý, theo dõi hàng hóa không thực hiện trên cơ sở thanh khoản từng tờ khai như hiện nay mà thực hiện trên cơ sở lượng hàng hóa nhập – xuất – tồn. Cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất; năng lực gia công, sản xuất; việc sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu; việc quyết toán, quản lý, sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu (Điều 59); doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện chế độ quản lý, kế toán, thống kê, lưu giữ chứng từ, sổ sách, số liệu hàng hóa đưa vào, đưa ra cơ sở gia công, sản xuất; thực hiện báo cáo quyết toán việc quản lý, sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu; xuất trình sổ sách, chứng từ, hàng hóa khi cơ quan hải quan kiểm tra (Điều 60).

c) Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá tại kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ (Mục 5)

Các Điều 46 đến Điều 49 Luật hải quan hiện hành quy định các nội dung liên quan đến kho ngoại quan, kho bảo thuế nhưng chưa quy định cụ thể về điều kiện thành lập và thủ tục hải quan đối với hàng hóa ra, vào kho. 

Để minh bạch về thủ tục và tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện, Luật hải quan năm 2014 đã bổ sung khái niệm địa điểm thu gom hàng lẻ vào Điều 4 và tại Mục 5 sửa đổi, bổ sung những nội dung quy định cụ thể về: hàng hoá được gửi trong kho ngoại quan, địa điểm thu gom hàng lẻ; thời hạn lưu giữ hàng hoá trong kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ; điều kiện thành lập kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ; trách nhiệm của chủ kho, chủ hàng hoá và thương nhân kinh doanh địa điểm thu gom hàng lẻ.

d) Thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hoá vận chuyển chịu sự giám sát hải quan (Mục 6)

Các Điều 40 đến Điều 42 Luật hải quan hiện hành quy định các chế độ kiểm tra, giám sát riêng biệt đối với hàng hóa quá cảnh, chuyển cửa khẩu. Luật cũng không quy định rõ ràng thủ tục hải quan khi thực hiện vận chuyển loại hàng hóa này mà hiện được quy định ở văn bản dưới luật.

Về bản chất các trường hợp nêu trên đều là vận chuyển hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan nên thủ tục hải quan và chế độ giám sát đối với các loại hàng hoá này là giống nhau. Do đó, tại mục 6 Chương III Luật hải quan năm 2014 quy định thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hoá vận chuyển chịu sự giám sát hải quan. Cụ thể:

- Hàng hoá vận chuyển chịu sự giám sát hải quan bao gồm: hàng hoá quá cảnh và hàng hoá chuyển cửa khẩu.

- Về Thủ tục hải quan:

+ Khi vận chuyển hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan, người khai hải quan phải khai tờ khai vận chuyển hàng hóa. Nộp hoặc xuất trình hồ sơ hải quan.

+ Cơ quan hải quan tiếp nhận tờ khai vận chuyển hàng hóa, kiểm tra chứng từ và hàng hóa do người khai hải quan xuất trình để quyết định cho phép vận chuyển hàng hóa chịu sự giám sát hải quan.

+ Trong thời gian vận chuyển hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan, nếu người khai hải quan thực hiện việc trung chuyển, chuyển tải, lưu kho, chia tách lô hàng, thay đổi phương thức vận tải hoặc các công việc khác thì phải thông báo và được sự đồng ý của cơ quan hải quan trước khi thực hiện. Cơ quan hải quan có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 02 giờ kể từ khi nhận được thông báo.

+ Tuyến đường vận chuyển hàng hóa chuyển cửa khẩu, quá cảnh do người khai hải quan đăng ký và được cơ quan hải quan chấp nhận.

            đ) Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với phương tiện vận tải (Mục 7)

Mục này được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định của Luật hải quan hiện hành. Tuy nhiên, để đảm bảo tính đầy đủ, minh bạch phù hợp với thông lệ quốc tế, Luật hải quan năm 2014 quy định:

- Về thông báo thông tin phương tiện vận tải (Điều 66)

Luật Hải quan chưa quy định về việc khai báo thông tin về hàng hóa xuất nhập khẩu, hành khách xuất nhập cảnh trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh mà việc này mới chỉ thực hiện thí điểm theo Quyết định số 19/2011/QĐ-TTg ngày 23/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Để bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện  tiếp nhận khai báo và thông quan điện tử đối với phương tiện vận tải, Luật hải quan năm 2014 bổ sung 1 điều (Điều 66) về thông báo thông tin phương tiện vận tải, trong đó quy định: Chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải, người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền hoặc người phát hành chứng từ vận chuyển phải thông báo thông tin trực tiếp cho cơ quan hải quan hoặc qua hệ thống thông tin một cửa quốc gia về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và hành khách xuất cảnh, nhập cảnh trên phương tiện vận tải trước khi nhập cảnh, xuất cảnh.

- Về thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải (Từ Điều 67 đến Điều 72)

Nội dung này, cơ bản kế thừa quy định của Luật hải quan hiện hành và sửa đổi theo hướng: 

   + Phân định rõ thủ tục hải quan đối với: Phương tiện vận tải thương mại và phương tiện vận tải nước ngoài không nhằm mục đích thương mại (Ví dụ: ô tô cá nhân, du thuyền, …)

   + Quy định chi tiết thời hạn khai hải quan đối với phương tiện vận tải đường bộ, đường biển, đường sắt, đường sông, đường hàng không khi xuất cảnh, nhập cảnh để minh bạch về thủ tục.

3.4. Mục 8. Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Mục này gồm 04 điều quy định về nguyên tắc kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan; Thủ tục đề nghị kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan; Tiếp nhận, xử lý đơn đề nghị kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan; Thủ tục tạm dừng làm thủ tục hải quan, theo đó:

- Quy định cụ thể về hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát; thời hạn áp dụng biện pháp kiểm tra giám sát;

- Thủ tục tạm dừng làm thủ tục hải quan, thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan.

            3.5. Mục 9. Kiểm tra sau thông quan (Từ Điều 77 đến Điều 84)

Xuất phát từ việc thay đổi cách thức quản lý, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ phương thức thủ công, sang phương thức điện tử, giảm thời gian thông quan phù hợp với chủ trương cải cách hành chính hiện nay là chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có điều kiện dưa nhanh hàng hóa vào sản xuất, lưu thông trên cơ sở tuân thủ pháp luật, bảo đảm hiệu quả trong quản lý hải quản, ngăn chặn gian lận thương mại, bảo đảm tăng cường hoạt động kiểm tra sau thông quan, tại các Điều từ 77 đến Điều 82 của Luật hải quan năm 2014 đã quy định rõ về kiểm tra sau thông quan, tập trung vào một số nội dung sau:

- Các trường hợp kiểm tra sau thông quan: Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan và pháp luật liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu; Kiểm tra trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro đối với các trường hợp khác; Kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của người khai hải quan (Điều 78).

- Địa điểm kiểm tra: Tại trụ sở cơ quan hải quan, trụ sở người khai hải quan (Khoản 2 Điều 77).

- Thời hạn kiểm tra: 05 năm, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan (Khoản 3 Điều 77).

- Thẩm quyền ra quyết định kiểm tra: Cục trưởng Cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan ban hành quyết định kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan (khoản 1 Điều 79). Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Hải quan ban hành quyết định kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan (khoản 1 Điều 80).

Luật hải quan năm 2014 cũng quy định cụ thể thủ tục, trình tự kiểm tra, thời gian kiểm tra, việc xử lý kết quả kiểm tra; quyền, trách nhiệm của cơ quan hải quan, của trưởng đoàn kiểm tra; quyền, nghĩa vụ của người khai hải quan trong kiểm tra sau thông quan.

Đồng thời, để bảo đảm quy định thống nhất về kiểm tra sau thông quan, tại Điều 101 của Luật đã quy định bãi bỏ một số nội dung về kiểm tra sau thông quan tại Luật quản lý thuế.

4. Tổ chức thu thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (Chương IV)

Nội dung Luật hải quan năm 2014 cơ bản kế thừa các quy định tại Chương V Luật hải quan hiện hành, có sửa 4 điều với những nội dung sau cho phù hợp với pháp luật liên quan. Cụ thể:

4.1. Thay cụm từ "truy thu thuế" tại Điều 69 Luật hải quan hiện hành bằng "ấn định thuế" cho phù hợp với Luật quản lý thuế;

4.2. Bỏ quy định tại Khoản 2 Điều 68 Luật hải quan hiện hành về việc thông báo nhầm lẫn trong khai hải quan cho cơ quan hải quan vì việc này thuộc nội dung khai bổ sung đã được quy định tại Điều 29 của Luật.

4.3. Quy định rõ việc xác định mức thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu: căn cứ vào mã số hàng hoá và chính sách thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu lực tại thời điểm tính thuế (Điều 85)

4.4. Về trị giá hải quan

Để phản ánh đúng bản chất của trị giá hải quan phù hợp với Hiệp định trị giá GATT, tạo thuận lợi cho người nộp thuế xác định chính xác trị giá tính thuế hàng hoá xuất nhập khẩu, đồng thời đảm bảo cơ sở pháp lý trong việc xác định tỷ giá tính thuế, Luật bổ sung khái niệm “trị giá hải quan”; tại Điều 86 Luật quy định cụ thể nội dung xác định trị giá hải quan theo hướng xác định rõ trị giá hải quan được sử dụng làm cơ sở cho việc tính thuế và thống kê đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, bỏ việc xác định trị giá giá hải quan "theo hợp đồng"

5. Phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới (Chương V)

Sự thay đổi trong quản lý về thủ tục sẽ có tác động đến hầu hết các hoạt động nghiệp vụ hải quan thuộc chức năng nhiệm vụ của hải quan (kiểm tra, giám sát, điều tra chống buôn lậu, quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu…), theo đó, đòi hỏi quy định trong Luật phải có sự điều chỉnh cho phù hợp, nâng cao năng lực của hoạt động kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại để bảo đảm mục tiêu đặt ra: đơn giản hoá thủ tục nhưng quản lý hải quan được chặt chẽ.

Chương này gồm 5 điều: sửa đổi 04 điều, bổ sung 01 điều, tập trung vào các vấn đề sau:

5.1. Phạm vi trách nhiệm phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới (Điều 88)

- Luật hải quan hiện hành quy định: trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện vận tải. Ngoài địa bàn hoạt động hải quan cơ quan Hải quan phải phối hợp với các lực lượng chức năng khi tiến hành bắt giữ hàng hóa buôn lậu.

Để khắc phục trường hợp đối tượng chạy ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan mà các cơ quan khác chưa kịp thời phối hợp nên không ngăn chặn được vi phạm, đồng thời để tăng cường hoạt động phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển, tại Điều 88 Luật hải quan năm 2014 đã bổ sung các quy định sau:

   + Cơ quan hải quan tiếp tục truy đuổi khi có căn cứ xác định hàng hoá buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới, phương tiện vận tải chở hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan;

   + Đối với hàng hóa chịu sự giám sát hải quan đang vận chuyển trên các tuyến đường, cơ quan hải quan có trách nhiệm giám sát bằng các biện pháp nghiệp vụ hải quan; khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan hải quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật;

   + Cơ quan hải quan thực hiện, phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát tại vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, nhằm ngăn ngừa hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

5.2. Về thẩm quyền của cơ quan hải quan trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 89)

- Luật hải quan năm 2014 không sử dụng thuật ngữ “nghiệp vụ trinh sát” như Luật hải quan hiện hành mà sử dụng thống nhất thuật ngữ “biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan”. Theo đó, cơ quan hải quan có trách nhiệm thực hiện kiểm soát hải quan đối với hàng hoá, phương tiện vận tải để phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới trong địa bàn hoạt động hải quan. Tại khoản 6 Điều 88 giao Chính phủ quy định chi tiết biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan.

 - Luật hải quan năm 2014 cũng quy định cụ thể cơ quan hải quan có quyền sử dụng: cờ hiệu, đèn hiệu, pháo hiệu, còi, loa; sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (khoản 5 Điều 89).

            5.3. Về thẩm quyền của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 90)

- Điều 90 Luật hải quan năm 2014 quy định cơ quan hải quan có thẩm quyền dừng phương tiện vận tải, tạm giữ người, áp giải người vi phạm trong trường hợp có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Các quy định này nhằm bảo đảm phù hợp với đặc thù của hoạt động chống buôn lậu, phạm vi địa bàn ở vùng cửa khẩu giáp biên giới, sân bay, trên biển; nếu không được dừng phương tiện vận tải; tạm giữ ngay người có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì các đối tượng sẽ nhanh chóng tẩu thoát sang bên kia biên giới hoặc lên máy bay, phương tiện vận tải khác để xuất cảnh.

Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tại Điều 102 Luật hải quan năm 2014 sửa đổi, khoản 1 Điều 122 Luật xử lý vi phạm hành chính theo hướng bổ sung trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính khi có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

- Khoản 1 Điều 90 Luật hải quan năm 2014 cũng quy định rõ thẩm quyền áp dụng các biện pháp nêu trên là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan, Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội trưởng Hải đội Kiểm soát trên biển thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu.

5.4. Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân liên quan (Điều 91)

Luật hải quan hiện hành quy định trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan hải quan trong việc phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, nhưng không quy định quy định rõ nghĩa vụ của các đối tượng có liên quan khi cơ quan Hải quan thực hiện các quyền của mình.

Luật hải quan năm 2014 đã bổ sung 01 điều (Điều 91) để quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

5.5. Trang bị và sử dụng thiết bị kỹ thuật (Điều 92)

Để đảm bảo tính minh bạch của pháp luật cũng như để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hải quan trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tại Điều 92 của Luật hải quan năm 2014 quy định cụ thể hơn các thiết bị mà cơ quan hải quan được sử dụng như: thiết bị quan sát, soi chiếu, công nghệ sinh hoá, thiết bị cơ khí, điện, điện tử và các phương tiện khác.

6. Thông tin hải quan và thống kê hải quan (Chương VI)

Đây là 1 chương mới, gồm 6 điều, bố cục thành 2 mục, được bổ sung vào Luật hải quan năm 2014 nhằm làm rõ giá trị pháp lý của thông tin hải quan và nhiệm vụ thống kê hải quan.

6.1. Mục 1. Thông tin hải quan (từ Điều 93 đến Điều 96)

Để bảo đảm cơ sở pháp lý trong việc thu thập thông tin hải quan ở trong nước và nước ngoài, mục đích sử dụng thông tin hải quan, trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan hải quan trong việc thu thập, cung cấp thông tin hải quan, bảo vệ bí mật thông tin hải quan, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan hải quan, tại các Điều 93 đến Điều 96 Luật hải quan năm 2014 đã quy định các nội dung này.

6.2. Mục 2. Thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (Điều 97 và Điều 98)

Thống kê hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu là một trong những nhiệm vụ của hải quan được quy định tại Điều 11 Luật hải quan hiện hành.

Nhằm xác định rõ trách nhiệm của cơ quan hải quan trong việc thực hiện nhiệm vụ thống kê đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Luật hải quan năm 2014 đã bổ sung nội dung này vào mục 2 Chương VI để quy định về: Hoạt động thống kê hàng hoá xuất khẩu nhập khẩu và báo cáo thống kê hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

7. Quản lý nhà nước về hải quan (Chương VII)

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không quy định chương riêng về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm trong văn bản quy phạm pháp luật nếu không có nội dung mới.

Để phù hợp với quy định nêu trên của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật hải quan năm 2014 đã bỏ các điều quy định về quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện; trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo; thời hạn, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo vì đã được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật chuyên ngành về khiếu nại, tố cáo, thi đua khen thưởng và xử lý vi phạm hành chính.

8. Điều khoản thi hành (Chương VIII)

Chương này gồm có 04 điều trong đó có 02 điều quy định sửa đổi, bổ sung quy định của Luật quản lý thuế và Luật xử lý vi phạm, 02 điều quy định về hiệu lực thi hành và quy định chi tiết Luật.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để triển khai thống nhất, đồng bộ và hiệu quả những quy định của Luật hải quan trong hoạt động quản lý hải quan; tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu, rộng và mạnh mẽ những nội dung mới của Luật hải quan đến toàn thể cán bộ, công chức trong toàn ngành hải quan cũng như cộng đồng doanh nghiệp, cần tập trung thực hiện một số nhóm việc sau:

1. Xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật

1.1. Ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát các nội dung giao hướng dẫn tại Luật, đồng thời rà soát quy định của Luật hải quan đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật về hải quan hiện hành (do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo) để xác định các văn bản cần được sửa đổi, bổ sung, thay thế. Trên cơ sở đó, xây dựng danh mục các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật hải quan năm 2014 và xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật, bảo đảm các văn bản hướng dẫn Luật có hiệu lực cùng thời điểm Luật có hiệu lực.

1.2. Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đối chiếu với quy định của Luật hải quan năm 2014 để trình cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về Luật Hải quan

2.1. Xây dựng tài liệu tuyên truyền, bao gồm: đề cương giới thiệu Luật hải quan năm 2014; Biên soạn các cuốn sách: “Luật hải quan năm 2014”; “Hỏi - Đáp về pháp luật Hải quan”; “Hệ thống văn bản hướng dẫn Luật hải quan năm 2014”; Biên soạn tờ rơi, tờ gấp để tuyên truyền Luật hải quan năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Xây dựng Tài liệu tập huấn, tuyên truyền các Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật hải quan năm 2014 đã được ban hành.

2.2. Xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn tuyên truyền cho các cán bộ trong Ngành hải quan, doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có liên quan thông qua hội nghị Ngành, hội nghị đối thoại doanh nghiệp; đài truyền hình, báo hải quan, website hải quan.

2.3. Nghiên cứu, xây dựng chuyên đề để đăng trên các báo, tạp chí và tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu theo từng chuyên đề.

3. Chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ triển khai thi hành Luật

- Trên cơ sở quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, rà soát, xác định nhu cầu trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật, vũ khí, công cụ hỗ trợ… và thiết bị công nghệ thông tin phần cứng, phần mềm đối với từng hoạt động nghiệp vụ để lập kế hoạch, đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Sắp xếp tổ chức, bộ máy và chuẩn bị nguồn nhân lực:

4.1. Nghiên cứu mô hình tổ chức hải quan, rà soát chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trong ngành, đối chiếu với các quy định của Luật hải quan năm 2014, có phương án bố trí sắp xếp nguồn nhân lực, nhu cầu đào tạo cán bộ cho phù hợp với yêu cầu triển khai thực hiện Luật

4.2. Xây dựng Kế hoạch hành động của ngành về tổ chức bộ máy, bố trí nguồn nhân lực để thực hiện toàn diện Luật hải quan năm 2014.

 

  • Mùa nào thức nấy
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm ngồi tám chuyện: - Bước vô mùa nắng nóng là lại gặp mấy chuyện phiền toái, nào là đi hứng từng xô nước; rồi cúp điện, rồi bụi bay mù trời…
  • Bí quyết
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau: - Nhìn chị lúc nào cũng tươi vui. Bí quyết là gì thế?
  • Ý kiến
    06/08/2024
    Nhân viên mới trò chuyện với nhân viên cũ sau cuộc họp: - Sếp mình nói, là mai mốt chúng ta họp nội bộ cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến, không có gì phải ngại hết. Tốt quá anh ha…
Số lượt truy cập: 1643957